Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

TP. Hồ Chí Minh: “Nóng” quy hoạch treo và ô nhiễm môi trường

01/08/2014

     Thời gian qua, mặc dù chính quyền TP.HCM đã có nhiều nỗ lực để giải quyết tình trạng quy hoạch treo, tuy nhiên, tại phiên chất vấn ngày 10/7/2014 của kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP. HCM khóa VIII vẫn ghi nhận nhiều bức xúc của các đại biểu về vấn đề này.

     Quy hoạch treo vẫn “hành” dân

     Bức xúc vì các dự án quy hoạch treo đang ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, đại biểu Lê Minh Đức kiến nghị, thành phố nên đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ vì tình trạng này ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân trong vùng quy hoạch. Trường hợp không dùng thì sớm tiến hành trả lại đất cho dân”.

     Cùng quan điểm như trên, nhiều đại biểu cũng cho rằng, trên địa bàn thành phố đang tồn tại vô số dự án chậm thi công dẫn đến đời sống của hàng trăm hàng ngàn hộ dân cũng bị “treo” theo. Có nhiều dự án chậm 10 năm, thậm chí kéo dài 20 năm nên người dân sống trong khu quy hoạch không thể sản xuất, không thể tách khẩu, chuyển nhượng…

     Điển hình, theo đại biểu Nguyễn Tấn Tuyến, dự án xây dựng hàng lang cây xanh cách ly (Bình Chánh) với gần 1 triệu m2 đất có quyết định thu hồi từ năm 1997 đến nay vẫn án binh bất động làm ảnh hưởng trực tiếp đến gần 150 hộ dân tại đây. Nhiều đại biểu cũng đưa ra những dẫn chứng cụ thể khác như dự án khu công nghiệp Vĩnh Lộc mở rộng, dự án cây xanh Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân (ấp 7) quy hoạch từ năm 1997 đến nay chưa thực hiện, dự án 5ha thuộc đất quốc phòng 38 năm cũng chưa được giải quyết làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngành hộ dân.

     Trả lời chất vấn của cử tri và đại biểu HĐND, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt cho biết, trong thời gian qua các Sở ngành cùng phối hợp rà soát các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố và đã thu hồi 536 dự án “treo” với diện tích hơn 5.395 ha. Thời gian tới, việc rà soát này tiếp tục được thực hiện. Theo đó, đối với các dự án xây dựng nhà ở chậm triển khai, Sở sẽ đề xuất với UBND thành phố thu hồi dự án, các quyền và lợi ích của người dân sẽ thực hiện theo pháp luật của nhà nước. Các dự án có “trục trặc” sẽ gia hạn thời gian thực hiện dự án đến 31-12-2014 nếu các dự án này xong phần giải phóng mặt bằng. Sau thời hạn trên những dự án được gia hạn vẫn chưa thực hiện Sở sẽ tham mưu UBND TP thu hồi hoặc chuyển giao dự án.

     Liên quan đến vấn đề quy hoạch treo, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, thành phố không chỉ rà soát xóa dự án chậm tiến độ, mà còn kiểm tra sát sao đảm bảo việc xóa “treo” đúng quy định của pháp luật. Bởi vì hiện nay đang tồn tại thực tế dự án đã được xóa quy hoạch song đời sống của người dân vẫn bị “treo”.

 

 

     Ô nhiễm nặng tại các quận, huyện ngoại thành

     Không chỉ bức xúc vấn đề quy hoạch “treo”, tình trạng ô nhiễm ở các quận – huyện ngoại thành cũng được các cử tri và đại biểu phản ánh. Nhiều các đại biểu cho rằng, hiện nay các quận – huyện ngoại thành đang bị ô nhiễm trầm trọng. Đại biểu Nguyễn Quang Lâm đề nghị, Sở Tài nguyên Môi trường phải cho biết về hướng giải quyết 30 cơ sở dệt vải gây ô nhiễm ở khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Một đại biểu khác thắc mắc về tình trạng ô nhiễm không được giải quyết dứt điểm ở bãi rác Phước Hiệp (Củ Chi) vì người dân ở đây phải sống chung với bãi rác này lâu lắm rồi và không biết còn phải “sống chung” bao lâu nữa.

     Không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt song các nhà máy vẫn vô tư xả thải ra môi trường ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Chưa hết, những dòng kênh “đen” và các bãi rác khổng lồ đã trực tiếp ô nhiễm không khí. Chính vì vậy, mới có chuyện rất nhiều hộ dân ở quận 9, 12, Hóc Môn… cứ 2 năm phải thay tôn 1 lần vì gỉ sét. “Ô nhiễm không khí buộc người dân 2 năm phải thay tôn một lần, vậy không hiểu lá phổi nhân dân chịu được trong thời gian bao lâu?”- Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lo lắng.

     Trả lời chất vấn về vấn đề này, ông Đào Anh Kiệt cho rằng, nguyên nhân chính là thành phố thiếu sự chuẩn bị về mọi mặt khi kêu gọi DN di dời khỏi nội thành. Hiện thành phố đang hướng dẫn và hỗ trợ DN tiếp tục di dời ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, trong thời gian chờ di dời, DN nào gây ô nhiễm môi trường vẫn tiến hành xử phạt.

     Trả lời về tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác Phước Hiệp, ông Kiệt cho biết, khu xử lý rác thải Phước Hiệp ngay từ khi đầu tư đã không đảm bảo điều kiện vật chất, thông số kỹ thuật nên sau một thời gian hoạt động không tránh khỏi ô nhiễm. Hiện nay ngoài những biện pháp giải quyết ô nhiễm tình thế, UBND TP.HCM đang lên kế hoạch và lộ trình đóng cửa và di dời bãi rác này.

 

Theo plo.vn

 

Ý kiến của bạn