Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định triển khai hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

22/02/2016

   Năm 2015, được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định, Sở TN&MT tỉnh Nam Định đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Nhân dịp Xuân Bính Thân, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với ông Vũ Minh Lượng - Giám đốc Sở TN&MT Nam Định về những đóng góp cho công tác BVMT trong năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016.

   Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về BVMT tỉnh Nam Định năm 2015?

   Ông Vũ Minh Lượng: Năm 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và được đánh giá là năm có nhiều hoạt động quan trọng đối với ngành TN&MT. Trong đó, tập trung giải quyết nhiều vấn đề lớn, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý nhà nước về nhiều lĩnh vực của ngành như đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản…

   Tính đến nay, Sở đã tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) (6 quyết định; 1 nghị quyết) và nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về TN&MT. Đối với lĩnh vực môi trường, Sở tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành 1 Quyết định và 1 Nghị quyết về Quy định mức thu phí vệ sinh, ủy quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt Đề án BVMT chi tiết của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Nam Định.

   Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về BVMT, Sở TN&MT, UBND các huyện và TP đã tổ chức Hội nghị giới thiệu và triển khai Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với Mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức tập huấn về công tác BVMT, triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2014 trên địa bàn.

   Đồng thời, Sở tham mưu và trình UBND tỉnh phê duyệt 10 báo cáo ĐTM. Sở phê duyệt 53 báo cáo ĐTM; 9 đề án BVMT chi tiết; xác nhận thực hiện các công trình, biện pháp BVMT 17 hồ sơ; xác nhận việc thực hiện đề án BVMT chi tiết 8 hồ sơ; xác nhận kế hoạch BVMT của 6 cơ sở… Hoàn thiện báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh 5 năm giai đoạn 2011-2015 trình UBND tỉnh phê duyệt.

Hội nghị triển khai, phổ biến Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành do Sở TN&MT Nam Định tổ chức

   Bên cạnh những mặt thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lĩnh vực môi trường Nam Định còn gặp những khó khăn gì, thưa ông?

   Ông Vũ Minh Lượng: Có thể nói, ô nhiễm môi trường, sự cố, suy thoái môi trường ở Việt Nam nói chung, tỉnh Nam Định nói riêng đang là thách thức lớn trong công tác quản lý môi trường. Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, ngành môi trường tỉnh Nam Định còn gặp một số khó khăn chính trong công tác quản lý môi trường như: Ý thức BVMT của người dân chưa cao, bảo tồn đa dạng sinh học của một bộ phận quần chúng nhân dân còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt đặc biệt là ở TP. Nam Định chưa được xử lý, môi trường làng nghề còn diễn biến phức tạp. Việc xả rác thải bừa bãi còn diễn ra tại một số nơi, ở một số cơ sở sản xuất kinh doanh chất thải nguy hại chưa được chú ý phân loại, thu gom, xử lý… Tình trạng khai thác cát trái phép chưa được thường xuyên ngăn chặn, xử lý… Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về BVMT hiện nay mỏng, kinh nghiệm công tác, khả năng làm việc độc lập còn hạn chế. Trong khi khối lượng công việc hiện nay lớn; cán bộ đầu mối phụ trách giải quyết công việc còn thiếu nên khó khăn trong quá trình giải quyết công việc.

   Thưa ông, sau một năm Luật BVMT năm 2014 đi vào cuộc sống, công tác quản lý môi trường ở địa phương đã có những thay đổi như thế nào?

   Ông Vũ Minh Lượng: Để triển khai, thực hiện Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu quả, trước hết công tác tuyên truyền phải được tăng cường. Sở đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền ở cấp tỉnh, cấp huyện phổ biến Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, MTTQ và các tổ chức thành viên, đài PTTH, báo Nam Định, phòng Giáo dục và Đào tạo TP tổ chức triển khai Luật tới người dân.

   Qua 1 năm triển khai, Sở TN&MT, phòng TN&MT các huyện/TP đã rà soát các văn bản QLPL, các văn bản có liên quan đến lĩnh vực BVMT để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật BVMT năm 2014; xây dựng bộ thủ tục hành chính về công tác BVMT.

