Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo - thể chế quan trọng bảo vệ môi trường biển và hải đảo

04/08/2015

   Công tác BVMT nói chung, BVMT biển và hải đảo nói riêng đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước với mục tiêu “ngăn ngừa, hạn chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm, phục hồi các hệ sinh thái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường”. Tiếp đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/1/2009 xác định đảm bảo tiêu chí “phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT”. Đặc biệt, ngày 3/6/2013, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, trong đó xác định mục tiêu “Đến năm 2020, về cơ bản, chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường”.

   Hệ thống các văn bản pháp luật về BVMT luôn được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Hành lang pháp lý cho công tác BVMT trong quản lý vùng, lĩnh vực liên ngành và tại địa phương được chú trọng. Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường được thành lập từ Trung ương đến địa phương. Trong giai đoạn 2002 - 2012, đã tổ chức thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường được tiến hành thường xuyên trên quy mô cả nước. Công tác xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường lưu vực sông đã được triển khai và có hiệu quả; Công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quan trắc và giám sát môi trường được tăng cường.

   Hiện trạng môi trường biển Việt Nam

   Mặc dù, công tác BVMT ở Việt Nam đã được chú trọng, quan tâm song dưới sức ép của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng như các tai biến thiên nhiên đã và đang gây ra ảnh hưởng xấu đến môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Đó là các vụ tai nạn hàng hải và tràn dầu trên biển ngày càng tăng, xuất hiện ô nhiễm biển xuyên biên giới; nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển; một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm dầu, kẽm và chất thải sinh hoạt; chất rắn lơ lửng, Si, NO3, NH4 và PO4 cũng ở mức đáng lo ngại; chất lượng trầm tích đáy biển ven bờ, nơi cư trú của nhiều loài thủy hải sản cũng bị ô nhiễm; hàm lượng hóa chất bảo vệ thực vật chủng andrin và endrin trong sinh vật đáy ở các vùng cửa sông ven biển đều cao hơn giới hạn cho phép; đã xuất hiện hiện tượng thủy triều đỏ…

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, công cụ quan trọng để triển khai có hiệu quả công tác quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

   Đặc biệt, môi trường vùng biển ven bờ là nơi bị tổn thương rất lớn bởi các nguồn thải từ lục địa. Các tỉnh ven biển Việt Nam là nơi tập trung đến 50% dân số cả nước, trên 300 đô thị các loại cùng hàng chục triệu khách du lịch mỗi năm trong khi rất nhiều bãi rác ven sông, ven biển chưa được thiết kế phù hợp, chưa có hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác. Cũng tại đây có khoảng 300 địa điểm sản xuất công nghiệp là các khu kinh tế biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất ven biển cùng nhiều cơ sở công nghiệp rải rác ven biển. Hiện nay, đã xuất hiện những điểm nóng ô nhiễm vùng biển ven bờ khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, Đà Nẵng - Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh.

   Ở Việt Nam có 2.345 con sông trên 10 km, mỗi năm đổ ra biển khoảng 880 km3 nước cùng với hàng trăm triệu tấn bùn cát, trong đó có một lượng lớn các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng, các hóa chất bảo vệ thực vật…được rửa trôi từ các vùng đất tự nhiên, đất gieo trồng, các khu đô thị, khu công nghiệp và lượng nước thải từ các nguồn trên lưu vực trực tiếp đổ vào sông và đổ ra vùng biển ven bờ. Đồng thời, vùng biển ven bờ Việt Nam còn chịu các nguồn thải khác từ lục địa như các hoạt động giao thông vận tải, cảng biển, chất thải y tế… Môi trường biển còn bị tổn thương bởi các hoạt động kinh tế trên biển, tác động của biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên, sự cố môi trường…

   Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng như những tai biến thiên nhiên đã và đang gây ra ảnh hưởng xấu đến môi trường biển Việt Nam. Chất lượng nước biển bị suy giảm và ô nhiễm, bị đục hóa; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi hải sản giảm sút.

   Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo - công cụ pháp lý quan trọng BVMT biển và hải đảo

   Ngày 25/6/2015 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, với 10 chương, 81 điều, bao gồm những quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo Việt Nam. Trong đó có Chương VI với 22 điều (từ Điều 42 đến Điều 63) quy định về BVMT biển với các nội dung:

   Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo bao gồm các quy định về nguyên tắc, nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo (Điều 42, Điều 43); trách nhiệm điều tra, đánh giá môi trường biển và hải đảo (Điều 44); kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển (Điều 45) và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ đất liền (Điều 46); các công cụ, biện pháp để kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo (phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo) và đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo (từ Điều 48 đến Điều 50); báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo (Điều 51).

   Ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển bao gồm các quy định về nguyên tắc ứng phó, khắc phục sự cố (Điều 52); phân cấp ứng phó sự cố (Điều 53); xác định và thông báo về khu vực hạn chế hoạt động (Điều 54); tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở gây sự cố (Điều 55); trách nhiệm trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển (Điều 56).

   Nhận chìm ở biển bao gồm các quy định về yêu cầu đối với việc nhận chìm và vật, chất nhận chìm ở biển (Điều 57, Điều 58); cấp giấy phép nhận chìm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển (từ Điều 59 đến Điều 61); kiểm soát các hoạt động nhận chìm ở biển (Điều 62); nhận chìm ngoài vùng biển Việt Nam gây thiệt hại tới tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam (Điều 63).

   Ngoài những quy định trên, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo còn quy định chính sách của nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 4); sự tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo (Điều 6); những hành vi bị cấm như hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; nhận chìm vật, chất ở vùng biển Việt Nam mà không có giấy phép, trái quy định của pháp luật (Điều 8). Bên cạnh đó, Luật còn quy định phải BVMT biển và hải đảo trong các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; điều tra, nghiên cứu khoa học biển và hải đảo. Đồng thời, Luật cũng quy định về việc thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo.

   Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm khắc phục những bất cập nảy sinh trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, BVMT biển và hải đảo theo ngành, lĩnh vực bằng việc áp dụng phương thức tổng hợp về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Phương thức quản lý này đã tiếp cận mỗi vùng biển là một hệ thống tài nguyên thống nhất, được quản lý theo phương thức không tách rời để đảm bảo tính toàn vẹn, xem xét vùng biển là hệ thống tương tác giữa tự nhiên và xã hội, giữa các yếu tố sinh học và phi sinh học; mỗi vùng biển là một hệ thống nhiều chức năng, cần được xem xét sử dụng cho phù hợp với các chức năng đó và trong giới hạn chịu tải của hệ thống, tiểu hệ thống trong vùng; quản lý theo cả chiều dọc (các cấp) và chiều ngang (các bên liên quan) để đảm bảo tính đa ngành, đa cấp với cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các chính sách quản lý và hành động quản lý. Hay nói cách khác Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo điều chỉnh hoạt động của con người để bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái, qua đó, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm; hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và BVMT biển và hải đảo.

   Như vậy, cùng với Luật BVMT năm 2014, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thông qua đã tạo thành hệ thống thể chế quan trọng về công tác BVMT nói chung, BVMT biển và hải đảo nói riêng.

ThS. Hoàng Nhất Thống

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 7 - 2015)

Ý kiến của bạn