Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Thái Nguyên tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nguồn nước

25/06/2014

     Thái Nguyên là tỉnh nằm trong lưu vực sông (LVS) Cầu, trung bình mỗi năm cung cấp khoảng 3,54 tỷ m3 nước mặt. Tuy nhiên, hiện nay Thái Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và nguồn nước đang bị ô nhiễm.

     Theo kết quả quan trắc môi trường định kỳ chất lượng nguồn nước mặt tại 49 điểm quan trắc của các sông, suối, trong đó có 27 điểm tại các suối đổ trực tiếp vào sông Cầu do Sở TN&MT Thái Nguyên thực hiện năm 2011 cho thấy, chất lượng nước (CLN) LVS Cầu đã bị ô nhiễm nhẹ chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng và vi sinh vật gây bệnh, điển hình là đoạn chảy qua khu vực và các suối tiếp nhận trực tiếp nước thải của các đô thị, khu khai thác khoáng sản, khu công nghiệp (KCN). Đặc biệt, phía hạ lưu sông Công (khu vực tiếp giáp với địa phận Hà Nội), do tiếp nhận nước thải từ bãi rác Nam Sơn, nguồn nước đã bị ô nhiễm hưu cơ, hàm lượng các chất ô nhiễm dinh dưỡng như amoni, ni tơ vượt tiêu chuẩn từ 2 - 5 lần.

     Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phần lớn các nguồn thải từ hoạt động khai khoáng, sản xuất công nghiệp, nước thải từ sinh hoạt, chăn nuôi... có chứa chất độc hại như dầu mỡ, kim loại nặng, chất rắn lơ lửng, độ màu, hàm lượng chì (Pb), kẽm (Zn), Asen (As), Cadmi (Cd), đều xả thải trực tiếp vào LVS Cầu với ước tính khoảng 50 triệu m3 nước thải/năm, cụ thể:

     Nước thải từ các cơ sở công nghiệp: Theo Báo cáo kết quả công tác quản lý môi trường trên địa bàn Thái Nguyên năm 2014, toàn tỉnh có trên 1.000 cơ sở công nghiệp, thuộc các ngành nghề khai khoáng, luyện kim, chế biến thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng. Trong đó, ngành luyện kim, cơ khí của Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và KCN Sông Công mỗi năm xả thải ra môi trường hơn 6 triệu m3 nước thải có chứa dầu mỡ, kim loại nặng; Ngành khai thác khoáng sản có lưu lượng nước thải phát sinh trên 12 triệu m3/năm, thành phần ô nhiễm chính là chất rắn lơ lửng, độ màu, kim loại nặng... Đặc biệt, nước thải ở các mỏ kim loại màu, hàm lượng Pb, Zn, As, Cd vượt từ 3,5 - 20 lần. Bên cạnh đó, ngành sản xuất giấy, nông lâm hàng năm phát sinh khoảng 700.000 m3 nước thải; Ngành chế biến thực phẩm phát sinh khoảng 200.000 m3/năm; Ngành sản xuất vật liệu xây dựng phát sinh trên 470.000 m3/năm, thành phần gây ô nhiễm chủ yếu là các chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng, làm đục nguồn nước mặt và có mùi hôi.

     Nước thải từ sinh hoạt: Lượng nước thải sinh hoạt phát sinh khoảng trên 33 triệu m3/năm, thành phần ô nhiễm chính là chất hữu cơ, vi sinh vật, gây mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe.

     Nước thải y tế: Mỗi năm, ngành y tế xả thải khoảng 830.000 m3 nước thải có chứa chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng và vi sinh vật gây bệnh. Mặc dù các cơ sở y tế đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng một số chỉ tiêu hữu cơ như nitơ, phốt pho trong nước thải sau khi xử lý vẫn cao.

     Nước thải từ hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi: Việc sử dụng phân bón không đúng quy trình và sử dụng quá nhiều hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước. Bên cạnh đó, hầu hết các trang trại chăn nuôi của tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải, trong số các trang trại đang hoạt động, chỉ có 10% có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cam kết BVMT; 6 trang trại thực hiện kê khai nộp phí BVMT đối với nước thải. Do vậy, lượng nước thải phát sinh từ các hoạt động này ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước.

     Trước nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt và chất lượng nguồn nước mặt đang bị đe dọa, những năm qua, Thái Nguyên đã có nhiều biện pháp thiết thực, góp phần kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN). Ngày 13/5/2011, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án BVMT LVS Cầu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, nhằm ổn định CLN tại những nơi chưa bị ô nhiễm; Hạn chế phát sinh nguồn thải gây ô nhiễm tại các dòng sông, suối phụ lưu của sông Cầu. Đồng thời, khôi phục và cải tạo cảnh quan, môi trường sinh thái ven sông; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác BVMT và triển khai thực hiện Đề án Bảo vệ tổng thể LVS Cầu.

     Tỉnh đã tăng mức đầu tư kinh phí từ 40 tỷ (năm 2010) lên hơn 100 tỷ đồng (năm 2013) cho công tác BVMT; Áp dụng biện pháp thu phí BVMT đối với nước thải trong hoạt động khai thác khoáng sản; Xây dựng Công trình xử lý nước thải TP. Thái Nguyên, công suất 8.000 m3/ngày, đêm, dự kiến hoàn thiện trong năm 2014; Lắp đặt các lò đốt rác mini tại các xã, cụm xã và xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện... Tháng 4/2014, Tổng cục Môi trường đã bàn giao việc quản lý, vận hành trạm quốc gia quan trắc môi trường nước tự động, cố định trên LVS Cầu đặt tại Thái Nguyên. Đây là trạm quan trắc nước mặt đầu tiên trong số 6 trạm được đầu tư xây dựng tại 3 LVS Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai, nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời những nơi có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường nước.

 

Chất lượng nguồn nước tại các sông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gần đây đã được cải thiện

 

     Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XII, ngày 14/5/2014 vừa qua, UBND tỉnh đã thông qua “Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp phân vùng bảo vệ nguồn nước; Xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các địa phương, khu, cụm công nghiệp... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang nghiên cứu xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối, ao, hồ; Hoàn thiện mạng lưới thông tin về tài nguyên nước.

     Ông Đoàn văn Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết, công tác BVMT trên địa bàn Thái Nguyên đã và đang nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị; Ý thức BVMT của cộng đồng được nâng lên; KCN Sông Công đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải và đưa vào vận hành từ năm 2011; 22/23 Bệnh viện đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải, góp phần BVMT. Hiện nay, 13/14 điểm quan trắc trên dòng chảy chính của sông Cầu bị ô nhiễm nhẹ hợp chất hữu cơ, không đạt chất lượng sử dụng cho mục đích sinh hoạt, nhưng đảm bảo nước tưới tiêu. Chất lượng nguồn nước tại một số điểm như Văn Lang, Hòa Bình - Đồng Hỷ, đoạn chảy qua khu vực TP. Thái Nguyên đã được cải thiện. Về phía hạ lưu, đoạn chảy qua địa phận huyện Phú Bình, các thông số ô nhiễm đã giảm.

     Để công tác KSONN mang lại hiệu quả hơn, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác thẩm định hồ sơ báo cáo ĐTM; Rà soát, lập danh sách báo cáo ĐTM/cam kết BVMT và hướng dẫn việc đăng ký chủ nguồn thải, đôn đốc các chủ dự án thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật về BVMT. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nhằm xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường; Tổ chức triển khai các dự án về BVMT; Tập trung huy động nguồn vốn đầu tư để thực hiện các chương trình, đề án BVMT và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

            Thu Hằng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

Ý kiến của bạn