Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Quá trình đô thị hóa và nỗi lo về rác thải

27/10/2015

     Hiện nay, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…  vấn đề rác thải sinh hoạt đang là bài toán nan giải cần phải tìm ra phương pháp xử lý triệt để, nhằm giảm thiểu gánh nặng cho môi trường.

     Tính đến ngày 1/1/2014, dân số Việt Nam đạt 90.493.352 người, trong đó, tỉ lệ dân số sống ở thành thị chiếm 33,1% (tương đương với gần 30 triệu người) và tỉ xuất dân số thành thị tăng 3,3% hàng năm (giai đoạn 2009 - 2014). Việc gia tăng nhanh dân số thành thị là do quá trình di cư và đô thị hóa với tốc độ khá nhanh (khoảng 1%/năm), biến nhiều khu vực nông thôn trở thành những khu đô thị mới.
     Theo nhận định của các chuyên gia, quá trình đô thị hóa của Việt Nam chủ yếu dựa là do mong muốn chủ quan của giới quản lý và bằng các quyết định hành chính, nhân khẩu thành thị phát triển nhanh hơn so với yêu cầu của sự phát triển kinh tế, rất nhiều diện tích đất nông nghiệp trở thành đất đô thị nhờ các quyết định .Việc đô thị hóa gia tăng một cách cơ học dẫn đến nguy cơ chất lượng đô thị không cao, quản lý đô thị gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này không chỉ thể hiện ở chất lượng sống mà còn gây ra nhiều khó khăn trong quản lý chất lượng môi trường đô thị, khi mà tỉ số người gia tăng tỉ lệ thuận với lượng rác thải sinh ra.

 

Rác thải tại các đô thị luôn trong tình trạng quá tải

 

     Đi dọc các khu dân cư, rất dễ bắt gặp những đống rác to, nhỏ chất ngổn ngang, lộ thiên ngay đầu ngõ, chân cột điện, kênh, mương, bãi đất hoang như những bãi rác mi ni. Không khó để thấy những xe rác lúc nào cũng đầy ắp, nối đuôi nhau chờ xe thu gom rác chở đi xử lý, mặc dù đội công nhân vệ sinh môi trường luôn làm việc hết công suất nhưng lúc nào rác thải cũng trong tình trạng quá tải.
     Theo thống kê hiện nay, tại các đô thị, có đến 15 - 17% rác thải chưa được thu gom và con số này có thể còn cao hơn nhiều lần tại các đô thị loại IV và V. Nếu tính bình quân chỉ số phát sinh chất thải rắn (CTR) đô thị theo đầu người là 1.2 kg/người/ngày, thì với gần 30 triệu dân sống tại các đô thị, hàng ngày lượng CTR đô thị phát sinh khoảng 36.000 tấn/ngày, trong đó trên 5.800 tấn không được thu gom, trở thành một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường, đó là chưa kể đến CTR cho dù đã được gom nhưng chủ yếu vẫn chỉ xử lý bằng biện pháp chôn lấp thô sơ. Hầu hết các đô thị chưa có những kế hoạch quy mô để tổng xử lý, cũng như tái chế rác nhằm tận dụng triệt để nguồn lợi từ rác.

     Việc xử lý rác chỉ mang tính chất “giải quyết phần ngọn” nếu thời gian tới không có các giải pháp đồng bộ cả ở tầm vi mô và vĩ mô, sẽ gây tác động không nhỏ đến sức khỏe người dân, thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của đất nước. Có thể thấy, ở tầm vi mô, việc xử lý tận gốc rác thải sinh hoạt sẽ dễ dàng hơn nếu có sự cố gắng từ chính nguồn phát sinh - người dân. Tích cực giảm thiểu tối đa số lượng rác thải ra, tích cực phân loại rác theo tiêu chuẩn 3-R, đổ rác đúng nơi quy định đồng nghĩa với việc áp lực trong việc thu gom, xử lý rác sẽ được giảm xuống.

     Đối với những hoạch định ở tầm vĩ mô, đi đôi với quá trình kiến thiết đô thị hóa cũng cần phải chú trọng đến các công trình, kế hoạch để xử lý rác, khống chế thải lượng của tất cả các nguồn phát thải trong đô thị thông qua các giải pháp kỹ thuật (xử lý tại nguồn); Xử lý tập trung (nếu tổng thải lượng đã đến giới hạn thì không cấp phép các nguồn thải mới); Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, quy hoạch các khu công nghiệp tập trung; Tận dụng rác để tái chế, tái sử  dụng hoặc làm phân bón sinh học…
 

 

Bùi Hằng

Ý kiến của bạn