Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Nâng cao năng lực quản lý môi trường cho Hợp tác xã Vĩnh Lại

11/06/2014

     Trong những năm gần đây tình trạng ô nhiễm môi trường đang là thách thức đặt ra đối với các cấp chính quyền xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao- Phú Thọ. Theo chủ trương của huyện, từ năm 2009 đến nay, xã đã giao cho HTX Nông nghiệp Vĩnh Lại kiêm thêm hoạt động xử lý rác, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, do thiếu kỹ năng quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động, thiếu vốn đầu tư ban đầu để trang bị cơ sở vật chất nên HTX hoạt động chưa hiệu quả.

     Nhằm hỗ trợ HTX Vĩnh Lại trở thành mô hình điểm hoạt động tốt về dịch vụ môi trường, từ đó nhân rộng sang các địa phương khác, HTX tư vấn và hỗ trợ phát triển nông nghiệp Hạ Hòa (HaDevA), tại Phú Thọ, thuộc Mạng lưới các Tổ chức phát triển nông nghiệp nông thôn phía Bắc Việt Nam (Nerad) đã triển khai Dự án “Xây dựng và khuyến cáo mô hình HTX dịch vụ Nông nghiệp và Môi trường tại khu vực nông thôn thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực cho HTX Vĩnh Lại”. Dự án được thực hiện từ tháng 3 - 10/2013, với nguồn kinh phí hơn 200 triệu đồng, trong đó Tổ chức phát triển và chuyển giao công nghệ Pháp (GRET) hỗ trợ 70%, còn lại là kinh phí của địa phương. Mục tiêu của Dự án nhằm xây dựng và thử nghiệm mô hình HTXdịch vụ môi trường Vĩnh Lại hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững; nâng cao năng lực quản lý điều hành; tổng kết mô hình thông qua Hội thảo vận động chính sách.

     Để khởi động Dự án, nhóm thực hiện Dự án đã phối hợp với phòng TN&MT huyện Lâm Thao và chính quyền xã Vĩnh Lại tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng môi trường của xã, xác định vai trò của các bên liên quan và cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dịch vụ môi trường của HTX Vĩnh Lại. Kết quả đánh giá cho thấy, HTX chưa có xe chuyên dùng để thu gom, vận chuyển rác thải, một số xe cũ không phù hợp với điều kiện địa phương nên không sử dụng được; chưa có bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm đất và nước; người dân không được hướng dẫn kỹ thuật về phân loại và sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rác thải; chính quyền điạ phương chưa có hỗ trợ về chính sách và cơ sở vật chất cho HTX…

     Sau khi khảo sát thực tế, Dự án đã hỗ trợ cho HTX Vĩnh Lại 10 xe vận chuyển rác (dạng xe cải tiến), cấp cho mỗi hộ dân trong xã 1 thùng chứa rác có các ngăn để phân loại rác; xây 14 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức các buổi tập huấn về chính sách và nâng cao nhận thức cho các hộ dân về kiến thức BVMT, phát phiếu hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác và xử lý rác, giao trách nhiệm giám sát thực hiện cho các hộ dân; xây dựng 24 postertại nhà văn hóa các khu dân cư trong xã vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường.

 

HTX Vĩnh Lại được hỗ trợ xe chuyên dùng để thu gom, vận chuyển rác thải hiệu quả

 

     Để tăng cường năng lực quản lý cho Ban quản trị HTX Vĩnh Lại, nhóm chuyên gia đã tổ chức đào tạo, tư vấn các kiến thức và kỹ năng đối thoại, vận động chính sách, các văn bản pháp luật về môi trường, giúp Ban quản trị HTX quản lý, điều hành các hoạt động dịch vụ môi trường hiệu quả hơn.

     Được sự ủng hộ của chính quyền xã, mô hình dịch vụ thu gom, xử lý rác của HTX đã đi vào hoạt động hiệu quả, có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp, mang lại thu nhập cao cho các xã viên. Định kỳ hàng tháng, Ban quản trị có kế hoạch hoạt động cụ thể, phân công theo từng tổ nhóm, thu gom rác hàng ngày, quy định giờ thu gom rác. Nhân viên HTX được trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay phục vụ công việc và được hưởng các chế độ lương, thưởng theo quy định.

    Từ khi HTX hoạt động theo mô hình mới, rác thải của các hộ dân đã được thu gom đúng giờ quy định, rác thải được phân loại và xử lý hợp vệ sinh. Lượng rác hữu cơ được ủ bằng chế phẩm sinh học để làm phân vi sinh bón lúa. Chính quyền xã đưa ra quy định BVMT, xây dựng kế hoạch môi trường lồng ghép vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nhắc nhở các hộ vi phạm, phối hợp với HTX và Hội Phụ nữ, Thanh niên tổ chức quét dọn đường làng ngõ, xóm, phát huy tính tự giác BVMT của người dân.

     Bài học kinh nghiệm rút từ Dự án cho thấy, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyềnđịa phương và Ban quản trị HTX Vĩnh Lại với người dân trong hoạt động BVMT là yếu tố quan trọng mang lại sự thành công của Dự án. Để duy trì hiệu quả của Dự án, sau khi Dự ánhoàn thành, HTX cần linh hoạt trong xử lý các tình huống về môi trường, có những định hướng cho công tác BVMT, tìm các công việc phù hợp với khả năng tài chính để phát triển các nghành nghề khác, tăng thêm thu nhập cho xã viên, có cơ chế hỗ trợ về vốn phương tiện công nghệ, khuyến khích người dân cùng tham gia công tác BVMT…Đồng thời, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức BVMT, hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ BVMT, có như vậy hoạt động dịch vụ môi trường của HTX mới phát triển bền vững.

 

            Lê Thương

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014

Ý kiến của bạn