Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Tham vấn xây dựng Văn kiện Dự án về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích

15/09/2015

     Ngày 21/8/2014, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã  tổ chức Hội thảo Tham vấn xây dựng Văn kiện Dự án “Xây dựng năng lực phê chuẩn và thực thi Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam.     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết, quá trình toàn cầu hóa cùng với gia tăng dân số và yêu cầu của sự phát triển kinh tế, các nguồn gen động, thực vật, vi sinh vật và cả những kiến thức truyền thống về sử dụng nguồn gen gần đây đang bị giảm dần. Nguyên nhân là do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn gen; Hệ thống cơ quan quản lý và kiểm soát nguồn gen chưa được củng cố; Nhận thức về vấn đề tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích còn thấp.       Nhằm thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đề xuất với Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ Dự án “Xây dựng năng lực phê chuẩn và thực thi Nghị định thư Nagoya về tiếp cận và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam”, với mục tiêu phát triển và thực hiện khung quốc gia về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS); Xây dựng năng lực quốc gia và hỗ trợ xây dựng văn bản thỏa thuận ABS trên cơ sở tri thức truyền thống và quan hệ đối tác công - tư.      Dự án dự kiến được thực hiện trong 3 năm (từ 2015 - 2018), gồm 4 hợp phần chính: Tăng cường chính sách quốc gia, khung pháp lý và thể chế cho ABS; Phát triển các biện pháp hành chính về ABS; Nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực về khung quốc gia ABS cho các bên liên quan; Mô hình trình diễn trong quản lý ABS.   Toàn cảnh Hội thảo        Theo một số đại biểu tham dự Hội thảo, Việt Nam có nhiều khoảng trống và rào cản trong việc thực hiện Nghị định thư Nagoya như: Chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm của bên cung cấp hay sử dụng nguồn gen; Chưa xác định rõ thủ tục cấp phép tiếp cận nguồn gen; Cơ chế chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen, bảo vệ tri thức truyền thống và nguồn gen liên quan đến tri thức truyền thống; Việc xác định chủ quyền, sở hữu đối với nhiều nguồn gen và tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen còn nhiều khó khăn...      Do vậy, cần xây dựng, ban hành Nghị định về ABS và các văn bản quy định chi tiết trong khuôn khổ Luật Đa dạng sinh học, phù hợp với Nghị định thư Nagoya, đảm bảo tính minh bạch về pháp lý cho cả bên cung cấp và bên sử dụng nguồn gen. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế tài chính hợp lý cho ABS và nâng cao nhận thức năng lực cho các biên liên quan về ABS.      Ngày 23/4/2014, Việt Nam chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 31 của Nghị định thư Nagoya về ABS. Theo thông báo của Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học, đến nay, đã có hơn 50 quốc gia thành viên gia nhập Nghị định thư Nagoya và đến ngày 12/10/2014, Nghị định thư Nagoya sẽ chính thức có hiệu lực trên toàn thế giới.   Theo VEA
Ý kiến của bạn