Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Tăng cường công tác quản lý an toàn hóa chất bảo vệ môi trường

10/04/2015

     Hiện nay tại Việt Nam, ngành hóa chất gồm 12 phân ngành chủ chốt như sản xuất phân bón, cao su, chất tẩy rửa, công nghiệp hóa dầu, hóa dược... là ngành công nghiệp quan trọng phục vụ sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác. Đồng thời, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất cũng có những đóng góp lớn cho ngành kinh tế. Để quản lý công tác an toàn hóa chất, Luật Hóa chất ra đời và có hiệu lực thi hành từ năm 2007 cùng với hệ thống văn bản pháp lý bao gồm các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũng được ban hành, góp phần đưa hoạt động hóa chất vào khuôn khổ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt, chưa thực hiện biện pháp an toàn hóa chất, tiềm ẩn những yếu tố nguy hại với môi trường, hệ sinh thái cũng như sức khỏe của con người. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Sinh - Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất - Cục Hóa chất - Bộ Công Thương về vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Xuân Sinh, GĐ Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất -
Cục Hóa chất - Bộ Công Thương

 

     Xin ông cho biết thực trạng quản lý, sản xuất và kinh doanh hóa chất trên địa bàn cả nước hiện nay?

     TS. Nguyễn Xuân Sinh: Hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong các ngành công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, chế biến thuốc lá, sản xuất sản phẩm dệt, may mặc, da và giả da... đều sử dụng hóa chất. Đặc tính hóa chất chủ yếu mang tính cháy nổ, kích ứng, độc và ăn mòn. Qua công tác kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp đang hoạt động có liên quan đến hóa chất hiện nay cho thấy, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp, cơ sở chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất. Nhiều doanh nghiệp chưa cập nhật thông tin về phiếu an toàn hóa chất chưa đầy đủ, không có nhãn mác, không sử dụng bảo hộ lao động trong sản xuất, bố trí kho chưa ngăn nắp…Đặc biệt, là hiện tượng hóa chất rơi vãi tại khu sản xuất, đây là hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe con người dễ xảy ra các sự cố phát sinh từ hóa chất. Vẫn còn một số cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất độc hại nằm xen lẫn trong khu dân cư. Một số doanh nghiệp không xây dựng phương án ứng cứu sự cố rò rỉ hay tràn đổ hóa chất theo đúng quy định.

     Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh hóa chất trái phép cũng diễn ra mạnh mẽ. Ngay tại chợ Kim Biên (TP. Hồ Chí Minh), hóa chất dùng trong công nghiệp và hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm bày bán lẫn lộn.Kết quả kiểm tra của Sở Y tế trong 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy, trong số hơn 5.000 mẫu thực phẩm được đưa đi kiểm nghiệm có tới gần 20% chứa hóa chất gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Hậu quả của việc dung nạp nhiều độc tố vào cơ thể dẫn tới hàng loạt vụ ngộ độc cấp tính trong thời gian qua, nhưng nguy hiểm hơn là tình trạng ngộ độc mãn tính khiến con người gặp phải các chứng bệnh nan y như suy gan, suy thận, ung thư…

     Thực trạng trên cho thấy, công tác quản lý hóa chất còn nhiều bất cập do các nguyên nhân: Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất còn chồng chéo, với nhiều cơ quan tham gia như Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

     Trong khi đó, bộ máy nhân sự quản lý hóa chất tại các địa phương còn mỏng, nhiều địa phương còn thiếu cán bộ chuyên môn nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ còn lúng túng.

     Việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động hóa chất còn chưa tốt do nhiều nguyên nhân: sự thiếu hiểu biết pháp luật của doanh nghiệp, còn tình trạng doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định pháp luật về quản lý hóa chất. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền văn bản pháp luật về hóa chất chưa được thực hiện thường xuyên….

     Tình trạng phát thải hóa chất độc hại ra môi trường đang có chiều hướng gia tăng và để lại nhiều hậu quả lâu dài về ô nhiễm môi trường, theo ông cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

     TS. Nguyễn Xuân Sinh: Hóa chất là ngành có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Phát thải hóa chất ra môi trường có thể xảy ra trong trường hợp có sự cố hóa chất (cháy, nổ, rò rỉ….), hoặc không có sự cố nhưng vẫn thải hóa chất ra môi trường qua các nguồn thải thường xuyên (nước thải, khí thải, chất thải rắn). Các hóa chất hết hạn sử dụng… cũng là nguồn phát thải ra môi trường. Để khắc phục tình trạng trên, các giải pháp cần được thực hiện là:

     Về phía Nhà nước: Cần ban hành các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất; Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động hóa chất; Thực hiện nghiêm chế độ xử phạt các doanh nghiệp vi phạm các quy định về hoạt động hóa chất và môi trường; Xây dựng cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia; Thống nhất quản lý hoạt động phân loại, ghi nhãn hóa chất nguy hiểm; đăng ký, khai báo hóa chất; thông tin an toàn hóa chất; Tổng hợp, thống kê tình hình thực hiện an toàn hóa chất trong phạm vi cả nước; Hướng dẫn xây dựng, tổ chức việc thẩm định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; Phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố hóa chất; Yêu cầu kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật an toàn trong sản xuất, kinh doanh các loại hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm; Hướng dẫn, quản lý việc phân loại và ghi nhãn hóa chất theo Hệ thống hài hòa toàn cầu; Xác định lộ trình áp dụng các quy định về phân loại đối với chất, hỗn hợp chất; Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động hóa chất và an toàn hóa chất;Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hóa chất…

     Về phía doanh nghiệp: Việc kinh doanh hóa chất phải thực hiện các quy định về quản lý và an toàn hóa chất theo quy định, thường xuyên bảo dưỡng, vận hành hệ thống an toàn hóa chất; Có cán bộ chuyên trách về an toàn hóa chất, có trình độ chuyên môn phù hợp với quy mô và loại hình sản xuất, kinh doanh hóa chất, nắm vững công nghệ, phương án và các biện pháp bảo đảm an toàn hóa chất.

     Đồng thời, các doanh nghiệp phải xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, thường xuyên thực hiện các cải tiến kỹ thuật, tiếp thu và áp dụng các công nghệ sản xuất mới, hiện đại, ít chất thải. Áp dụng các kỹ thuật sản xuất sạch hơn, thực hiện trách nhiệm xã hội…; Nêu cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn trong hoạt động sản xuất, giảm thiểu và triệt tiêu các nguy cơ gây mất an toàn trong sản xuất, lưu giữ hóa chất. Các nguồn thải phải được lắp đặt các hệ thống xử lý, vận hành đúng chế độ, đảm bảo các quy định về thải nước thải, khí thải, chất thải rắn…

     Được biết hiện nay, tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất còn thấp. Trung tâm đã và đang triển khai các hoạt động nào để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó sự cố hóa chất?

     Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất trực thuộc Cục Hóa chất, Bộ Công thương được giao thực hiện nhiệm vụ về quản lý an toàn hóa chất như chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn hóa chất, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tham gia phổ biến các văn bản pháp lý và thực hiện các hoạt động đào tạo kỹ thuật an toàn trong sản xuất, sử dụng hóa chất cho các doanh nghiệp…

 

Một số cửa hàng kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên (TP. HCM)

bày bán tràn lan các hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc

 

     Để thực hiện nhiệm vụ trên, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác dịch vụ tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp cách xác định hóa chất nguy hiểm và đánh giá đúng mức độ độc hại, nguy hiểm của hóa chất; kiểm soát chặt chẽ việc thống kê, các quá trình vận chuyển và cất giữ hóa chất. Phổ biến các kỹ năng cơ bản cho doanh nghiệp giảm thiểu tác hại của hóa chất đến con người và môi trường, bằng các biện pháp: Cách ly nguồn phát sinh hóa chất nguy hiểm với người lao động bằng các khoảng cách an toàn hoặc che chắn nguồn hóa chất nguy hiểm nhằm ngăn cách mọi nguy cơ liên quan tới hóa chất đối với người lao động; Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động nhằm ngăn ngừa việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất như: Mặt nạ phòng độc, kính an toàn, quần áo, găng tay, giày ủng... Ngoài ra, Trung tâm giúp các doanh nghiệp xây dựng kịch bản và hướng dẫn tổ chức hoạt động diễn tập ứng phó sự cố hóa chất…

     Bên cạnh đó, Trung tâm tham gia phối hợp liên ngành tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, ứng phó sự cố hóa chất của các doanh nghiệp, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng lượng lớn hoá chất, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất. Kiểm tra, cải tạo nâng cấp kho chứa hóa chất nguy hiểm. Đảm bảo đủ các trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy, nổ, phòng chống rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại theo quy định và đảm bảo khả năng ứng phó tại chỗ khi sự cố hóa chất xảy ra.

     Ngoài ra, Trung tâm sẽ triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, dán băng rôn, khẩu hiệu về nguy cơ, tác hại của sự cố hóa chất và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhằm bảo vệ sức khỏe con người, BVMT.

     Xin cảm ơn ông!

 

     Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong cả nước, địa phương có nguy cơ xảy ra sự cố an toàn hóa chất cao nhất là TP. Hồ Chí Minh. Kết quả thống kê từ năm 2010- 2014, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã xảy ra 7 vụ cháy nổ liên quan đến hóa chất, làm chết 8 người và bị thương 7 người, thiệt hại tài sản trên 40 tỷ đồng. Riêng trong năm 2014 xảy ra 4 vụ, làm chết 7 người, bị thương 6 người, thiệt hại trên 30 tỷ đồng. Một ví dụ điển hình của việc vi phạm các quy định quản lý hóa chất là công ty TNHH sản xuất và thương mại Đăng Huỳnh tại TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng tiền chất thuốc nổ để sản xuất phân bón đã gây ra sự cố nổ nhà máy vào tháng 10/2014 dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết 4 người và 3 người bị thương.

 

                 Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn