Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam

20/01/2016

     Hàn Quốc là một trong những quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, 97% tổng nhu cầu năng lượng lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Quốc gia này cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu nước sạch trong thời gian dài, đặc biệt là trong điều kiện tác động của BĐKH ngày nay. Tuy nhiên, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, Hàn Quốc đã kết hợp giải quyết khó khăn về kinh tế với gói kích thích quan trọng cho chi tiêu xanh và đạt được kết quả đáng khen ngợi.

 

Xứ sở kim chi vào thu

 

     Nếu như trước đây, tăng trưởng kinh tế tập trung vào số lượng, phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch thì nay, tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc tập trung vào chất lượng, thông qua cải tiến công nghệ, áp dụng kiến thức xanh, bảo vệ môi trường…với một loạt thay đổi về chính sách.

     Tháng 12/2007, trong quá trình chuẩn bị nhậm chức, tân Tổng thống Lee Myung-bak đã thành lập một tổ chức chưa từng có trong tiền lệ với tên gọi Nhóm về BĐKH.

     Tháng 8/2008, trong bài phát biểu kỷ niệm 60 năm thành lập nước Đại Hàn Dân Quốc, tổng thống Lee Myung-bak đã bày tỏ quan điểm của chính phủ mới trong việc củng cố động lực tăng trưởng, xây dựng một đất nước tiên tiến trên cơ sở nhận thức sâu sắc nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và BĐKH, đồng thời khẳng định, chính sách tăng trưởng xanh với lượng cácbon thấp chính là triển vọng tương lai của Hàn Quốc 60 năm tuổi.

     Tháng 9/2008, Chiến lược Thực hiện tăng trưởng xanh được Hội đồng quốc vụ thông qua. Để cụ thể hóa, Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các hành động mang tính chiến lược. Bao gồm, gói kích cầu “Hiệp định tăng trưởng xanh mới”, “Kế hoạch Nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh”. Luật khung về tăng trưởng xanh cũng được chính phủ công bố thi hành vào tháng 1/2010.

     Năm 2011, Chính phủ Hàn Quốc đã tập trung vào nâng cao những hệ thống này thông qua việc ban hành luật nhằm hạn chế khí thải nhà kính và phát triển quản lý năng lượng nhằm chuyển giao cơ cấu kinh tế xã hội theo hướng khí thải các-bon thấp.

     Như vậy, hệ thống chính sách về tăng trưởng xanh của Hàn Quốc được xây dựng từ chiến lược vĩ mô đến các chính sách theo từng ngành, từng giai đoạn 5 năm với các nội dung nhất quán, cụ thể và khả thi. Với chính sách tăng trưởng xanh này, Hàn Quốc dự kiến sẽ trở thành một trong “7 cường quốc kinh tế xanh” vào năm 2020 và một trong “5 cường quốc kinh tế xanh” của thế giới vào năm 2050.

     Với khẩu hiệu “Tất cả vì một cộng đồng giàu có”, Hàn Quốc đã thành công đáng kể trong việc khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân vì sự phát triển của cộng đồng. Sự thành công này được ghi nhận qua các dự án như: “Ngôi nhà xanh trị giá 2 triệu”, “Thành phố và dòng sông xanh hơn”, “Thành phố mặt trời”...Các doanh nghiệp cũng góp phần không nhỏ để hướng tới tăng trưởng xanh. Số lượng dự án của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp xanh được hiện thực hóa đã tăng hơn 40% kể từ năm 2009. Hệ thống chứng chỉ xanh được đưa ra vào tháng 4/2010 đã chứng nhận hơn 400 trường hợp doanh nghiệp, dự án và công nghệ xanh.

     Những thành quả thiết thực về kinh tế thu được bước đầu đã cho thấy chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc mang tính khả thi, đem lại hi vọng về một động lực tăng trưởng mới cho quốc gia này cũng như hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh.

     Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

     Để có được những thành quả như trên, Hàn Quốc đã rút ra một số bài học kinh nghiệm mà những nước như Việt Nam có thể áp dụng.

     Thứ nhất, phải có sự tham gia của hệ thống chính trị cao cấp để giải pháp quyết những vấn đề liên quan tới sự chuyển đổi và cải cách về thể chế, hệ thống ưu đãi, tổ chức và có thể tổng hợp được sức mạnh để phối hợp những quan điểm và lợi ích khác nhau.

     Thứ hai, cần có sự can thiệp chủ động của chính phủ để xây dựng khung thể chế và pháp lý bền vững cho tăng trưởng xanh, giới thiệu những chính sách, kế hoạch điều tiết thống nhất, thúc đẩy sự thay đổi trong thực tế. Ngoài ra, sự can thiệp của chính phủ có thể tối đa đa hóa sức mạnh và ảnh hưởng của thị trường đối với tăng trưởng xanh, có một hệ thống khuyến khích phù hợp với sự tham gia của khu vực tư nhân.

     Muốn chiến lược tăng trưởng xanh thành công cần có sự kết hợp hài hòa và hiệu quả từ trên xuống cũng như từ dưới lên. Giải pháp toàn diện sẽ giúp chia sẻ tầm nhìn và làm rõ những mục tiêu trung đến dài hạn về tăng trưởng xanh, có thể tư vấn và hợp tác, thuyết phục các bên và thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành đối với các địa phương liên quan. Còn sự chủ động tham gia của cộng đồng từ dưới lên sẽ tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh. Vì vậy, phải có những chính sách thể hiện rõ các hành động có sự tham gia của cộng đồng, gia tăng ý thức cộng đồng với tăng trưởng xanh, nhằm thay đổi hành vi của cộng đồng.

 

Việt Nam ký kết nhiều hiệp ước quan trọng với Hàn Quốc về tăng trưởng xanh

 

     Những thành quả và kinh nghiệm trong việc thực hiện Chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc sẽ rất bổ ích cho các nước đang phát triển như Việt Nam, góp phần hạn chế những vấn đề môi trường, tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển một cách bền vững. Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện và phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh với mục tiêu đến năm 2050, năng lượng và công nghệ xanh được sử dụng phổ biến. Chính sách tăng cường hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh của Hàn Quốc mở ra nhiều cơ hội phát triển sâu rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc.

 

Hương Đỗ

Ý kiến của bạn