Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Mô hình ủ thức ăn chăn nuôi bằng men vi sinh hoạt tính giúp giảm ô nhiễm môi trường

15/09/2015

                                                                                      Áp dụng phương pháp ủ thức ăn chăn nuôi bằng “Men vi sinh hoạt tính” giúp giảm ô nhiễm môi trường        Hiện nay, tại Việt Nam có 80% dân số sống chủ yếu bằng nông nghiệp, trong đó chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập chính cho các hộ nông dân. Phần lớn, các hộ chăn nuôi lợn, đặc biệt ở các vùng miền núi, chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rau, ngô, sắn... Các chất thải từ chăn nuôi đã thải ra môi trường một lượng khí CO2, CH4, NH3… đây là những loại khí gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.      Để khắc phục tình trạng trên và tăng cường các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Hợp tác xã Hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn Hạ Hòa, Phú Thọ (HaDevA) đã đề xuất Dự án “Giảm nhẹ ảnh hưởng của môi trường và biến đổi khí hậu thông qua việc sử dụng men vi sinh hoạt tính ủ thức ăn và xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng chế phẩm EM”. Dự án đã được triển khai, áp dụng thí điểm tại 3 xã vùng cao Phù Nham, Hạnh Sơn, Sơn A, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, bước đầu mang lại hiệu quả về cải thiện môi trường và tăng thu nhập cho người dân.      Trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi, tỷ lệ các chất bột như cám gạo, bột ngô, bột sắn… chiếm tới trên 80%. Nếu lượng cám, bột ngô, bột sắn không được làm chín thì chăn nuôi sẽ kém hiệu quả. Vì vậy, để lên men làm chín các thức ăn mà không cần phải đun nấu, nhóm chuyên gia của Dự án đã hướng dẫn các hộ nông dân áp dụng mô hình ủ thức ăn chăn nuôi bằng chế phẩm “Men vi sinh hoạt tính” cho đàn lợn ăn hàng ngày. Có 2 phương pháp lên men thức ăn: Phương pháp lên men ướt (lên men thức ăn với nhiều nước) và phương pháp lên men khô - ẩm (với lượng nước ít).      Phương pháp lên men ướt dễ làm, không tốn công, cho lên men nhanh trong mọi điều kiện; có thể lên men các loại bã đậu, bã sắn, các loại rau, thức ăn lên men đạt chất lượng tốt. Phương pháp này áp dụng tốt nhất với các hộ chăn nuôi gia đình, với lượng thức ăn ít, có thể cho ăn hết trong ngày. Cách làm như sau: Tạo nước men bằng cách lấy 0,5 kg men vi sinh hoạt tính và 4 kg bột ngô hoặc cám cho vào thùng, sau đó cho vào 100 lít nước sạch (nước không có sắt, không nhiễm mặn…), khuấy đều để trong 1 giờ. Tiếp theo lấy 96 kg bột trộn sơ qua cho đều, đổ từ từ vào thùng có nước men cho đến hết, thấy nước hơi ngập mặt bột là được. Để hở miệng thùng  4 - 5 giờ sau mới đậy kín thùng. Thùng để ở nơi ấm trong mùa đông, thoáng mát trong mùa hè để lên men được tốt. Thời gian lên men: Phụ thuộc nhiệt độ ngoài trời (nhiệt độ từ 30oC trở lên thì để khoảng 24 giờ), (nhiệt độ từ 30oC trở xuống thì từ 24 - 48 giờ), khi nào thức ăn có mùi thơm mát và chua nhẹ thì có thể làm thức ăn cho đàn gia súc. Theo tính toán, 100 kg bột sau khi lên men ướt sẽ được 200 kg thức ăn đã lên men.      Phương pháp lên men khô - ẩm, quy trình lên men chặt chẽ hơn và chỉ dùng lên men với các loại bột (không tận dụng được bã đậu, bã sắn…), có thể  áp dụng cho các cơ sở chăn nuôi lớn. Cách làm như sau: Cho 100 kg bột ngô, cám vào máy trộn sơ qua, sau đó cho nước men vi sinh hoạt tính (thành phần tạo nước men gồm: 0,5kg men và 2kg bột ngô, cám và nước), trộn đều cho đến khi bột tơi và ẩm. Sau đó cho vào thùng hoặc bao tải có lót ni lông nhưng không được lèn chặt, để hở miệng bao tải, sau 5 - 6 giờ thì buộc chặt hoặc đậy kín,  ủ ở nơi ấm (trời lạnh), nơi thoáng mát (trời nóng). Thời gian ủ lên men: Nhiệt độ ngoài trời cao (trên 300C) để khoảng 24 – 36 giờ, nhiệt độ ngoài trời thấp (dưới 250C) để khoảng từ 36 - 48 giờ. Thức ăn có mùi thơm mát và chua nhẹ là dùng được  (100 kg bột sau khi lên men ẩm sẽ được 135 - 140 kg thức ăn đã lên men).      Cả hai phương pháp đều cho hiệu quả tốt, người chăn nuôi có thể lựa chọn cách nào cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nên sử dụng lượng thức ăn đã lên men trong 1 - 2 ngày, để lâu thức ăn sẽ quá chua, ảnh hưởng đến chất lượng. Do thức ăn đã được lên men bằng những vi khuẩn có ích nên lượng phân của gia súc ít, không có mùi, có thể sử dụng để làm phân bón trực tiếp cho các loại cây trồng trong vườn nhà.      Kết quả tổng kết Dự án của HaDevA cho thấy, việc áp dụng mô hình ủ thức ăn bằng “Men vi sinh hoạt tính” đã mang lại hiệu quả cao: Đàn lợn phát triển tốt, tăng trọng nhanh; Giảm nhân công lao động và chi phí thức ăn; Giảm tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh đường ruột; Tạo môi trường trong sạch, ít bị ô nhiễm.      Ngoài ra, Dự án đã phổ biến phương pháp chăn nuôi mới cho người dân giúp tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo và BVMT. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đề xuất: do nhận thức của người dân ở vùng cao còn hạn chế, vì vậy cần tuyên truyền nhân rộng phương pháp chăn nuôi này tới các hộ dân chăn nuôi trong cả nước. Kim Cúc Nguồn: Tạp chí MT, số 9/2013
Ý kiến của bạn