Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Sự trở lại của loài Sao la sau 15 năm

10/01/2014

     Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), một trong những loài thú quý hiếm và hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng nhất hành tinh, mới đây đã được bắt gặp lại tại tỉnh Quảng Nam. Hình ảnh về loài thú bí ẩn này đã được ghi nhận thông qua hoạt động bẫy ảnh của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thực hiện tại khu vực Trung Trường Sơn.

     “Sao la được những nhà bảo tồn Đông Nam Á coi là một “báu vật” nên khi lần đầu tiên nhìn vào các bức ảnh, chúng tôi đã không thể tin vào mắt mình. Đây là một khám phá quan trọng, một số người tin rằng Sao la đã biến mất vĩnh viễn khỏi Việt Nam và ghi nhận này làm sống lại hy vọng về sự phục hồi quần thể của loài này.” Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF tại Việt Nam chia sẻ.

     Loài Sao la thuộc nhóm thú sừng rỗng trông giống loài Linh dương. Sao la còn được gọi là Kỳ lân châu Á bởi nó hiếm khi được nhìn thấy và được nhận diện với hai cặp sừng song song, nhọn dần về phía cuối và có thể dài tới 50 cm. Lần cuối cùng, Saola được ghi nhận là ở Lào năm 2010. Người dân tại tỉnh Bolikhamxay, Trung Lào, đã bắt được một cá thể Sao la, nhưng cá thể này đã chết sau đó. Trước đó, lần cuối cùng Saola được ghi nhận trong tự nhiên là vào năm 1999 tại Bolikhamxay cũng qua hoạt động bẫy ảnh.

     Tại Việt Nam, lần cuối cùng một cá thể Sao la được nhìn thấy trong tự nhiên là vào năm 1998 và sự trở lại của Sao la lần này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác bảo tồn loài Sao la nói riêng và đa dạng sinh học nói chung. Tại khu vực Sao la được ghi nhận bởi bẫy ảnh, Dự án Dự trữ các bon và Bảo tồn Đa dạng sinh học (CarBi) của WWF đã và đang thực hiện một cách tiếp cận thực thi pháp luật mới, trong đó các nhân viên tuần tra bảo vệ rừng được tuyển chọn từ cộng đồng địa phương và được đồng quản lý bởi WWF và Ban quản lý Khu bảo tồn (KBT) Sao la. Đội tuần tra bảo vệ rừng cùng với các cán bộ kiểm lâm của Ban quản lý KBT tuần tra hàng ngày để tháo dỡ bẫy và xử lý các vụ việc về săn bắt, khai thác và xâm phạm bất hợp pháp vào KBT.

 

Sao la một trong những loài thú quý hiếm cần được bảo tồn

 

     Sao la thường bị mắc bẫy là do thợ săn đặt để bắt các loài động vật khác như nai, mang, chồn và các loài thú khác để phục vụ cho việc buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã. Từ năm 2011, các đợt tuần tra của Đội Tuần tra bảo vệ rừng và cán bộ kiểm lâm các KBT Sao la đã tháo dỡ được hơn 30.000 bẫy trong khu sinh cảnh của Sao la và phá hủy hơn 600 lều trại bất hợp pháp của thợ săn. Sự kiện tái phát hiện Sao la là một minh chứng cho những nỗ lực của các cán bộ kiểm lâm và Đội Tuần tra bảo vệ rừng.

     Sao la là loài thú mới được phát hiện vào năm 1992 do một nhóm các nhà khoa học của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN&PTNT) và WWF khi nghiên cứu đa dạng sinh học rừng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), gần biên giới Việt Nam và Lào. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một hộp sọ với cặp sừng kỳ lạ trong nhà một thợ săn. Đó là phát hiện đầu tiên về một loài động vật có vú lớn trên thế giới trong vòng 50 năm và là một trong những phát hiện về loài tuyệt vời nhất thế kỷ XX. Sau hơn 20 năm, hiểu biết về sinh thái và tập tính của Sao la vẫn còn rất hạn chế và sự khó khăn trong việc nghiên cứu loài động vật bí ẩn này đã ngăn cản các nhà khoa học đưa ra ước tính chính xác về quần thể loài.

     Sao la là biểu tượng cho sự đa dạng sinh học của dãy Trường Sơn - chạy dọc biên giới Lào và Việt Nam. Điểm nóng đa dạng sinh học này tự hào về sự đa dạng độc đáo các loài động vật quý hiếm với nhiều loài không thể tìm thấy ở nơi khác trên hành tinh. Cùng với sự phát hiện của Sao la, hai loài khác là Mang lớn và Mang Trường Sơn cũng được phát hiện trong những khu rừng Trường Sơn năm 1994 và 1997. Hình ảnh của Sao la khẳng định sự tồn tại của loài này tại dãy núi Trung Trường Sơn của Việt Nam, giúp WWF cùng đối tác tìm kiếm những cá thể khác và đưa ra những mục tiêu bảo vệ cần thiết. WWF cũng tạo sinh kế thêm cho cộng đồng xung quanh các KBT Sao la nhằm giảm săn bắt bất hợp pháp và tạo thêm thu nhập cho người dân. Công việc này là một hỗ trợ quan trọng đối với những nỗ lực bảo vệ và thực thi pháp luật, mà thiếu chúng loài Sao la có thể đã biến mất vĩnh viễn.  

 

Nguyên Hằng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013

 

 

 

 

Ý kiến của bạn