Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Quảng Ngãi tăng cường triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường

06/12/2014

     Hiện nay, việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề đã tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về BVMT, lén lút xả thải ra môi trường, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường và phát sinh nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới. Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, trong đó tập trung tăng cường công tác thực thi pháp luật về BVMT. Đồng thời, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật cải thiện ô nhiễm nguồn nước, xử lý rác thải, nước thải, bụi thải, khí thải, hỗ trợ xây dựng các công trình vệ sinh cho các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non và trạm y tế xã, bước đầu đã tạo được sự nhất trí, tham gia của toàn xã hội vào việc thực hiện BVMT, góp phần nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn.

     Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT, tỉnh đã chỉ đạo các Sở TN&MT, ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức các đoàn kiểm tra định kỳ công tác BVMT tại các doanh nghiệp, nhà máy, khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Qua kết quả kiểm tra cho thấy, hiện tỉnh có khoảng 1.291 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhưng chỉ có 229 hồ sơ đăng ký BVMT. Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện 776 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chiếm gần 60% tổng số các cơ sở sản xuất trên địa bàn, trong đó có một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới như: Công ty TNHH Tuyết Sương (phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Bàu Giang; Công ty cổ phần giấy Thiên Long, Xưởng sản xuất, tái chế nhựa thuộc Công ty TNHH sản xuất thương mại Trang Khánh Linh (CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây) xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường… Tỉnh đã có công văn yêu cầu xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm về môi trường. Tính từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 803 vụ vi phạm về môi trường, với 106 tổ chức, 843 cá nhân. Khởi tố điều tra 45 vụ, với 73 bị can. Xử lý hành chính 502 vụ, 104 tổ chức, 463 cá nhân, phạt trên 3,3 tỷ đồng, đồng thời chuyển cho các cơ quan khác tiếp tục xử lý 254 vụ với 307 đối tượng.

 

KKT Dung Quất - Quảng Ngãi tập trung đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình

hạ tầng kỹ thuật về môi trường

 

     Về công tác khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, hàng năm tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT thực hiện các biện pháp xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, phối hợp với các ban ngành, địa phương tổ chức rà soát, lấy mẫu, phân tích đánh giá mức độ ô nhiễm tại các kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Kết quả đang tiến hành xử lý 6 nền kho thuốc bị ô nhiễm do lượng thuốc BVTV tồn lưu, gồm: Núi Voi (thị trấn La Ngà, huyện Tư Nghĩa); Dốc Trạm (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh); Hòa Vinh (xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh); Phổ Cường (huyện Đức Phổ); Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa); Phổ Minh (huyện Đức Phổ).

     Công tác thẩm định và cấp phép môi trường cũng được quan tâm và chú trọng không chỉ về số lượng mà chất lượng. Tỉnh đã tổ chức họp các đơn vị tư vấn trên địa bàn để nâng cao năng lực tư vấn và chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); ban hành các văn bản chỉ đạo Sở TN&MT chấn chỉnh công tác ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Tính từ tháng 7/2009 đến nay, Sở đã tổ chức 150 Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM; kiểm tra, thẩm định 30 hồ sơ đề án BVMT chi tiết, 15 hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp BVMT.

     Bên cạnh đó, công tác thu gom bao bì thuốc BVTV, xử lý chất thải chăn nuôi được tỉnh chỉ đạo các ban, ngành tích cực thực hiện tuyên truyền vận động bà con nâng cao nhận thức BVMT, không xả rác thải bừa bãi ra kênh, mương làm ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, Chương trình khuyến nông năm 2013 và Dự án khí sinh học được triển khai đã xây dựng hơn 400 hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

     Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT đa dạng hóa các hình thức truyền thông về môi trường, tăng cường các bài viết, thời lượng phát sóng trên các báo, đài địa phương để giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về BVMT, tài nguyên thiên nhiên; Phối hợp với Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nạn nhân chất độc da cam... tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về BVMT; các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Giờ Trái đất, Tuần lễ quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường; các phong trào Xanh - Sạch - Đẹp, Nói không với túi ni lông, Tuyến đường Phụ nữ tự quản về môi trường…

     Bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ BVMT ở cấp cơ sở còn hạn chế về năng lực. Đặc biệt ở các xã, phường, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách về môi trường. Chế tài xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn, người dân chưa có ý thức trong việc thu gom rác thải, vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường đất và nước...

    Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh đã đề ra một số biện pháp cần thực hiện trong thời gian tới: Hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý một số khu vực bị ô nhiễm; Tăng cường nguồn nhân lực làm công tác BVMT từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã; Đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KKT, KCN,CCN; Hỗ trợ các huyện, xã xây dựng các bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh cũng như công tác thu gom xử lý rác thải; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về BVMT, đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, hàng năm lập danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời có chính sách khen thưởng đối với những đơn vị làm tốt công tác BVMT; Phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các cấp, ngành, địa phương của tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề môi trường; Nâng cao mức xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm để răn đe các doanh nghiệp…

 

            Châu Loan

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn