Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong vận chuyển hàng nguy hiểm

09/05/2014

     Recently, transport of goods, especially hazardous goods, has posed risks of fire, chemical spills and explosion to human health and the environment. To address this issued, Ministry of Natural Resources and Environment has issued Circular 52/2013/TT-BTNMT (herein after referred to as the circular). The circular regulates conditions for transport and procedures for issuing permits for transport of hazardous goods under group 6. This circular applies to state agencies, individuals and organizations related to transport of hazardous goods, using the means of roads, railways and inland waterways in Vietnamese territory.

      Quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm

     Trong thời gian qua, việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống và sức khỏe con người. Nguyên nhân xuất phát từ các nguy cơ do vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn; Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi có các sự cố hóa chất, sự cố môi trường xảy ra (cháy nổ, tràn đổ hóa chất, phát thải chất độc hại) trong quá trình vận chuyển... Trong khi đó, số lượng các vụ tai nạn giao thông còn rất lớn, hạ tầng giao thông yếu, ý thức của chủ hàng, người vận chuyển và các cơ quan quản lý về an toàn giao thông khi vận chuyển hàng nguy hiểm còn nhiều tồn tại...

     Để thực hiện quản lý môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 9/11/2009 quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, Nghị định cũng quy định rõ danh mục hàng nguy hiểm bao gồm 9 loại và đối tượng vận chuyển hàng nguy hiểm theo danh mục nói trên phải có giấy phép vận chuyển. Chính phủ cũng quy định về việc vận chuyển an toàn hàng hóa nguy hiểm bằng đường thủy nội địa và đường sắt thông qua Nghị định số 29/2005/NĐ-CP ngày 10/3/2005 quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa và Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

     Và mới đây, ngày 27/12/2013, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 52/2013/TT-BTNMT (gọi tắt là Thông tư) quy định việc vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm. Thông tư quy định điều kiện vận chuyển và trình tự, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm thuộc loại 6. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt trên lãnh thổ nước Việt Nam.

     Trong xu thế toàn cầu hóa của thế giới hiện đại, vấn đề môi trường được quan tâm nhiều hơn để có thể hỗ trợ sự phát triển bền vững và hài hòa liên quốc gia. Chính vì vậy, việc quy định cấp giấy phép vận chuyển là một trong những biện pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong kiểm soát phát thải hóa chất, phòng, chống các rủi ro, sự cố môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

     Trong thực tế, ý thức trách nhiệm BVMT của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cao. Nhiều cơ sở chưa chủ động, tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ BVMT, còn chạy theo lợi nhuận, bất chấp tác hại đến môi trường. Ý thức BVMT chưa trở thành thói quen, nếp sống của xã hội. Những quy định như trên cũng giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

     Một số nội dung chủ yếu của Thông tư số 52/2013/TT-BTNMT

     Điều kiện vận chuyển và các yêu cầu cấp Giấy phép vận chuyển

    Thông tư quy định rõ về yêu cầu cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm (sau đây gọi tắt là Giấy phép). Theo đó, tổ chức, cá nhân phải có Giấy phép khi vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với khối lượng bằng hoặc vượt ngưỡng khối lượng phải cấp phép vận chuyển theo quy định tại cột (6) Phụ lục 1 của Thông tư hoặc có khối lượng không vượt ngưỡng nhưng tổng khối lượng của hàng nguy hiểm vận chuyển trên cùng một phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lớn hơn 1 tấn/chuyến (không tính khối lượng bao bì).

 

Các phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm phải có trang thiết bị che, phủ kín

toàn bộ khoang chở hàng

 

     Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển hàng nguy hiểm phải đảm bảo các điều kiện về đóng gói, bao bì, vật chứa, ghi nhãn và biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm. Việc đóng gói hàng nguy hiểm và sử dụng các loại vật liệu dùng để làm bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm phải đáp ứng các quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 - Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển và phù hợp với các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với loại hàng hóa đó. Ngoài ra, bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm phải đủ vững chắc để chịu được những va chạm tác động trong quá trình vận chuyển, chuyển tiếp, xếp, dỡ; có khả năng chống được sự ăn mòn, không bị hoen gỉ, không phản ứng hóa học với chất chứa bên trong; có khả năng chống thấm, kín và chắc chắn để đảm bảo không rò rỉ khi vận chuyển trong điều kiện bình thường và hạn chế tối đa sự rò rỉ hàng nguy hiểm ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố.

     Các phương tiện được sử dụng để vận chuyển hàng nguy hiểm phải có trang thiết bị che, phủ kín toàn bộ khoang chở hàng. Trang thiết bị che phủ phải phù hợp với yêu cầu chống thấm, chống cháy, không bị phá hủy khi tiếp xúc với loại hàng được vận chuyển; chịu được sự va đập và đảm bảo an toàn, hạn chế sự rò rỉ các chất độc hại và lây nhiễm ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố. Đặc biệt, không vận chuyển hàng nguy hiểm cùng với hành khách, vật nuôi, lương thực, thực phẩm hoặc vận chuyển hàng nguy hiểm có khả năng phản ứng với nhau gây cháy, nổ hoặc tạo ra các chất mới độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người trên cùng một phương tiện hoặc toa xe.

     Một trong những điều kiện được quy định trong Thông tư là người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm phải có Giấy chứng nhận được huấn luyện về vận chuyển hàng nguy hiểm do Bộ TN&MT quy định hoặc phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: Tốt nghiệp từ trung cấp trở lên chuyên ngành hóa chất; có Giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm còn hiệu lực; hoặc có Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy còn hiệu lực do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

     Trách nhiệm của các bên có liên quan

     Theo Thông tư, khi tham gia việc vận chuyển hàng nguy hiểm, ngoài việc phải có Giấy phép hoặc phải đáp ứng các điều kiện vận chuyển, chủ hàng nguy hiểm và chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm cần phải phối hợp với các cơ quan chuyên môn về BVMT ở địa phương xử lý, hạn chế và khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố môi trường trong quá trình vận chuyển cũng như phải gửi báo cáo về quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm; thực hiện các trách nhiệm về bảo hiểm theo quy định và thanh toán toàn bộ chi phí có liên quan đến việc khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố môi trường trong quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm. Chịu trách nhiệm về các tổn thất phát sinh do việc cung cấp chậm trễ, thiếu chính xác về các thông tin, tài liệu và chỉ dẫn.

     Đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm, phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan chuyên môn về BVMT ở địa phương để phối hợp xử lý, hạn chế và khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố môi trường trong quá trình vận chuyển. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về lịch trình vận chuyển và chấp hành đầy đủ thông báo của chủ hàng nguy hiểm, chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm. Trong quá trình vận chuyển không được tùy tiện chuyển hàng nguy hiểm sang phương tiện vận chuyển khác, trừ trường hợp khẩn cấp do thiên tai, sự cố bất khả kháng; không được dừng, đỗ phương tiện vận chuyển với khoảng cách dưới 100 m tại khu vực có rủi ro cao về môi trường và sức khỏe, trừ trường hợp phải dừng, đỗ, neo đậu theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải.

 

Bên ngoài bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm phải dán biểu trưng nguy hiểm

và báo hiệu nguy hiểm

 

     Thông tư cũng quy định, các cơ quan chuyên môn về BVMT ở địa phương có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh và cấp huyện phối hợp với Tổng cục Môi trường và các cơ quan liên quan kiểm tra điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm của tổ chức, cá nhân. Trường hợp xảy ra sự cố môi trường trong quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm, các cơ quan chuyên môn về BVMT ở địa phương nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm huy động lực lượng kịp thời, phối hợp với UBND địa phương và các cơ quan liên quan để hỗ trợ người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm trong việc cứu người, hàng nguy hiểm và phương tiện vận chuyển; Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có sự cố và tổ chức cấp cứu nạn nhân; Khoanh vùng, sơ tán dân cư ra khỏi khu vực ảnh hưởng nguy hiểm; Tổ chức, bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, bảo vệ hàng nguy hiểm, phương tiện vận chuyển để tiếp tục vận chuyển hoặc lưu kho, bãi, chuyển tải theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phục vụ công tác điều tra, ứng phó và khắc phục hậu quả.

     Tổng cục Môi trường có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại hoặc tước Giấy phép; Trực tiếp kiểm tra hoặc chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn về BVMT ở địa phương và các cơ quan có liên quan kiểm tra điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm của tổ chức, cá nhân; Chủ trì kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy phép vận chuyển trong quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm đối với môi trường; Tham gia, phối hợp với các cơ quan chuyên môn về BVMT ở địa phương và cơ quan có liên quan nơi xảy ra sự cố môi trường hướng dẫn xử lý sự cố và khắc phục hậu quả...

Kết luận

     Nâng cao nhận thức về môi trường nói chung và BVMT trong giao thông vận tải nói riêng cho doanh nghiệp, cộng đồng có ý nghĩa quan trọng, bởi cộng đồng là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi môi trường sống của chính họ, họ vừa là nguyên nhân vừa là những người gánh chịu hậu quả những vấn đề môi trường. Việc ban hành Thông tư số 52/2013/TT-BTNMT nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT của doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển hàng nguy hiểm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, gắn liền với trách nhiệm xã hội, mà cụ thể là ở lĩnh vực BVMT, đảm bảo những hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ theo pháp luật, các chuẩn mực đạo đức xã hội cũng như quan tâm đến lợi ích cộng đồng…

 

Trần Thế Loãn

Nguyễn Anh Tuấn

Phan Thị Tố Uyên

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí môi trường, số 4/2014

 

 

Ý kiến của bạn