Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tăng cường quản lý chất thải nguy hại nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường

22/02/2016

     Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014, trong đó quy định cụ thể về quản lý CTNH. Đặc biệt, ngày 24/4/2015, Bộ TN&MT đã trình ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải, phế liệu và ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về quản lý CTNH, vừa bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước về CTNH, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện thủ tục về quản lý CTNH.

 

Cần tăng cường quản lý và xử lý an toàn CTNH

 

      Theo đó, Bộ đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hướng dẫn quản lý CTNH phát sinh từ các cơ sở nhỏ lẻ, vận chuyển CTNH từ các cơ sở nhỏ lẻ đến kho chứa tập trung của doanh nghiệp. Cụ thể, khoản 1, Điều 24, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT đã quy định, Sở TN&MT lập, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, trung chuyển CTNH đối với các chủ nguồn thải CTNH có số lượng CTNH phát sinh thấp hơn 600 kg/năm hoặc chủ nguồn thải CTNH ở vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa đủ điều kiện cho chủ xử lý CTNH trực tiếp vận chuyển. Bên cạnh đó, bổ sung, hoàn thiện các quy định cấp phép xử lý tại các bệnh viện trong quy định tại điểm c, khoản 10, Điều 9, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP. Cụ thể, các cơ sở y tế có công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đặt trong khuôn viên để thực hiện việc tự xử lý và thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế lân cận thì không được coi là cơ sở xử lý CTNH và không thuộc đối tượng cấp Giấy phép xử lý CTNH. Mặt khác, khoản 2, Điều 23, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT đã quy định, Sở TN&MT lập, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn bảo đảm phù hợp với điều kiện của địa phương và quy định của pháp luật về BVMT; UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ TN&MT và Bộ Y tế về kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định về quản lý CTNH xuyên biên giới, CTNH đã nhập khẩu và không có khả năng tái xuất trở lại; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT và Thông tư liên tịch số 178/2015/TTLT-BTC- BNNPTNT-BTNMT-BYT ngày 12/11/2015 của các Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ Y tế đã quy định cụ thể thủ tục hành chính vận chuyển xuyên biên giới CTNH và TTHC này được thực hiện theo cơ chế một cửa quốc gia. Ngoài ra, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT cũng đã bỏ đi quy định về việc nộp phiếu phân tích trong Hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải CTNH để tạo thuận tiện cho quá trình đăng ký, cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH nhưng chủ nguồn thải vẫn phải có trách nhiệm trong việc phân định và phân loại CTNH theo quy định.

     Bên cạnh các quy định pháp lý đã ban hành, Bộ TN&MT đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện Dự án “Thiết lập hệ thống kê khai điện tử quản lý tổng hợp CTNH tại Việt Nam” để hỗ trợ quá trình cấp phép và quản lý CTNH, giảm thiểu giấy tờ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đăng ký cấp phép theo tinh thần cải cách hành chính. Đặc biệt, với việc giải quyết thủ tục hành chính vận chuyển xuyên biên giới CTNH đã được Bộ kết nối với cổng thông tin một cửa quốc gia để giải quyết. Ngoài ra, các văn bản giải đáp, hướng dẫn thực hiện và các văn bản pháp quy về quản lý chất thải đều được cập nhật tại địa chỉ http://www.quanlychatthai.vn để các cá nhân, tổ chức có thể tìm hiểu các nội dung liên quan đến hoạt động quản lý CTNH.

     Quản lý về CTNH là vấn đề quan trọng của quốc gia, vì vậy, cần có sự tham gia tích cực của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và hạn chế các tác động xấu tới sức khỏe con người.

 

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn