Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống con người

07/09/2015

   1. Thực trạng cung cấp nước sạch sinh hoạt hiện nay

   Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia “thiếu nước” do lượng nước mặt bình quân đầu người mỗi năm chỉ đạt 3.840 m3, thấp hơn chỉ tiêu 4.000 m3/người mỗi năm của Hội Tài nguyên Nước quốc tế (IWRA). Đây được xem là một nghịch lý đối với một quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc như nước ta. Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan, chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý.

   Tuy nhiên cũng cần phân biệt nguồn nước tài nguyên và nguồn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt. Nước tài nguyên là nguồn nước sông, suối, ao, hồ, nước ngầm hoặc nước mưa. Còn nước dùng để ăn uống, sinh hoạt là nước phải đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của con người, tức là nước sạch. Một số nguồn nước tài nguyên, trong một số trường hợp, có thể sử dụng trực tiếp cho sinh hoạt như nước ngầm sâu, nước mưa, còn lại đa số các nguồn nước cần phải được xử lý mới có thể trở thành nước sạch để sử dụng. Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm nặng. Kể cả nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, việc thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo, ví dụ như dùng mái lợp fibroxi măng để hứng nước mưa.

Sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước Nam Dư

   Theo thống kê báo cáo kết quả kiểm tra chất lượng nước cấp từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung năm 2013, đa số các nhà máy nước đều có chỉ tiêu chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, một số nhà máy nước thường gặp một số chỉ tiêu không đạt như: Nhiễm E. Coli liên quan đến vùng ngập lụt tại một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; Hàm lượng clo dư thấp do quy trình xử lý nước và mạng lưới phân phối không đảm bảo, bị rò rỉ hoặc do chưa đảm bảo hàm lượng clo dư trong mạng lưới. Hàm lượng nitrit, nitrat cao hơn tiêu chuẩn cho phép có thể do chất lượng nguồn nước khai thác bị ô nhiễm hoặc quy trình xử lý nước không đảm bảo hay do mạng lưới đường ống rò rỉ. Hàm lượng permanganate cao hơn tiêu chuẩn cho phép cho thấy nguồn nước có thể nhiễm bẩn các chất hữu cơ. Ngoài ra có một số chỉ tiêu cao hơn tiêu chuẩn cho phép như độ cứng, măng gan, sắt ở các mức độ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

   Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tăng cường kiểm tra đột xuất chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại một loạt các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Gia Lai, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ. Trong quá trình kiểm tra, Bộ Y tế cũng đã tổ chức lấy các mẫu nước tại các nhà máy nước, trạm cấp nước và các hộ gia đình để xét nghiệm đánh giá chất lượng nước. Kết quả xét kiểm tra cũng phản ánh tương tự như báo cáo của các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Tại Hà Nội, Bộ Y tế đã phát hiện nước tại khu đô thị Nam Đô, trạm cấp nước Mỹ Đình 2 không đạt tiêu chuẩn cho phép và đã đề nghị UBND thành phố có các biện pháp chỉ đạo dừng cấp nước và khắc phục ngay các sự cố để đảm bảo cung cấp nước an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dân.               

   2. Vai trò quan trọng nước đối với cuộc sống con người

   Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Nước sạch giúp cho con người duy trì cuộc sống hàng ngày bởi con người sử dụng nước sạch để cung cấp cho các nhu cầu ăn uống, hoặc sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt như tắm rửa, giặt giũ, rửa rau, vo gạo... Để thỏa mãn các nhu cầu vệ sinh cá nhân và sinh hoạt, mỗi người cần tới khoảng 120 lít nước/ngày. Nước sạch không chỉ là trong, không màu, không mùi, không vị mà còn phải an toàn đối với sức khỏe của người sử dụng. Nếu sử dụng nước không sạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, vì nước là môi trường trung gian chuyển tải các chất hóa học và các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được.

   Các hóa chất thường gặp trong nước như sắt, chì, măng gan, asen, thủy ngân, nitrit, nitrat, amoni, hóa chất bảo vệ thực vật, các sản phẩm dầu, mỡ và các hóa chất dùng trong công nghiệp… Nếu hàm lượng của các chất này trong nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép sẽ gây hại đối với sức khỏe như ngộ độc kim loại nặng (asen, thủy ngân, chì, hóa chất bảo vệ thực vật). Nếu hàm lượng hóa chất thấp hơn, có thể chưa ảnh hưởng ngay đến sức khỏe, nhưng các hóa chất có khả năng tích tụ trong các mô của cơ thể, về lâu dài có thể gây nên các bệnh nhiễm độc mãn tính hoặc ung thư.

   Việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn các yếu tố vi sinh vật cũng là nguyên nhân gây nên các bệnh hoặc các vụ dịch đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Nước cũng như thực phẩm rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn E. Coli, Salmonella gây bệnh tiêu chảy, phẩy khuẩn tả gây bệnh tả… Nhiều người dùng chung một nguồn nước bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh có thể gây bùng phát các vụ dịch trong cộng đồng và nếu phân hoặc chất thải của những người này không được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường thì dịch bệnh lại càng có nguy cơ lan rộng hơn.

