Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Nan giải bài toán xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi

23/06/2015

     Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có khoảng 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình và 18.000 trang trại chăn nuôi tập trung. Với tổng 300 triệu con gia cầm, hơn 37 triệu con gia súc, nguồn chất thải từ chăn nuôi ra môi trường lên tới 84,45 triệu tấn, trong đó nhiều nhất là chất thải từ chăn nuôi lợn (24,96 triệu tấn), tiếp đến gia cầm (21,96 triệu tấn) và bò (21,61 triệu tấn). Tuy nhiên, công tác quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức. Hiện mới chỉ có khoảng 70% hộ chăn nuôi có chuồng trại, trong đó số chuồng trại hợp vệ sinh chỉ chiếm khoảng 10%; hộ có công trình khí sinh học (hầm biogas) đạt 8,7% và có tới 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải vật nuôi; Tỷ lệ hộ cam kết BVMT chỉ chiếm 0,6%. Do vậy, lượng chất thải phát sinh từ hoạt động này đang đe dọa sức khỏe của cộng đồng dân cư địa phương và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên.

 

Chất thải chăn nuôi là một trong những yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước

 

     Nguyên nhân là do các hộ gia đình chưa có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp, chủ yếu xử lý bằng các biện pháp đơn giản như thải trực tiếp ra kênh mương, ao, hồ; Ủ làm phân bón và được xử lý bằng công nghệ khí sinh học (biogas). Ngoài ra, còn có một số phương pháp khác như xử lý chất thải bằng sinh vật thủy sinh (cây muỗi nước, bèo lục bình…); Xử lý bằng hồ sinh học nhưng chưa được nhân rộng. Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi còn thiếu và sự phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu số lượng và hạn chế về năng lực. Nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội nói chung về tầm quan trọng của công tác BVMT trong hoạt động chăn nuôi chưa đầy đủ và đúng mức…

     Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT; Gấp rút hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các công trình, biện pháp BVMT; Quy định cụ thể trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phục hồi môi trường trong trường hợp các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, các cấp lãnh đạo cũng nên có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích áp dụng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và sử dụng công nghệ sạch trong chăn nuôi như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải chăn nuôi cho các trang trại, cơ sở giết mổ công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển khí sinh học kèm theo các chính sách hỗ trợ tín dụng cho hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học; Nhân rộng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi công nghệ khí sinh học và chế phẩm sinh học EM…

 

Lê Chính

 

Ý kiến của bạn