Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Những kết quả nổi bật trong hoạt động khoa học và công nghệ của Tổng cục Môi trường giai đoạn 2010 - 2015

13/03/2015

     Trong giai đoạn 2010 - 2015, hoạt động nghiên cứu KH&CN của Tổng cục Môi trường đã góp phần thiết thực phục vụ công tác quản lý nhà nước về BVMT. Kết quả hoạt động KH&CN đã cung cấp cơ sở lý luận, khoa học để xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và các giải pháp quản lý nhà nước, giải pháp công nghệ môi trường. Trong bối cảnh Luật BVMT 2014 có hiệu lực thi hành từ năm 2015, hoạt động KH&CN của Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT.

     1. Kết quả thực hiện đề tài KH&CN các cấp giai đoạn 2010 - 2015

     Trong thời gian qua, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước trong công tác BVMT, các đề tài, nhiệm vụ KH&CN của Tổng cục Môi trường được tập trung thực hiện theo 4 nhóm nhiệm vụ, bao gồm: Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và công cụ kinh tế, hệ thống quản lý trong BVMT; Nghiên cứu về quy hoạch, dự báo, quan trắc và kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm môi trường; Nghiên cứu các mô hình, công nghệ giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường; Nghiên cứu cải thiện môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

     Trong giai đoạn 2010 - 2015, Tổng cục Môi trường đã và đang chủ trì, thực hiện 6 đề tài thuộc 2 Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước (mã số KHCN-BĐKH/11-15 và mã số KHCN-33/11-15); 36 đề tài cấp Bộ; 26 đề tài cấp cơ sở (chỉ tính các đề tài mở mới từ năm 2010 - 2014). Trong đó, có 20 đề tài KH&CN cấp Bộ đã được nghiệm thu; các đề tài còn lại sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2015. Các đề tài đã được nghiệm thu đều được Hội đồng nghiệm thu đánh giá có chất lượng tốt về nội dung và sản phẩm, có nhiều ý nghĩa thực tiễn, góp phần tích cực trong lĩnh vực quản lý nhà nước về BVMT. Kết quả nghiên cứu của các đề tài là cơ sở khoa học quan trọng để xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và giải pháp quản lý nhà nước về môi trường. Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai, thực hiện các đề tài, năng lực nghiên cứu khoa học của các cán bộ tham gia thực hiện (đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ) đã được nâng cao rõ rệt; công tác phối hợp nghiên cứu và đào tạo (đặc biệt là tham gia đào tạo sau đại học) giữa Tổng cục Môi trường với các viện, trung tâm nghiên cứu và trường đại học được nâng cao. Dưới đây là một số kết quả nổi bật đạt được từ các đề tài KH&CN, giai đoạn 2010-2015, đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về BVMT.

     Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hệ thống pháp luật về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học

     - Kết quả nghiên cứu một số đề tài đã góp phần thiết thực xây dựng Luật BVMT 2014 và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo các nhóm nội dung: BVMT ứng phó biến đổi khí hậu; Quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt; Tiêu chuẩn môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường và phục hồi môi trường; Công cụ kinh tế trong quản lý môi trường; Xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

     - Song song với việc xây dựng hệ thống pháp luật về BVMT, trong giai đoạn 2011 - 2015, Tổng cục Môi trường cũng đã và đang tiến hành xây dựng các hướng dẫn cụ thể để các Bộ, ngành và địa phương triển khai các quy định của pháp luật về BVMT. Cụ thể, đã nghiên cứu xây dựng quy trình đánh giá tác động môi trường đối với dự án khai thác và chế biến khoáng sản có chứa phóng xạ (đất hiếm và quặng sa khoáng titan). Đang nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khai thác khoáng sản có chứa phóng xạ (phương pháp: khai thác lộ thiên; loại quặng đất hiếm và sa khoáng titan) và hướng dẫn nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chế biến khoáng sản có chứa phóng xạ (đất hiếm).

      Xây dựng các công cụ phục vụ quản lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học

     - Xây dựng và áp dụng phương pháp tính toán lượng giá thiệt hại do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng các công cụ kinh tế, chính sách liên quan đến bồi thường thiệt hại do ô nhiễm không khí. Đồng thời, kết quả là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng chính sách, hướng dẫn tính toán bồi thường thiệt hại do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và xây dựng các khung, mức bồi thường phù hợp với thực tế.

     - Làm rõ các vấn đề lý luận về giải quyết bồi thường thiệt hại; phân tích thực trạng công tác giải quyết bồi thường thiệt hại, các vướng mắc, bất cập hiện nay ở Việt Nam; phân tích vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết bồi thường thiệt hại trong thời gian tới. Qua đó góp phần hoàn thiện pháp luật, tạo cơ chế minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giải quyết bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về BVMT.

     - Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về các nội dung liên quan đến đối tác công tư, xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực cho quản lý BVMT nói chung, chất thải nguy hại nói riêng; đề xuất cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển cơ chế đối tác công tư trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại.

     - Hệ thống hóa lý luận cơ bản liên quan đến cơ chế thu thập, chia sẻ thông tin và tri thức truyền thống về nguồn gen; điều tra, đánh giá hiện trạng, thiết lập mạng lưới về tình hình chia sẻ thông tin và tri thức truyền thống về nguồn gen tại Việt Nam. Các vấn đề này hiện đang được nghiên cứu để xây dựng cơ sở khoa học cho văn bản quản lý về cơ chế chia sẻ thông tin và hệ thống báo cáo về nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen tại Việt Nam.

     - Làm rõ cơ sở khoa học về hạn ngạch phát thải, tín chỉ giảm thải và các vấn đề liên quan; Đánh giá cơ sở pháp lý tiền đề, điều kiện đảm bảo và khả năng áp dụng thị trường mua, bán hạn ngạch phát thải, tín chỉ giảm thải nước thải công nghiệp ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất quy trình tổng thể triển khai giấy phép phát thải nước thải công nghiệp có thể mua, bán tại Việt Nam trong thời gian tới.

     Kết quả nghiên cứu của một số đề tài đã góp phần xây dựng các công cụ kinh tế phục vụ quản lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó đã nghiên cứu một số vấn đề mới làm cơ sở khoa học cần thiết và thực tiễn trong việc xây dựng các phương pháp luận, các công cụ phục vụ quản lý môi trường.

     Cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

     - Tiến hành nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải; công cụ tính toán hệ số phát thải; tính toán, xác định hệ số phát thải cho ngành công nghiệp xi măng, nhiệt điện và lò hơi công nghiệp ở Việt Nam.

     - Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất một số giải pháp kiểm soát ô nhiễm khí thải tại cụm công nghiệp ở Việt Nam (bao gồm các giải pháp về quản lý, kỹ thuật, công nghệ…).

     - Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng lợi ích kép về môi trường của các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam; Tiến hành đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới cộng đồng cũng như đề xuất bộ tiêu chí làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Xác lập và đề xuất các hành lang đa dạng sinh học tiềm năng trên đất liền của Việt Nam nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như đề xuất cơ chế quản lý và bảo vệ hành lang đa dạng sinh học.

     - Đánh giá các hoạt động, quy định an toàn, quản lý môi trường của các phòng thí nghiệm về hóa học, sinh học trong và ngoài nước; đề xuất dự thảo hướng dẫn kỹ thuật quản lý về BVMT tại các cơ sở nghiên cứu hóa học, sinh học.

     Xây dựng quy trình quan trắc, giám sát môi trường

     - Tiến hành nghiên cứu xác định độ tồn lưu và lan tỏa của dioxin nguồn gốc từ chất da cam tại Biên Hòa và Đà Nẵng cũng như lượng giá thiệt hại môi trường từ hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

     - Nghiên cứu và hoàn thiện các quy trình phân tích kim loại nặng và hóa chất bảo vệ thực vật Clo hữu cơ trong sinh vật hai mảnh vỏ phù hợp với điều kiện của phòng thí nghiệm của Tổng cục Môi trường nói riêng và hướng tới áp dụng cho các phòng thí nghiệm của Việt Nam cũng như đã nghiên cứu và đề xuất phương pháp luận nhằm thiết lập hệ thống giám sát tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với chất lượng môi trường nước mặt lục địa.

     - Tiến hành nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn của việc xây dựng tiêu chí và lựa chọn áp dụng thiết bị đo nhanh cầm tay để quan trắc môi trường không khí xung quanh trong điều kiện Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sẽ hướng tới sản phẩm cuối cùng là quy trình quan trắc và hiệu chuẩn thiết bị quan trắc đo nhanh cầm tay đối với các thông số SO2, NOx, CO, PM10 trong môi trường không khí xung quanh.

     - Thực hiện các nội dung nghiên cứu ứng dụng GIS và ảnh viễn thám quang học Landsat, Quickbird và ảnh Palsar theo dõi sự biến động của một số thành phần môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản bôxit; Triển khai thử nghiệm khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản bôxit tại Tân Rai, Lâm Đồng; Xây dựng quy trình theo dõi sự biến động của một số thành phần môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản bôxit sử dụng GIS và ảnh viễn thám quang học Landsat, VNRedsat-1 và ảnh Palsar.

     - Nghiên cứu mô hình cảnh báo, điều khiển từ xa qua internet và tin nhắn di động (SMS), thiết lập sơ đồ mô hình cảnh báo, điều khiển từ xa cho trạm quan trắc tự động; Xây dựng quy trình công nghệ trong việc điều khiển tự động một số thiết bị lắp đặt trong trạm quan trắc môi trường tự động; Áp dụng thử nghiệm mô hình tích hợp điều khiển tự động hóa và cảnh báo.

     - Làm rõ cơ sở khoa học về giám sát xã hội đối với hoạt động BVMT, đánh giá những ưu, nhược điểm cũng như nguyên nhân của thực trạng thực hiện giám sát xã hội đối với hoạt động BVMT trong thời gian qua tại Việt Nam. Hiện nay, Tổng cục Môi trường đã xây dựng các kiến nghị, giải pháp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát xã hội đối với hoạt động BVMT.

     Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu của 26 đề tài cấp cơ sở cũng đã đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong công tác BVMT cũng như làm tiền đề để xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực môi trường.