   Đồng thời, rà soát và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải làm các thủ tục hồ sơ BVMT; Yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành.

   Tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành Luật BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo thẩm quyền; xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm Luật hoặc gây ô nhiễm môi trường; Xây dựng và nhân rộng mô hình BVMT…

   Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 193/204 xã thu gom rác thải, toàn tỉnh hiện có 107 bãi chôn lấp tập trung đang hoạt động, 39 xã, thị trấn đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt nông thôn theo công nghệ mới; Hoàn thiện Dự án xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu tại xã Nam Phong, TP. Nam Định, xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy; Hoàn thành điều tra thống kê xây dựng các nguồn thải (nước thải) trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn tỉnh Nam Định.

   Bên cạnh đó, Sở đã xây dựng kế hoạch điều tra đánh giá ô nhiễm đất; Xây dựng báo cáo đề xuất đầu tư xử lý triệt để ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu tại 5 điểm trên địa bàn tỉnh; Triển khai Dự án cải thiện và xử lý môi trường làng nghề Bình Yên (đã hoàn thành giai đoạn I, đang triển khai giai đoạn II). Ngoài ra, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Dự án xử lý ô nhiễm môi trường 3 làng nghề khác để đề xuất với Chính phủ, Bộ TN&MT hỗ trợ kinh phí; Trình UBND tỉnh thành lập Quỹ BVMT trong năm 2016.

    Để công tác quản lý TN&MT đạt hiệu quả cao, Sở TN&MT đã xác định những nhiệm vụ cụ thể như thế nào trong năm 2016, thưa ông?

   Ông Vũ Minh Lượng: Năm 2016, toàn ngành TN&MT tỉnh Nam Định sẽ tham mưu cho UBND các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về môi trường; Đổi mới phương pháp tuyên truyền; khai thác lợi thế, hiệu quả việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, với các nội dung sau: Tiếp tục tuyên truyền Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản QPPL liên quan.

   Hoàn chỉnh việc ban hành văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, cụ thể hóa các văn bản, quy định của Trung ương, tổ chức thực hiện và vận hành, hiệu quả các cơ chế chính sách về BVMT.

   Lập kế hoạch phê duyệt và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường, kiên quyết xử lý vi phạm mới phát sinh đi đôi với xử lý dứt điểm vi phạm cũ. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường.

   Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hoàn thành chỉ tiêu về môi trường năm 2016; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT. Trong đó, Sở TN&MT tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có chất thải, khí thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường; Đôn đốc UBND các xã, thị trấn có công trình xử lý rác thải, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lập, hoàn thiện thủ tục môi trường theo quy định. Đối với phòng TN&MT các huyện/TP, tham mưu cho UBND huyện/TP kiểm tra việc chấp hành pháp luật BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền phê duyệt cam kết BVMT; Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc vận hành các bãi chôn lấp rác thải tập trung, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định.

   Tham mưu cho UBND tỉnh, UBND các huyện, TP huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng các lò đốt rác thải sinh hoạt; kiểm tra, giám sát việc xây dựng, lắp đặt, vận hành lò đốt rác đảm bảo quy định.

   Xây dựng, trình duyệt và tổ chức thực hiện “Quy hoạch đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Nam Định”; hoàn thành việc điều tra ô nhiễm làng nghề và đề ra các giải pháp khắc phục ô nhiễm làng nghề.

   Tổ chức thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp theo Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ.

   Năm 2016, tỉnh Nam Định phấn đấu chỉ tiêu môi trường với tỷ lệ như sau: Dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 94%; dân số đô thị sử dụng nước sạch đạt 100%; cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý theo Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ là 14/16 cơ sở; chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt trên 90%; chất thải rắn đô thị được thu gom đạt trên 93%; chất thải rắn ở nông thôn được thu gom đạt trên 85%; khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn đạt 100%.

   Xin cảm ơn ông!

                Phạm Tuyên
(Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

Ý kiến của bạn