Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường

15/09/2015

     Tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT là những vấn đề mấu chốt của lý luận đổi mới, cũng là những nội dung rất căn bản của lý luận phát triển ở nước ta. Giải quyết hợp lý và đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT là những đòi hỏi tất yếu của phát triển, trực tiếp nhất là phát triển kinh tế và xã hội, hướng tới phát triển bền vững.     Tiến bộ nói lên mức độ biến đổi tích cực theo chiều hướng tăng lên so với trước về một lĩnh vực hoạt động, một chỉ tiêu sản xuất, một chất lượng sản phẩm hay hiệu quả xã hội của một chính sách nào đó. Có tiến bộ từng mặt, từng lĩnh vực đến tiến bộ trong tổng thể các mặt và trong các lĩnh vực. Công bằng xã hội hiểu theo nghĩa chung nhất, là sự ngang bằng trong mối quan hệ giữa người với người, dựa trên nguyên tắc thống nhất giữa nghĩa vụ và quyền lợi, giữa cống hiến và hưởng thụ. Từng thành viên trong xã hội gắn bó với cộng đồng xã hội trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua sự cống hiến theo khả năng trí tuệ, sức lực cho sự phát triển xã hội và được xã hội bù đắp, chăm sóc trở lại một cách tương xứng, không có sự tương xứng ấy là bất công.      BVMT chính là bảo vệ cuộc sống của con người; bảo vệ các tư liệu lao động, đối tượng lao động tham gia vào quá trình sản xuất vật chất. Vì vậy, BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và BVMT sinh thái. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch; tăng cường quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý có hiệu quả tài nguyên quốc gia.      Như vậy, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT luôn có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau. Tăng trưởng là điều kiện của phát triển, của tiến bộ, đó là tiền đề về vật chất - kinh tế để thực hiện công bằng và BVMT. Một xã hội có nền kinh tế phồn vinh, giàu có phải là một xã hội đạt được và duy trì được sức tăng trưởng kinh tế và BVMT. Không có một nền kinh tế tăng trưởng thì không thể có tiềm lực vật chất để tiếp tục đầu tư cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, không có vốn và các nguồn lực nói chung để có thể tái sản xuất mở rộng, càng không thể có điều kiện vật chất để cải thiện, nâng cao mức sống, chất lượng cuộc sống của dân cư bị ô nhiễm và tài nguyên cạn kiệt.   Cần đưa nội dung BVMT vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực...        Trong quan hệ với tiến bộ, phát triển và BVMT, nếu tăng trưởng kinh tế là điều kiện và tiền đề thì tiến bộ, phát triển và BVMT là kết quả và công bằng xã hội là động lực và mục tiêu của quá trình tăng trưởng, tiến bộ, phát triển và BVMT. Nói một cách khác, công bằng xã hội đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, là nhân tố bảo đảm ổn định và lành mạnh xã hội, môi trường kể cả xác lập ổn định tích cực của chính trị, là động lực đồng thời là mục tiêu của đổi mới để phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Công bằng xã hội thể hiện bản chất của chủ nghĩa xã hội, là một trong những giá trị mà sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta hướng tới.      Về giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT ở nước ta trong thời gian qua, nhất là từ khoảng 10 năm trở lại đây có nhiều chuyển biến tích cực, đã đem lại những thành công đáng kể. Nền kinh tế luôn đạt được mức tăng trưởng cao, liên tục trong nhiều năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7,3%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.168 USD, vượt qua ngưỡng nước đang phát triển có thu nhập thấp. Môi trường sống và làm việc có nhiều chuyển biến rõ nét; tình trạng xử lý nước thải, khí thải, ô nhiễm môi trường và hoạt động quan trắc môi trường được quan tâm và đầu tư có hiệu quả. Hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội được coi trọng và từng bước mở rộng. Cùng với những kết quả to lớn trong việc xã hội hóa phát triển các lĩnh vực xã hội, ngân sách nhà nước chi cho các lĩnh vực này không ngừng tăng lên; bảo hiểm y tế được mở rộng từ 13,4% dân số năm 2000 lên 62% năm 2010. Bình đẳng giới có nhiều tiến bộ, tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và giữ các trọng trách trong hệ thống chính trị ngày càng cao. Năm 2008, nước ta đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015.      Tuy vậy, xét một cách toàn diện, nước ta vẫn trong tình trạng kém phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Xét trên từng lĩnh vực về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường tuy có nhiều tiến bộ, song phát triển toàn diện, cân đối và bền vững thì vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Những nỗ lực trong quản lý nhà nước đã thực hiện được trên một số mặt về công bằng xã hội, kết hợp tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội trong từng bước đi, trong từng chính sách như văn kiện Đại hội XI đã chỉ ra, song bất bình đẳng trong xã hội, bất công bằng xã hội còn nhiều, từ thụ hưởng lợi ích đến tiếp cận các dịch vụ xã hội, các cơ hội phát triển, đối với các tầng lớp dân cư xã hội khác nhau, các địa phương, vùng, miền khác trong cả nước.      Trong bối cảnh gia tăng ô nhiễm môi trường, gia tăng nhu cầu người tiêu dùng về các sản phẩm thân thiện với môi trường, tình trạng ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường như dịch vụ xử lý nước thải, khí thải, dịch vụ cung cấp nước sạch còn nhiều yếu kém, hạn chế. Bên cạnh đó, dịch vụ môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tạo môi trường xanh, sạch cho xã hội phát triển chưa xứng đáng với tiềm năng.      