Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

23/10/2014

     Khu bảo tồn đất ngập nước (KBT ĐNN) Láng Sen được thành lập từ năm 2004, nằm trên xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, được xem như một bồn trũng nội địa thuộc vùng trũng rộng lớn Đồng Tháp Mười. KBT ĐNN có diện tích tự nhiên khoảng 5.030 ha, chia thành ba phân khu chức năng: Phân khu sinh thái; Phân khu rừng kinh tế; Phân khu đa dạng sinh học. Trong đó có một giới hạn tự nhiên khá đặc biệt là một “cù lao” diện tích khoảng 1.500 ha, là sinh cảnh thích hợp cho động thực vật ưa nước và các hệ sinh thái đồng cỏ. Với địa hình và hệ thống sông rạch tự nhiên, khu vực này được xem như một vùng đầm lầy ngập nước chịu ảnh hưởng trực tiếp chế độ thủy văn của sông Cửu Long và ngập lũ hàng năm, có sự đa dạng về hệ sinh thái: Rừng tràm, rừng ven sông, đồng cỏ ngập nước theo mùa, thủy vực nước chảy.

     Những giá trị đa dạng sinh học

     Kết quả khảo sát của Viện Sinh học Nhiệt đới (1989 - 2011) cho thấy, KBTĐNN Láng Sen có hệ động thực vật rừng rất phong phú, là nơi cư ngụ, sinh sống và phát triển của 156 loài thực vật bao gồm: 26 loài cây thân gỗ, 25 loài cây bụi, 8 loài dây leo, 101 loài cây thân thảo và 2 loài cây ký sinh; 149 loài động vật có xương sống (4 loài lớp lưỡng thê, 17 loài lớp bò sát, 122 loài chim, 6 loài lớp thú); 62 loài thủy sản ; 11 loài động vật đáy; 114 loài hệ thực vật nổi, trong đó có 20 loài nằm trong sách Đỏ Việt Nam và một số loài có trong sách Đỏ của IUCN. Tất cả các loài động thực vật tạo thành các quần xã có mối quan hệ hữu cơ với nhau về nguồn thức ăn, điều kiện sống.

     Ngoài ra, Láng Sen còn có hệ thực vật nổi rất đa dạng và phong phú, với 114 loài, 37 họ, 25 bộ thuộc 6 ngành tảo. Trong đó tảo lục là ngành chiếm ưu thế (55 loài), tiếp theo là tảo silic (23 loài), tảo lam (20 loài) và tảo mắt (14 loài), hai ngành có số loài thấp nhất (1 loài) là tảo vàng ánh và tảo lục. Hầu hết các loài tảo đóng vai trò quan trọng, là mắt xích thức ăn đầu tiên của sinh cảnh.

     Bên cạnh đó, KBT ĐNN còn là nơi cư trú của 122 loài chim nước, có những loài sống quanh năm và có nhiều loài về cư ngụ tại Láng Sen theo chu kỳ hàng năm để sinh sản và tìm thức ăn, trong đó một số loài có số lượng cá thể lớn như các loài cò, còng cọc, bạc má, chim suốt, trích, dòng dọc, le nâu, điêng điểng... Theo ước tính, số lượng chim khoảng trên 20.000 cá thể. Các cánh đồng cỏ năng (năng ống và năng kim) là bãi thức ăn của loài chim sếu trong mùa khô khi chúng di cư về vùng Đồng Tháp Mười.

 

 

 

Phát triển du lịch sinh thái, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư
xung quanh KBT ĐNN Láng Sen

 

     Đặc biệt, vùng trũng thấp của KBT ĐNN Láng Sen được xem là nơi tập trung của các loài cá di chuyển về từ phía thượng nguồn của sông Mê Công. Do đặc điểm của khu vực Láng Sen có hệ thống sông rạch tự nhiên và các con kênh nhân tạo, nên nguồn thủy sản khá phong phú và đa dạng, trong đó nguồn cá là tài nguyên quan trọng nhất. Số loài cá gồm 38 loài thuộc 14 họ, với các loài đặc trưng như cá thác lác, ngựa nam, cá trê, hô, tra dầu, lăng, cá ét và một số loài cá cảnh như cá ngựa, sặc vện, cá lòng tong…. Một trong những nguồn thức ăn chính cho các loài thủy sản là các thành phần động vật đáy và phiêu sinh có trong vùng ngập nước. Kết quả nghiên cứu trong khu vực Láng Sen từ năm 2008 - 2009 ghi nhận có 11 loài thuộc 3 ngành động vật đáy. Các loài động vật đáy và phiêu sinh phát triển khá nhiều trong khu vực trũng thấp và thường bị ngập nước quanh năm của Láng Sen được xem là nguồn thức ăn rất cần thiết cho các loài cá khi chúng trú ngụ và sinh sống trong khu vực này.

     Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích đất ngập nước trong khu vực Đồng Tháp Mười được sử dụng cho mục tiêu sản xuất nông nghiệp, do đó các khu ĐNN tự nhiên ngày càng thu hẹp, là một trong những nguyên nhân làm suy giảm nghiêm trọng các quần xã thực vật, các loài động thực vật tiêu biểu, các loài thủy hải sản có giá trị về nguồn gen quý, hiếm của vùng ĐNN. Bên cạnh đó, sự xâm lấn của các loài ngoại lai (mai dương, bèo cái, bèo hoa dâu) gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, các hoạt động khai thác gỗ, khai thác thủy sản, săn bắt của cộng đồng dân cư xung quanh KBT đã làm một số loài động, thực vật ở trạng thái nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng như trăn đất, trăn mắc võng, rắn ráo, rắn hổ mang, rắn mai gầm, rùa nắp, rùa vàng, bạc má, các cuốc, chim mèo, sếu, ác là, rái cá, cá da trâu, cá hô và các loài láu ma, năng kim, mồm mốc, lộc vừng.

     Bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước

     Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong thời gian qua, UBDN tỉnh Long An đã chỉ đạo Ban quản lý KBT ĐNN Láng Sen triển khai công tác phục hồi và phát triển cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái nguyên sinh để phục vụ nghiên cứu khoa học, tuyên truyền và phục vụ tham quan du lịch. Tỉnh đã bố trí dân cư sống quanh vùng hợp lý, tạo sự ổn định về nhà ở, đất canh tác, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó người dân tự giác tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của KBT. Hiện tỉnh đã thành lập nhóm cộng đồng sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học ĐNN và phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương (120 hộ) ở 2 xã Vĩnh Đại và Vĩnh Lợi. Song song với đó, tỉnh phát triển cơ sở hạ tầng làm nền tảng phát triển du lịch sinh thái, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư và xã hội với đặc trưng kiến trúc của vùng đất ngập nước, vừa hiện đại, vừa mang bản sắc đồng bằng Nam bộ.

 

KBT ĐNN Láng Sen là nơi cư trú của nhiều loài chim nước

 

     Trong thời gian tới, Ban quản lý KBT sẽ tiếp tục triển khai công tác quản lý các loài thực vật, động vật, chế độ thủy văn và môi trường, đặc biệt là các sinh vật ngoại lai xâm lấn; Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho nghiên cứu và quản lý KBT, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ KBT; Ngăn chặn những hình thức sản xuất, khai thác gây ảnh hưởng đến tính bền vững và toàn vẹn của hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học ĐNN của KBT; Hợp tác với các cơ quan ban ngành trong tỉnh, các cơ quan và tổ chức chuyên môn trong nước, các tổ chức quốc tế trong công tác nghiên cứu khoa học, quản lý bền vững ĐNN, phát triển cộng đồng vùng đệm; Kết hợp với Tổng cục Du lịch Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển du lịch sinh thái phối hợp với các điểm du lịch trong tỉnh.

     Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về phương thức quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các vùng ĐNN, tổ chức lồng ghép vào kế hoạch, chương trình và dự án phát triển có liên quan; điều tra, thống kê, đánh giá tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đa dạng sinh học tại các vùng ĐNN; khoanh vùng và quy hoạch các vùng ĐNN có ý nghĩa quốc tế, quốc gia; Tăng cường hợp tác quốc tế và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế về BVMT.

 

Nguyễn Thị Phượng

Bộ TN&MT

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 9/2014

Ý kiến của bạn