     2. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

     - Từ năm 2010, Tổng cục Môi trường được giao nhiệm vụ rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn lĩnh vực môi trường. Đến nay, Tổng cục Môi trường đã soạn thảo, xây dựng và gửi Bộ KH&CN ban hành 21 TCVN; 18 TCVN đang được Bộ KH&CN thẩm định trước khi ban hành. Trong năm 2014, Tổng cục Môi trường đang nghiên cứu, rà soát và xây dựng 16 TCVN.

     - Trong giai đoạn 2008 - 2013, Bộ TN&MT đã rà soát, chuyển đổi và xây dựng mới 44 QCVN. Trong đó, có 14 QCVN về chất lượng môi trường xung quanh (nước, không khí, trầm tích, tiếng ồn, độ rung) và 30 QCVN về chất thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn, phế liệu...). Trong năm 2014, Tổng cục Môi trường được giao rà soát, xây dựng 9 QCVN (nước thải ngành chế biến cao su thiên nhiên, chất lượng nước mặt, chất lượng nước ngầm, chất lượng nước biển ven bờ, nước thải công nghiệp giấy và bột giấy, nước thải công nghiệp dệt may...). Năm 2014, Tổng cục Môi trường cũng thực hiện nhiệm vụ đột xuất xây dựng Thông tư quy định về quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ (thực hiện theo quy định tại Điều 75 Luật BVMT 2014). Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo kế hoạch của Bộ TN&MT, trong năm 2014, Tổng cục Môi trường đã phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng, ban hành các quy chuẩn riêng cho Thủ đô Hà Nội theo Thông tư số 51/2014/TT-BTNMT ngày 5/9/2014.

     3. Xây dựng tiềm lực KH&CN

     Về nguồn nhân lực: Hiện nay, Tổng cục Môi trường có 18 đơn vị trực thuộc với trên 500 cán bộ có chất lượng và kiến thức chuyên ngành phù hợp (2 phó giáo sư, 28 tiến sỹ, 196 thạc sỹ, 296 đại học), phần lớn là các cán bộ trẻ. Hầu hết, các cán bộ trẻ đều được tạo điều kiện tham gia nghiên cứu (thông qua các đề tài, nhiệm vụ), qua đó cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức chuyên môn.

     Cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu KH&CN bước đầu được quan tâm đầu tư. Năm 2014, Dự án “Tăng cường năng lực Viện Khoa học quản lý môi trường” với tổng kinh phí được cấp là 8.450 tỷ phân bổ cho 3 năm (2014 - 2016) đã được phê duyệt và bắt đầu triển khai. Trung tâm Quan trắc Môi trường, Tổng cục Môi trường đã được đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ công tác quan trắc môi trường với các trang thiết bị tương đối đầy đủ phục vụ hoạt động giám sát chất lượng môi trường, được cấp chứng chỉ đạt VILAS 430 cho 38 thông số, hệ thống quản lý chất lượng của phòng thí nghiệm môi trường được chứng nhận phù hợp với chuẩn mực ISO-17025.

     Thông tin, hội thảo, hội nghị khoa học: Trong giai đoạn 2011 - 2015, thông tin KH&CN của Tổng cục Môi trường đã từng bước được đẩy mạnh và tăng cường. Đã xây dựng được cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường. Kết quả nghiên cứu của các đề tài, nhiệm vụ KH&CN đã được biên soạn thành các sách chuyên khảo và các bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Đã xuất bản 10 cuốn sách chuyên khảo và trên 60 bài báo được đăng tải trên các kỷ yếu hội thảo và các tạp chí, trong đó có một số bài được đăng trên tạp chí quốc tế. Hoạt động hội thảo, hội nghị khoa học của Tổng cục thường được triển khai thông qua các hội thảo của các đề tài, nhiệm vụ KH&CN.

     Hợp tác quốc tế về KH&CN: Trong những năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường của Tổng cục Môi trường đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu KH&CN về lĩnh vực môi trường còn rất hạn chế, chưa hình thành chương trình, đề tài hợp tác chuyên về nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực môi trường.

     4. Kết luận

     Trong giai đoạn 2010 - 2015, Tổng cục Môi trường đã triển khai có hiệu quả hoạt động KH&CN. Các nhiệm vụ KH&CN các cấp đã có những đóng góp tích cực, tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên theo yêu cầu của thực tiễn công tác quản lý nhà nước về BVMT, đặc biệt là trong công tác xây dựng, hoàn thiện và triển khai hệ thống pháp luật về BVMT cũng như xác lập các công cụ, giải pháp quản lý, công nghệ, kỹ thuật, phục vụ đắc lực và hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước về môi truờng. Các nghiên cứu gắn với thực tiễn góp phần tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong việc thực thi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực BVMT, đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường tại Việt Nam.

 

TS. Nguyễn Thế Đồng

Nguyễn Thị Thiên Phương

Nguyễn Phạm Hà

Tổng cục Môi trường

Nguyễn Duy Hùng

Vụ KHCN, Bộ TN&MT

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề KHCN/2014

 

Ý kiến của bạn