Để giải quyết tốt mối quan hệ đó, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu:      Một là, quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt hơn quan điểm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và BVMT ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Theo quan điểm đó, chúng ta không chờ kinh tế đạt đến trình độ phát triển cao mới phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT; càng không hy sinh văn hóa, hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, BVMT để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Muốn vậy, mỗi chính sách phát triển kinh tế đều phải hướng tới phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT; mỗi chính sách phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT đều phải góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dù trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt hoặc lâu dài.      Hai là, đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện mô hình tăng trưởng mới chủ yếu dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao. Không thể tiếp tục kéo dài mô hình tăng trưởng theo chiều rộng vốn được áp dụng suốt mấy thập niên qua. Vì đây là mô hình tăng trưởng sử dụng nhiều vốn, công nghệ lạc hậu, với đa số lao động tay nghề thấp, chủ yếu làm gia công, lắp ráp, khai thác và bán rẻ tài nguyên thô hoặc sơ chế. Hệ quả là chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế không cao, thu nhập của một bộ phận đáng kể người lao động thấp, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn. Do đó, đã đến lúc cần có cơ chế, chính sách và lộ trình thích hợp để tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, với đa số lao động có trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng đi vào lĩnh vực thiết kế, chế tạo thuộc các ngành công nghệ mũi nhọn, làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Nhờ vậy mà nền kinh tế nước nhà tăng trưởng nhanh hơn, với chất lượng cao hơn và người lao động cũng có thu nhập xứng đáng để cải thiện đời sống vật chất, môi trường sống và làm việc.      Bốn là, trong việc đầu tư công cho phát triển đất nước, cần có quy hoạch và kế hoạch cụ thể để cân đối hợp lý mức đầu tư cho các vùng lãnh thổ khác nhau. Việc dành mức đầu tư cao hơn cho các vùng kinh tế động lực là rất cần thiết, nhằm tạo ra những “đầu tàu” tăng trưởng để kéo theo cả “đoàn tàu” kinh tế đi lên. Mặt khác, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho các vùng khác, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm giảm dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm cho sự phát triển văn hóa - xã hội trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng gắn liền với tăng trưởng kinh tế của tất cả các vùng, miền trong cả nước.      Năm là, kết hợp hài hòa giữa việc phân phối lại thông qua điều tiết hợp lý thu nhập trong các tầng lớp dân cư với việc hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Hệ thống đó bao gồm: chính sách ưu đãi xã hội nhằm bảo đảm mức sống ít nhất trên trung bình đối với người có công; chính sách bảo hiểm xã hội nhằm huy động sự tích góp một phần thu nhập của người lao động lúc bình thường để dành chi tiêu cho những lúc gặp khó khăn (thất nghiệp, bệnh tật, tuổi già…); chính sách trợ cấp xã hội nhằm trợ giúp những người yếu thế và dễ bị tổn thương, như người tàn tật, người già cô đơn, trẻ em mồ côi lang thang, cơ nhỡ…; chính sách cứu trợ xã hội nhằm phát huy truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng. Việc thực hiện tốt hệ thống chính sách an sinh xã hội nhiều tầng nấc là thước đo quan trọng của một xã hội tiến bộ, công bằng, văn minh, đồng thời là nhân tố quan trọng khơi dậy tính tích cực, sự hăng hái của các tầng lớp nhân dân trong sản xuất, kinh doanh để thoát đói, vượt nghèo, vươn lên làm giàu cho bản thân và cho đất nước.      Sáu là, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Nâng cao ý thức BVMT với phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và BVMT. Đưa nội dung BVMT vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án. Các dự án đầu tư xây dựng phải bảo đảm yêu cầu về môi trường. Thực hiện nghiêm ngặt lộ trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Hoàn thiện hệ thống luật pháp về BVMT; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm. Khắc phục suy thoái, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, nâng cao chất lượng môi trường. Thực hiện tốt chương trình trồng rừng, ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng, tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên. Quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Hạn chế và tiến tới không xuất khẩu tài nguyên chưa qua chế biến. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa BVMT, phát triển các dịch vụ môi trường, xử lý chất thải.      Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và đánh giá tác động để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai và Chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng. Tăng cường hợp tác quốc tế để phối hợp hành động và tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.   ThS. Vũ Văn Tự Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2014        
Ý kiến của bạn