Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Quy định về điều kiện của Tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường

13/10/2013

Phân tích số liệu quan trắc môi trường

Quan trắc môi trường (QTMT) là công cụ quan trọng trong công tác quản lý và BVMT. Luật BVMT năm 1993 đã quy định nội dung quản lý nhà nước về BVMT, trong đó có việc tổ chức, xây dựng, quản lý hệ thống QTMT ở phạm vi quốc gia. Luật BVMT năm 2005 cũng đã có một chương (chương X) quy định về “Quan trắc và thông tin môi trường”. Ngày 29/1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc TN&MT đến năm 2020. Có thể thấy, hoạt động QTMT ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần tích cực vào công tác BVMT đất nước.

Những năm qua, hoạt động QTMT đã được xã hội hóa. Ngoài các cơ quan nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương, nhiều tổ chức đã tham gia hoạt động dịch vụ QTMT nhằm phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm; Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết BVMT; Thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về BVMT như: Quan trắc hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường; Quan trắc phát thải của các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất...

Bên cạnh những đóng góp tích cực của các tổ chức, đã phát sinh những vấn đề bất cập về chất lượng của hoạt động dịch vụ QTMT như độ tin cậy, chính xác, trung thực và khách quan của số liệu quan trắc; Xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cụ thể là việc giảm giá thành, đồng thời không tuân thủ đúng và đủ các quy trình, phương pháp quy định, làm suy giảm chất lượng của hoạt động QTMT. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu căn cứ pháp lý để xác định năng lực QTMT của các tổ chức tham gia. Trong khi đó, số liệu, kết quả quan trắc là “đầu vào” quan trọng phục vụ cho công tác kiểm soát ô nhiễm, quản lý và BVMT, dự báo ô nhiễm môi trường cũng như đề xuất các biện pháp, chính sách, chiến lược phòng ngừa, cải thiện và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Một số nước như Đức, Ôxtrâylia, Mỹ, Niu-Di-Lân, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaixia, Thái Lan... đều có những điều luật, quy định riêng về điều kiện đối với các tổ chức tham gia hoạt động QTMT, nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và chất lượng của kết quả quan trắc. Tại các nước này, hoạt động QTMT được thực hiện bởi các tổ chức, cơ quan thuộc Chính phủ, các doanh nghiệp hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và cấp phép hoặc cho phép hoạt động. Các tổ chức khi tham gia hoạt động dịch vụ QTMT phải xây dựng và liên tục duy trì, cải tiến hệ thống chất lượng, nhằm bảo đảm tính chính xác, tin cậy. Qua nhiều năm áp dụng tại các nước trên thế giới cho thấy, đây là công cụ rất hiệu quả trong công tác quản lý và BVMT.

Việc xây dựng và ban hành Nghị định là hết sức cấp thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đưa công tác QTMT hoạt động ngày càng có chất lượng.

Ngày 29/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2013/NĐ-CP quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ QTMT (sau đây gọi chung là Nghị định).

Nghị định quy định về điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT; Hồ sơ và thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, tạm thời đình chỉ hiệu lực, thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT. Nghị định áp dụng đối với các cơ quan quản lý về môi trường, tổ chức hoạt động dịch vụ QTMT trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, tổ chức hoạt động dịch vụ QTMT bao gồm: Doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp; Các tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ thành lập theo Luật Khoa học và Công nghệ; Các tổ chức sự nghiệp môi trường được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Các tổ chức sự nghiệp công lập thực hiện hoạt động QTMT do cơ quan quản lý nhà nước giao kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước không chịu sự điều chỉnh của Nghị định này.

Theo Nghị định, các tổ chức hoạt động dịch vụ QTMT (bao gồm hoạt động quan trắc tại hiện trường và hoạt động phân tích môi trường) phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động như: Có Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận hoạt động khoa học công nghệ hay Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trong đó có hoạt động QTMT; Đủ điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất thực hiện hoạt động QTMT... được quy định cụ thể tại Điều 9 và Điều 10.

Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT có thời hạn hiệu lực là 36 tháng kể từ ngày cấp và có thể được gia hạn nhiều lần. Bộ TN&MT là cơ quan có thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, tạm thời đình chỉ hiệu lực, thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận.

Nghị định quy định về trình tự và thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, tạm thời đình chỉ, thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận kèm theo các loại biểu mẫu phục vụ việc đề nghị chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT.

Tổ chức muốn tham gia hoạt động dịch vụ QTMT phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận và phải nộp phí thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT, nộp lệ phí trong trường hợp được cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung và cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.

Nghị định cũng quy định các trường hợp bị tạm thời đình chỉ hiệu lực và thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận. Theo đó, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT bị tạm đình chỉ trong trường hợp: Tham gia hoạt động QTMT không đúng phạm vi, lĩnh vực được cấp Giấy chứng nhận; Sử dụng Giấy chứng nhận không đúng mục đích, không thực hiện đúng các quy định về chứng nhận; Không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định kỹ thuật về quy trình, phương pháp QTMT do Bộ TN&MT quy định; Không duy trì chương trình bảo đảm chất lượng trong QTMT. Trường hợp tổ chức bị cấm hoạt động, bị tuyên bố phá sản, bị giải thể, chia, tách hoặc khi tổ chức không còn đáp ứng đủ một trong các điều kiện quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Nghị định; Không thực hiện đúng quy định kỹ thuật về QTMT và không thực hiện, duy trì chương trình bảo đảm chất lượng trong QTMT sẽ bị thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận.

Tại Nghị định, Chính phủ giao cho Bộ TN&MT quy định chi tiết việc thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT và có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức, kiểm tra việc thực hiện Nghị định; Đồng thời, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT quy định phí thẩm định và lệ phí cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung và cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ QTMT. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/6/2013.

Nghị định ra đời và triển khai thực hiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ QTMT trong thời gian tới, cung cấp các số liệu QTMT có độ tin cậy và chính xác cao; Hỗ trợ  đắc lực cho công tác quản lý và BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn Văn Thùy, Nguyễn Thị Nguyệt Ánh

Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí môi trường, số 7/2013

 

Ý kiến của bạn