Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Những nội dung cơ bản của Nghị định số 19/2015/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

04/05/2015

     Ngày 14/2/2015, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT (Nghị định số 19/2015/NĐ-CP) với kết cấu 9 chương, 57 điều, 5 phụ lục quy định 9 nội dung chính.

     1. Về nội dung cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động Khai thác khoáng sản

     Cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) là nội dung quan trọng nhằm BVMT, giữ gìn vốn tài nguyên khoáng sản của đất nước được quy định trong 7 điều từ Điều 4 đến Điều 10. Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân KTKS phải có phương án cải tạo phục hồi môi trường (CTPHMT), ký quỹ CTPHMT và phải thực hiện ngay trong quá trình KTKS. Đối với dự án đầu tư KTKS mới thì lập, trình thẩm định trước khi cấp Giấy phép KTKS; Đối với những cơ sở đang khai thác nhưng chưa có Phương án/Phương án bổ sung được phê duyệt hoặc chưa ký quỹ CTPHMT thì bị xử phạt vi phạm hành chính và phải lập, trình thẩm định phương án CTPHMT trước ngày 31/12/2016. Dự án KTKS sẽ phải lập lại phương án CTPHMT trong trường hợp đã có phương án được phê duyệt nhưng không triển khai thực hiện dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm phê duyệt.

     Thống nhất với pháp luật về khoáng sản, Nghị định quy định thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung bao gồm: Bộ TN&MT tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung đối với các dự án KTKS thuộc thẩm quyền Bộ TN&MT cấp giấy phép KTKS; UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án, phương án bổ sung đối với các dự án KTKS thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh cấp giấy phép KTKS.

     Ký quỹ CTPHMT là nội dung đã được triển khai trong suốt 7 năm vừa qua (từ năm 2008). Các quy định về ký quỹ đã được chỉnh sửa, bổ sung theo hướng khả thi, bảo đảm tiền ký quỹ được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả công tác CTPHMT bao gồm các quy định số tiền ký quỹ; nộp tiền ký quỹ; lãi suất tiền ký quỹ; xử lý tiền ký quỹ và lãi trong trường hợp giải thể hoặc phá sản.

     Nghị định cũng quy định nội dung về xác nhận hoàn thành CTPHMT theo hướng xác nhận hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung CTPHMT theo Phương án/Phương án bổ sung được phê duyệt. Để thống nhất với pháp luật về khoáng sản và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, Nghị định cũng quy định việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung Phương án/Phương án bổ sung được thực hiện trong quá trình nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ; Nội dung quyết định đóng cửa mỏ bao gồm nội dung xác nhận hoàn thành toàn bộ Phương án/Phương án bổ sung; Quyết định đóng cửa mỏ thay thế Giấy xác nhận hoàn thành toàn bộ Phương án/Phương án bổ sung.

     Những nội dung thay đổi của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP so với các quy định trước đây (Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg) là quy định các nội dung chuyển tiếp đối với UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt; xác nhận hoàn thành Phương án bổ sung của dự án/đề án đã được Sở TN&MT, UBND cấp huyện đã phê duyệt trước ngày Nghị định có hiệu lực; Tổ chức, cá nhân đã thực hiện ký quỹ trước ngày Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg có hiệu lực nhưng có nội dung phương án CTPHMT không phù hợp với quy định Luật BVMT 2014 và Nghị định thì phải xây dựng lại, trình phê duyệt trước 31/12/2016.

     2. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất

     Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất là nội dung mới được quy định tại Điều 61 Luật BVMT 2014 và được cụ thể hóa tại 4 điều từ Điều 11 đến Điều 14 của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP. Các nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường đất bao gồm việc xác định, thống kê, đánh giá và kiểm soát các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất; Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Xử lý ô nhiễm đất tại các khu vực công cộng hoặc khu vực bị ô nhiễm do hóa chất độc hại sử dụng trong chiến tranh, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và các chất độc hại khác; Trách nhiệm kiểm soát ô nhiễm môi trường đất của các cơ quan.

     Theo đó, việc kiểm soát các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất phải được thực hiện từ các khâu phòng ngừa, hạn chế các tác động tới môi trường từ nguồn phát sinh, thường xuyên theo dõi, giám sát và kịp thời cô lập, xử lý khi có dấu hiệu ô nhiễm môi trường. Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các nguồn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh yếu tố gây ô nhiễm môi trường đất cần phải kiểm soát nghiêm ngặt; hướng dẫn việc thống kê, đánh giá, xác định và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đối với các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất.

     Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ phải thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường đất. 3 loại hình cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất gồm: Cơ sở xử lý chất thải; Cơ sở KTKS; Cơ sở sản xuất hóa chất và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng hóa chất độc hại thuộc Danh mục thực hiện quan trắc chất phát thải do Bộ TN&MT ban hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 121 Luật BVMT phải thực hiện quan trắc chất lượng môi trường đất định kỳ, báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý môi trường; đánh giá chất lượng môi trường đất có sự xác nhận phù hợp với mục đích sử dụng là đất ở, đất thương mại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; công bố thông tin giữa các đối tượng sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở, đất thương mại.

     Để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất, bảo đảm đất có chất lượng đúng mục đích sử dụng, Nghị định quy định khi chuyển quyền sử dụng đất, người nhận quyền sử dụng đất có quyền yêu cầu người chuyển quyền sử dụng đất cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đất tại khu vực thực hiện chuyển quyền sử dụng đất.

     Nhằm phân định trách nhiệm giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong xử lý các khu đất bị ô nhiễm, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP xác định các khu vực đất bị ô nhiễm thuộc trách nhiệm xử lý của Nhà nước và tại các khu đất này, UBND cấp tỉnh lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường trình Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt; trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất để sử dụng cho mục đích khác thì phải lập phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường trình UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường trước khi sử dụng đất. Chất lượng môi trường đất tại các khu vực bị ô nhiễm hóa chất độc hại sử dụng trong chiến tranh, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và các chất độc hại khác phải được công khai cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

     Để kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, Nghị định phân định chức năng quản lý tại Điều 14 với trách nhiệm của Bộ TN&MT; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND cấp tỉnh.

     3. BVMT làng nghề

     Chế định BVMT làng nghề đã được quy định tại Luật BVMT 2005, tuy nhiên, tại thời điểm đó chưa có sự phân định giữa những cơ sở được khuyến khích phát triển tại làng nghề với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác; giữa làng nghề được khuyến khích phát triển với các làng nghề mang tính chất tập hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung nên việc thực hiện những chính sách khuyến khích phát triển làng nghề còn gặp nhiều khó khăn.

     BVMT làng nghề được quy định từ Điều 15 đến Điều 21 với việc phân định chế độ quản lý, kiểm soát khác nhau giữa cơ sở thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển và làng nghề được khuyến khích phát triển. Theo đó, cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề là những cơ sở thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I Nghị định (Danh mục này sẽ được điều chỉnh phù hợp theo từng thời kỳ). Làng nghề được khuyến khích phát triển và được xác định là những làng nghề có hơn 20% cơ sở sản xuất thuộc Danh mục ngành nghề được khuyến khích phát triển. Các cơ sở thuộc Danh mục có trách nhiệm pháp lý trong BVMT ít hơn so với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông thường; các làng nghề được khuyến khích phát triển được đầu tư từ ngân sách nhà nước để xây dựng hạ tầng kỹ thuật BVMT làng nghề và được ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, phát triển nhân lực, quảng bá sản phẩm, ưu tiên lựa chọn thực hiện theo các chương trình khuyến khích khác.

     Nghị định cũng quy định trách nhiệm quản lý làng nghề phân định cho UBND các cấp và Bộ TN&MT với chế độ báo cáo hàng năm.

     4. BVMT đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng

     Được quy định tại Điều 22 đến Điều 24, Nghị định quy định về yêu cầu BVMT đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; yêu cầu BVMT đối với tàu biển nhập khẩu để phá dỡ; trách nhiệm cơ quan quản lý.

     Đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng là cơ sở triển khai dự án xây dựng cơ sở phá dỡ tàu biển có báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ TN&MT phê duyệt; phải áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001; phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, con người và phải lập kế hoạch BVMT đối với từng con tàu được phá dỡ gửi Bộ TN&MT phê duyệt.

     Đối với tàu biển nhập khẩu để phá dỡ phải có chứng nhận phù hợp quy chuẩn quốc gia về môi trường do tổ chức chứng nhận phù hợp cấp.

     Trong BVMT đối với hoạt động phá dỡ tàu biển, Bộ TN&MT có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn thực hiện và chỉ định đơn vị chứng nhận phù hợp quy chuẩn; Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ TN&MT triển khai quy định về BVMT; UBND cấp tỉnh trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thi hành quy định về BVMT trong phá dỡ tàu biển.

     5. Xác nhận hệ thống quản lý môi trường

     Xác nhận hệ thống quản lý môi trường là chế định mới được quy định tại Khoản 3, Điều 68 Luật BVMT và được cụ thể tại 6 điều từ Điều 25 đến Điều 30 của Nghị định.

    Cơ sở phải thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường là những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động có phát sinh lượng chất thải lớn, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục II Nghị định. Danh mục gồm 19 loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải xác nhận hệ thống quản lý môi trường là những loại hình cơ sở có tính chất, quy mô tương đương với các dự án đánh giá tác động môi trường do Bộ TN&MT phê duyệt sẽ được xem xét, điều chỉnh phù hợp theo từng thời kỳ.

     Các cơ sở có Giấy chứng nhận phù hợp TCVN ISO 14001 còn hiệu lực thì không phải thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường nhưng phải có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền (Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) xác nhận cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung hệ thống quản lý môi trường.

     Các cơ sở đang hoạt động có trách nhiệm thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường trong thời gian 12 tháng từ 1/4/2015 đến ngày 1/4/2016; Các cơ sở chưa hoạt động thực hiện xác nhận hệ thống quản lý môi trường trong thời gian từ 12 - 24 tháng tính từ thời điểm cơ sở tiến hành hoạt động.

