Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Thành phần, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình và khả năng thu hồi, tái chế: Nghiên cứu điển hình tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh

03/10/2014

     TP. HCM là đô thị lớn, đứng thứ 2 của Việt Nam về diện tích (2.095 km2 so với Hà Nội 3.325 km2) và lớn nhất Việt Nam về dân số (gần 10 triệu dân) cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Với gần 2 triệu hộ gia đình; hàng chục nghìn nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh các loại; hàng nghìn cơ sở đào tạo; hàng tram cơ sở y tế; trên 10.000 phòng khám tư nhân; gần 12.000 cơ sở sản xuất trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất… mỗi ngày TP. HCM thải ra khoảng 10.000 - 11.000 tấn các loại chất thải rắn (CTR) (không kể các loại bùn thải). Trong đó, CTR sinh hoạt phát sinh từ các khu dân cư, khu thương mại, cơ quan, trường học, văn phòng làm việc, cơ sở công nghiệp (nhà ăn, văn phòng), cơ sở y tế không lây nhiễm (nhà ăn, văn phòng, phòng bệnh nhân) khoảng 9.000 tấn/ngày. Với tốc độ tăng khối lượng khoảng 6 - 8% năm (Nguyễn Trung Việt, 2012), CTR sinh hoạt đang là mối quan tâm lớn nhất với nhiều hiểm họa về môi trường. Thực tế hoạt động của các công trình xử lý, tái chế CTR sinh hoạt hiện tại (bãi chôn lấp hợp vệ sinh, chế biến compost, tái chế từng thành phần riêng biệt) còn gặp nhiều khó khăn và không hiệu quả do chất thải chưa được phân loại tại nguồn và bị hỗn hợp với những thành phần chất thải nguy hại từ sinh hoạt hàng ngày của con người. Nếu muốn tăng hiệu quả của hoạt động tái chế, phân loại CTR tại nguồn là một trong các cách tiếp cận để giải quyết khó khăn đang xảy ra.

     Cho đến nay, các số liệu nghiên cứu về thành phần CTR sinh hoạt từ các nguồn phát sinh khác nhau trên địa bàn TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn hạn chế và không liên tục. Số liệu đầu tiên về thành phần CTR sinh hoạt trên địa bàn TP. HCM do Trung tâm CENTEMA thực hiện năm 1995 - 1997 (CENTEMA, 1997) và được lặp lại vào năm 2008. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Byer và cộng sự (2006) cũng đã đánh giá thành phần CTR sinh hoạt từ hộ gia đình, khách sạn và chợ tại TP. Đà Nẵng. Nghiên cứu về thành phần và đặc tính CTR sinh hoạt từ các hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2010.

     Để đánh giá khả năng thu hồi tái chế các thành phần có trong CTR sinh haotj của hộ gia đình khi triển khai Chương trình phân loại CTR tại nguồn, nghiên cứu đã thực hiện thí điểm tại P. Bến Nghé, Quận 1, nhằm xác định thành phần CTR sau khi phan loại và tốc độ phát sinh CTR từ hộ gia đình làm cwo sở lựa chọn phương án công nghệ tái chế chất thải và các chương trình hành động ưu tiên trong công tác quản lý CTR của TP. HCM. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng giúp đánh giá sự tham gia của các hộ gia đình đối với Chương trình phân loại CTR tại nguồn.

 

Trần Thị Mỹ Diệu, Lê Minh Trường, Nguyễn Trung Việt

Khoa Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Văn Lang

(Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2014)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2014

Ý kiến của bạn