   3. Nguyên nhân và giải pháp đảm bảo việc cung cấp nước sạch

   Hiện nay, có một số nguyên nhân gây làm ảnh hưởng đến chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt, cụ thể như:

   Tình trạng ô nhiễm nước bề mặt và nước ngầm ngày càng gia tăng. Ô nhiễm nguồn nước do chất thải rắn và lỏng từ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, bệnh viện. được thải trực tiếp vào môi trường mà không qua bất kỳ một khâu xử lý nào. Các loại hóa chất độc hại và các vi sinh vật gây bệnh sẽ xâm nhập vào các nguồn nước ngầm nông trong khi đó nước ngầm là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho các nhà máy nước và các trạm cấp nước tập trung. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác bừa bãi nguồn nước ngầm bằng các giếng khoan tự phát của các hộ gia đình, các cơ quan xí nghiệp, các cơ sở sản xuất phục vụ cho mục đích sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất đã và đang làm cho nguồn tài nguyên nước đang bị mất cân bằng nghiêm trọng và tăng nguy cơ ô nhiễm tầng nước ngầm thông qua các giếng khoan.

   Công nghệ, năng lực, quy trình xử lý của nhiều cơ sở cung cấp nước còn hạn chế. Trong khi một số nhà máy nước ở các thành phố lớn được đầu tư quy trình công nghệ xử lý hiện đại có thể loại bỏ được hầu hết các chất độc hại trong quá trình xử lý, thì nhiều các nhà máy nước đô thị và trạm cấp nước tập trung ở nông thôn có năng lực xử lý nước còn hạn chế, chưa có khả năng loại bỏ được tất cả các hóa chất độc hại ra khỏi nước. Nhiều cơ sở cấp nước chưa tuân thủ quy trình công nghệ, ví dụ chưa có biện pháp bổ sung, duy trì hàm lượng clo dư trong toàn bộ hệ thống cấp nước đạt tiêu chuẩn cho phép 0,3 - 0,5 mg/l để có thể diệt khuẩn trong nước.

   Hệ thống đường ống phân phối và bể chứa nước đã cũ, xuống cấp gây vỡ, rò rỉ đường ống làm cho các chất ô nhiễm từ bên ngoài thấm ngược vào trong đường ống gây ô nhiễm nước. Tại nhiều khu đô thị, khu chung cư, các hệ thống bể chứa đã cũ, nứt vỡ, thiếu nắp đậy, hư hỏng thì dù nước cấp có đảm bảo chất lượng cũng sẽ bị ô nhiễm nếu các bể chứa nước không được quản lý tốt.

   Ý thức bảo vệ hệ thống đường ống cấp nước của một số người dân chưa cao. Nhiều nơi có hiện tượng tự ý khoan đục đường ống để đấu nối trái phép gây thất thoát nước, giảm áp lực nước làm trào ngược nước bẩn và chất ô nhiễm vào trong đường ống.

   Nguồn nước bị ô nhiễm tự nhiên. Bên cạnh các yếu tố ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động của con người gây nên, nguồn nước cũng có thể bị ô nhiễm tự nhiên từ các lớp trầm tích trong lòng đất hoặc các quá trình hóa học xảy ra trong tự nhiên. Ví dụ ô nhiễm asen hiện nay trong nước ngầm chủ yếu là nhiễm asen tự nhiên.

   Đảm bảo việc cung cấp nước sạch và đầy đủ là một trong những điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe con người. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng, các nhà sản xuất kinh doanh nước sạch và bản thân mỗi người dân đang sử dụng nước sinh hoạt hãy trân trọng và bảo vệ nguồn sống của chính mình.

   Các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp cho nhân dân; Ổn định việc cung cấp nước sạch trên mạng lưới hiện có và sử dụng các nguồn lực để tăng cường chống thất thoát, thất thu; Rà soát, phát hiện nguyên nhân gây ra thất thu, thất thoát nước sạch để đề xuất các giải pháp, biện pháp khắc phục, quản lý cụ thể, phù hợp.

   Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước để đảm bảo chất lượng nước cấp của các nhà máy nước, trạm cấp nước khu vực đô thị, nông thôn. Sở Y tế tăng cường kiểm tra về chất lượng nước sạch để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng.

   Đối với người dân, cần phải nâng cao ý thức cộng đồng để giữ sạch nguồn nước bằng cách không vứt rác bừa bãi, không phóng uế bậy, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch, không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn. Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Bên cạnh đó giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt như nước dội vào nhà vệ sinh, tắt vòi nước khi đánh răng; kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước; dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây…

Nguyễn Thị Liên Hương

Đỗ Mạnh Cường

Cục Quản lý môi trường y tế

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8 - 2015)

Ý kiến của bạn