     Giấy xác nhận hệ thống quản lý môi trường có thời hiệu 5 năm do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp đối với các cơ sở thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; do Bộ TN&MT cấp đối với các cơ sở không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

     6. Bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường

     Cụ thể hóa quy định tại Khoản 3, Điều 167 Luật BVMT 2014, Nghị định quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây thiệt hại lớn tới môi trường phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro bao gồm tổ chức, cá nhân có hoạt động dầu khí và các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này; Sản xuất, kinh doanh hóa chất, xăng dầu; Sử dụng tàu biển chuyên dùng để vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc hàng hóa nguy hiểm khác khi hoạt động trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam; Lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại; vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Tổ chức, cá nhân này sẽ được cụ thể hóa theo Danh mục đối tượng phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan ban hành. Việc thiết lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định của Bộ Tài chính.

     7. Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

     Chế định về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) được xây dựng trên cơ sở luật hóa Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT. Luật BVMT quy định tại Điều 104 và được cụ thể hóa tại 4 điều từ Điều 33 đến Điều 36 Nghị định với các quy định Nguyên tắc và căn cứ xác định cơ sở gây ÔNMTNT; Danh mục cơ sở gây ÔNMTNT và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường; Trình tự, thủ tục quyết định danh mục cơ sở gây ÔNMTNT; Công khai danh mục cơ sở gây ÔNMTNT và biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.

     Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường được xác định căn cứ vào các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và mức độ vi phạm của các hành vi gây ô nhiễm môi trường theo các tiêu chí xác định cơ sở gây ÔNMTNT do Bộ TN&MT quy định.

     Cơ sở gây ÔNMTNT sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính (trừ các trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động) phải được đưa vào danh mục kèm theo biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường và thời hạn thực hiện. Các biện pháp xử lý gồm: Di dời địa điểm; Cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải; cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực đã gây ô nhiễm.

     8. Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT

     Nội dung này được thể hiện qua các quy định cụ thể gồm các Nguyên tắc ưu đãi, hỗ trợ; Đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ; Hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng; Ưu đãi tài chính về đất đối với cơ sở gây ÔNMTNT phải di dời; Ưu đãi về huy động vốn đầu tư; Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; Ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Ưu đãi thuế giá trị gia tăng; Trợ giá sản phẩm, dịch vụ về BVMT; Hỗ trợ tiêu thụ đối với sản phẩm; Hỗ trợ quảng bá sản phẩm, phân loại rác tại nguồn; Giải thưởng về BVMT.

     Một nội dung mới so với các quy định trước đây là quy định về mua sắm công đối với các sản phẩm thân thiện môi trường. Điều 47 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm ưu tiên mua sắm công đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ TN&MT gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận; Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác. Quy định này được xây dựng nhằm thúc đẩy sản xuất sạch hơn; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường. Để triển khai quy định này, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng quy chế về mua sắm công đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường.

     9. Cộng đồng dân cư tham gia BVMT

     Để phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong BVMT, Luật BVMT 2014 quy định tại Điều 146 về quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư và được cụ thể hóa tại 5 điều từ Điều 50 đến Điều 54 quy định về đại diện cộng đồng dân cư; Cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng dân cư; Tham vấn và giám sát của cộng đồng dân cư về môi trường; Đánh giá kết quả BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Xây dựng, thực hiện mô hình BVMT dựa vào cộng đồng dân cư tạo nền tảng cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy cộng đồng dân cư tham gia BVMT.

     Theo các quy định này, cộng đồng dân cư được quyền tự mình lựa chọn tổ chức hoặc cá nhân làm người đại diện cho cộng đồng thông qua các cuộc họp toàn thể hoặc đại diện hộ gia đình trong cộng đồng dân cư. Các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp những thông tin môi trường cho cộng đồng theo định kỳ ít nhất một năm một lần. Trên cơ sở thông tin môi trường được cung cấp, cộng đồng dân cư hoặc đại diện của cộng đồng dân cư sẽ đánh giá kết quả BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Cộng đồng dân cư được quyền tham vấn đối với các chủ trương, chính sách về BVMT trong quá trình xây dựng văn bản và xác lập các chỉ tiêu môi trường. Cộng đồng có quyền giám sát đầu tư công về BVMT theo pháp luật về đầu tư công và được khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình cộng đồng bảo vệ TN&MT, phát triển bền vững, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu.

     Để hỗ trợ cộng đồng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, Nghị định quy định các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường cho cộng đồng; tham vấn khi quyết định chủ trương, chính sách về BVMT; tiếp nhận và xử lý ý kiến tham vấn cộng đồng; hướng dẫn và ban hành cơ chế khuyến khích cộng đồng BVMT, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, các mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững.

 

Hoàng Minh Sơn - Phó Vụ trưởng

Lê Thị Minh Ánh

Vụ Chính sách và pháp chế

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2015

Ý kiến của bạn