Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Lai Châu phát triển rừng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu

13/03/2015

     Lai Châu là tỉnh miền núi phía Bắc với vị trí đầu nguồn sông Đà - nơi cung cấp nước sinh hoạt và thủy điện cho toàn vùng Tây Bắc. Những năm gần đây, tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy cùng với sự thay đổi bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu (BĐKH) đã làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của bà con cộng đồng địa phương.

     Để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2012, tỉnh Lai Châu đã triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường (DVMT) rừng, góp phần BVMT sinh thái vùng đầu nguồn, điều tiết nguồn nước cho các công trình thủy điện trong khu vực và vùng đồng bằng sông Hồng. Với vị trí, chiến lược quan trọng trong khu vực rừng đầu nguồn, đến nay toàn tỉnh đã rà soát, xác định diện tích rừng tại các lưu vực để chi trả cho các chủ rừng và đối tượng nhận khoán trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích chi trả tính đến tháng 6/2014 là hơn 850.000 ha, trong đó năm 2013 chi trả được 424.053 ha bao gồm cả diện tích đất có rừng và đất trồng cây bụi có cây gỗ tái sinh.

 

Cán bộ xã đang hướng dẫn bà con dân tộc các thôn, bản thực hiện quy ước

bảo vệ rừng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân

 

    Tính đến năm 2014, toàn tỉnh đã có 111.422 lượt hộ gia đình tham gia nhận khoán, trong đó năm 2012 là 54.145 hộ và năm 2013 là 57.277 hộ. Mức chi trả bình quân cho 1 ha là hơn 270.000 đồng/ha/năm (năm 2012); 339.620 đồng/ha/năm (năm 2013). Qua đó, đời sống của các chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng được cải thiện, thu nhập bình quân của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng hơn 2 triệu đồng/hộ/ năm (năm 2012) và gần 2,5 triệu đồng/hộ/năm (năm 2013). Trong đó, Mường Tè là huyện có mức thu nhập cao nhất so với mức thu nhập bình quân chung toàn tỉnh (16,4 triệu đồng/năm) từ chính sách chi trả DVMT rừng.

     Việc triển khai chính sách chi trả DVMT rừng không chỉ làm thay đổi nhận thức của người dân về rừng và tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác bảo vệ, phát triển rừng mà còn nâng cao khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu của rừng, giữ và cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Đáng chú ý là chính sách chi trả DVMT rừng đã góp phần đáng kể vào việc nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên 43,82%, tăng 2,22% so với năm 2011. Số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy giảm rõ rệt, các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã giảm đáng kể. Công tác tuần tra bảo vệ rừng đã được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Một số xã đã sử dụng số tiền chi phí quản lý chung để chi trả cho tổ đội xung kích tuần tra rừng, phát dọn thực bì và làm đường băng cản lửa. Đặc biệt, việc thực hiện chính sách chi trả DVMT rừng đã từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng, bảo vệ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

     Bên cạnh các kết quả được, công tác chi trả DVMT rừng vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Công tác tham mưu, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước một số huyện về công tác bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện chính sách chi trả DVMT rừng còn nhiều bất cập; Việc rà soát, xây dựng, thẩm định phê duyệt phương án khoán và nghiệm thu để chi trả DVMT rừng còn chậm; Hợp đồng khoán rừng chưa tổ chức bàn giao cụ thể ngoài thực địa nên còn xảy ra tình trạng tranh chấp; Quy định về phương thức chi trả theo lưu vực của từng nhà máy thủy điện đã tạo sự chênh lệch về mức chi trả bình quân cho một ha rừng giữa các lưu vực; Việc chỉ áp dụng một mức để chi trả không công bằng với những diện tích rừng có chất lượng cao so với những diện tích rừng có chất lượng thấp…

 

Nhân dân khu 9, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu

tham gia khoanh nuôi, bảo vệ rừng

 

     Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, ứng phó với BĐKH, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp:

    Thứ nhất, tổ chức quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng và trồng rừng mới. Ngăn chặn triệt để việc đốt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, hướng dẫn nhân dân các thôn, bản tích cực thực hiện quy ước bảo vệ rừng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

     Thứ hai, tiếp tục rà soát công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp về quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Xây dựng lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

     Thứ ba, đảm bảo sự bình đẳng giữa mọi người và mọi tầng lớp xã hội được tham gia giải quyết các vấn đề về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; tiếp nhận thông tin về quyền được hưởng lợi từ việc quản lý bảo vệ rừng.

     Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp. Thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo quyền hưởng lợi của chủ rừng.

     Thứ năm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp xã hội, tăng cường công tác khuyến lâm, bố trí cán bộ lâm nghiệp chuyên trách và bán chuyên trách, đào tạo nghiệp vụ, tập huấn về chuyên môn, làm tốt công tác tham mưu cho các cấp chính quyền về công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng gắn với các tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...

     Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát, tuần tra rừng, truy quét các hành vi xâm phạm đến rừng, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.

     Thứ bảy, cần có những nghiên cứu về BĐKH để triển khai có hiệu quả các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Các Bộ, ngành phối hợp và hỗ trợ địa phương tập trung triển khai dứt điểm, đúng tiến độ chương trình di dân vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai

     Thứ tám, xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm đối với các khu vực có nguy cơ mưa, lũ quét; Tăng kinh phí điều tiết thủy điện: Thuế VAT, thuế tài nguyên để đầu tư cho phát triển rừng và ứng phó khi xảy ra thiên tai; Xây dựng các bộ chỉ tiêu liên quan đến kiến thức bản địa và BĐKH;

     Thứ chín, huy động các nguồn vốn đầu tư cho các mô hình trồng rừng bền vững ứng phó với BĐKH.

 

Lê Thúy Mai

Sở NN&PTNT Lai Châu

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

 

Ý kiến của bạn