Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Nâng cao vai trò cộng đồng và các tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường

15/09/2015

     Ngày 26/8/2014 tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Châu Á (TAF) và Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Thể chế hóa vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong quản lý  BVMT ở Việt Nam”, nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực và hiệu quả của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong BVMT thông qua việc đẩy mạnh thể chế hóa các quy định pháp luật, phục vụ công tác xây dựng các chính sách, văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT 2014. Tham dự Hội thảo có đại diện cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, các viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, báo chí và đại diện cộng đồng địa phương.          Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các nội dung về vai trò của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong Luật BVMT năm 2014 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ thứ 7, Khóa VIII và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Trong đó, Chương XV của Luật BVMT năm 2014 đã quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong  BVMT. Nội dung của chương này đã mở rộng trách nhiệm của các tổ chức xã hội và cộng đồng, góp phần quan trọng trong công tác xã hội hóa BVMT và phát huy tốt hơn vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác giám sát và BVMT.      Bên cạnh đó, vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội cũng được thể hiện tại Điều 21 về tham vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nội dung của điều này đã quy định chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Đây là quy định quan trọng, cần được thể chế hóa và thực thi hiệu quả để người dân và các tổ chức xã hội có thể chủ động, tích cực tham gia vào quá trình dự báo, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường - xã hội cũng như tiến trình ra quyết định của một dự án phát triển. Ngoài ra, Luật BVMT 2014 cũng quy định về quyền tiếp cận thông tin môi trường, giải quyết tranh chấp môi trường là những cơ chế để tổ chức xã hội và cộng đồng được tham gia thực hiện chức năng tham vấn, giám sát và phản biện trong lĩnh vực BVMT. Nội dung này cũng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cộng đồng tại nhiều địa phương đang phải gánh chịu tác động tiêu cực do suy thoái môi trường, vốn là hệ lụy của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng và phụ thuộc tài nguyên trong những thập kỷ qua.      Đa số các đại biểu kiến nghị, để Luật BVMT 2014 thực sự đi vào cuộc sống và tạo ra những thay đổi tích cực cho chất lượng môi trường và công tác BVMT, vai trò của tổ chức xã hội và cộng đồng cần được ghi nhận một cách cụ thể, rõ ràng hơn ở các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Do vậy, cần có những cơ chế để cộng đồng và các tổ chức xã hội tham gia đối thoại, đóng góp ý kiến trong quá trình ra quyết định, đặc biệt là trong quy trình thực hiện ĐTM, nhằm ngăn ngừa những tác động tiềm tàng từ các dự án và hoạt động phát triển, giảm nguy cơ xung đột môi trường về lâu dài.      Bộ TN&MT đang tiến hành xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành nhằm đảm bảo Luật có thể áp dụng từ 1/1/2015. Đây là cơ hội cho các tổ chức xã hội, các cơ quan nghiên cứu, cộng đồng dân cư và cá nhân quan tâm cùng tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, giải pháp nhằm thể chế hóa những quy định khung trong Luật BVMT 2014 phù hợp thực tiễn và hiệu quả trong thời gian tới.   Châu Loan    
Ý kiến của bạn