Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Khảo sát và chọn lọc chủng vi khuẩn có khả năng tổng hợp amylase được phân lập từ ao nuôi cá tra

12/11/2014

     Theo quy hoạch vùng phát triển cá tra tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tổng diện tích nuôi cá tra là 2.700 ha, tổng sản lượng cá tra đạt 400.000 tấn. Bên cạnh những thành quả đạt được do phát triển nuôi trồng thủy sản thì tình hình nuôi trồng thủy sản trong tỉnh ngày càng trở nên phức tạp. Qua khảo sát thực địa của Sở TN&MT năm 2008 cho thấy, tại các vùng nuôi thủy sản trọng điểm như các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lấp Vò và thị xã Sa Đéc đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

     Đa số các hộ nuôi thả với mật độ khá dày so với quy định của ngành thủy sản, trong đó không cân đối giữa mật độ thả cá và lượng thức ăn cho cá, lượng thức ăn thường bị dư thừa do cá tiêu thụ không hết, ngoài protein còn có tinh bột (hình 1). Các yếu tố vô sinh như pH, oxy, kim loại nặng và các yếu tố dinh dưỡng là những tác nhân không truyền nhiễm; Khi các chỉ số môi trường vượt quá ngưỡng và điều kiện môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát triển sẽ gây bất lợi cho đời sống của cá, khiến cá bị suy yếu và nhạy cảm với mầm bệnh.

     Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, các hệ thống xử lý chất thải dạng lơ lửng sử dụng các chế phẩm sinh học có tiềm năng ứng dụng rất cao. Khi đưa các chế phẩm vi sinh vào môi trường nước ao, các vi sinh vật trong chế phẩm sẽ sinh trưởng và phát triển rất nhanh trong môi trường nước. Hoạt động của các vi sinh vật này có tác dụng tốt đối với xử lý môi trường nước ao nuôi cá (Nguyễn Xuân Nguyên, 2003). Tuy nhiên, nếu đưa một số chủng vi sinh ngoại lai từ các chế phẩm vi sinh vào môi trường nước ao nuôi cá tra thì sẽ ảnh hưởng đến sinh thái môi trường nước vì khả năng tăng sinh của các chủng này rất lớn.

     Việc chọn lọc được chủng có khả năng tổng hợp amylase (enzyme phân giải tinh bột) từ nước ao nuôi cá tra sẽ góp phần bổ sung chủng vi khuẩn, làm cơ sở cho việc ứng dụng tạo các sản phẩm probiotic để xử lý môi trường nhằm cải thiện chất lượng nước ao nuôi, BVMT nói chung, cũng như phát triển nghề nuôi cá tra, basa một cách bền vững.

 

ThS. Lê Uyển Thanh, ThS. Lê Hữu Bình, CN. Tô Lan Phương

Trường ĐH Đồng Tháp

ThS. Huỳnh Ngọc Tâm

Trường THPT Tràm Chim

(Toàn văn đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2014)

Ý kiến của bạn