Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Phát hiện loài gấu ngựa - Một chỉ số quan trọng về hiệu quả công tác bảo tồn trực tiếp

12/08/2014

     Tại Quảng Nam, một cá thể gấu ngựa (Ursus thibetanus) được ghi nhận bởi máy bẫy ảnh của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại khu rừng tự nhiên vào tháng 6/2014. Đây là một chỉ số quan trọng về hiệu quả của những hoạt động bảo tồn trực tiếp, nhằm nâng cao chất lượng những cánh rừng đã từng được coi là một trong những điểm giàu đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới.

     Trong thời gian qua, WWF, cùng với các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương của tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế đang thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng cho công tác bảo tồn tại khu vực thông qua Dự án Dự trữ Các-bon và Đa dạng sinh học rừng (CarBi). Sự ghi nhận cá thể gấu ngựa, cùng với nhiều chỉ số quan trọng khác cho thấy những nỗ lực này đang đạt được những kết quả mong muốn.

    Gấu ngựa là loài gấu lớn nhất trong khu vực, dài thân - đầu: 120 -170 cm, trọng lượng lên tới 80-180 kg đối với con đực và 65-90 kg đối với con cái. Chúng có bộ lông đen, dài, xù, có yếm chữ V ở ngực mầu trắng, tai lớn và tròn. Dạng hiếm gặp có bộ lông nâu hoặc nâu đỏ, lông ở cổ dài, tạo thành bờm lớn, mõm dài phủ lông ngắn, xám trắng, tai lớn và tròn. Gấu ngựa sống phân bố từ Pakistan qua Hymalya tới Xiberi, Bắc Myanma, Thái Lan và Đông Dương. Ở Việt Nam, gấu ngựa thường sinh sống ở vùng Bắc tới Nam Trung bộ. Gấu ngựa là một loài được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt kê vào sách Đỏ và là một trong những loài động vật nguy cấp, cần được bảo vệ ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

 

Hình ảnh gấu ngựa được ghi nhận bởi máy bẫy ảnh chụp vào tháng 6/2014

 

     Cá thể gấu ngựa được máy bẫy ảnh của WWF ghi nhận lần thứ 2 kể từ tháng 12/2012 - khoảng thời gian WWF cùng với các ban ngành, địa phương bắt đầu sử dụng phương pháp giám sát đa dạng sinh học bằng việc lắp đặt một loạt bẫy ảnh nhằm ghi lại hình ảnh những loài động vật quan trọng trong khu vực để đánh giá sự hiệu quả của các biện pháp bảo tồn áp dụng trong dự án CarBi.

     Trong hơn 12.000 bức ảnh, nhiều loài động vật quý hiếm đã được ghi nhận như loài tê tê Java, hoẵng lớn, sơn dương, thỏ vằn Trường Sơn, gấu ngựa và đặc biệt là Sao la - báu vật quốc gia mới được phát hiện trở lại sau 15 năm tìm kiếm tại Việt Nam. Những hình ảnh này cho thấy rõ ràng đã có những tác động tích cực của các biện pháp bảo tồn hiện đang được áp dụng tại một khu vực giàu đa dạng sinh học nhất của Việt Nam.

     Song song với việc đặt máy bẫy ảnh, nhằm ghi lại các dấu vết của động vật hoang dã và sinh cảnh của chúng, WWF và các ban ngành, địa phương đã và đang thực hiện một mô hình tuần tra rừng tiên tiến trong đó người dân địa phương được tuyển dụng và đào tạo toàn diện về thực thi pháp luật, tuần tra và đặc biệt là tháo dỡ bẫy thú và phá hủy những lều trại của các thợ săn/ lâm tặc cũng như ngăn chặn săn bắn và khai thác gỗ bất hợp pháp khi có thể.

     Nhằm giảm thiểu trực tiếp áp lực của con người lên tới những cánh rừng địa phương, các chương trình của WWF cũng hướng tới việc tạo nguồn sinh kế cho cộng đồng địa phương thông qua việc động viên người dân tham gia quản lý rừng bền vững, kết nối giữa thị trường và quản lý rừng có trách nhiệm cho các sản phẩm đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững cũng như kết hợp các biện pháp phục hồi rừng ở những nơi xung yếu.

     Bà Lê Thủy Anh, Quản lý sinh cảnh Trung Trường Sơn của WWF-Việt Nam nói: "Mất rừng, săn bắt bất hợp pháp và phá rừng là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với các loài hoang dã. Đặc biệt, cần phải có thêm những nỗ lực thực thi luật pháp đồng bộ, hiệu quả cùng sự phối hợp tác tại cấp khu vực và quốc tế để bảo tồn các loài này."

     Trong tương lai, WWF sẽ tiếp tục hỗ trợ quản lý Khu bảo tồn cùng với các ban ngành địa phương, cũng như tìm kiếm những cơ hội để mở rộng mô hình Tuần tra rừng rất thành công này tại các Khu bảo tồn khác.

 

            Nam Việt

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 7/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn