Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015

06/10/2015

   Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan (Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT…) tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ mới về BVMT, đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước về môi trường. Đồng thời tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học; tiếp cận làm chủ công nghệ tiên tiến, tạo sản phẩm, công nghệ xử lý môi trường phù hợp với điều kiện trong nước để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực trọng điểm có ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe con người, tài nguyên thiên nhiên.

   1. Hoạt động nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực BVMT

   Hoạt động nghiên cứu KH&CN về BVMT đã được xác định trong Định hướng mục tiêu hoạt động KH&CN trong lĩnh vực sử dụng hợp lý tài nguyên và BVMT giai đoạn 2011- 2015, cụ thể như:

   Cung cấp luận cứ khoa học cho xây dựng quy hoạch BVMT, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội (KT-XH) các vùng kinh tế trọng điểm, quy hoạch môi trường theo vùng và lưu vực sông; Làm rõ xu thế, nguyên nhân biến đổi tài nguyên thiên nhiên, diễn biến môi trường tại một số vùng trọng điểm và đề xuất các giải pháp quản lý tổng hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT.

   Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải; xây dựng và nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn; hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường, tạo thị trường, thúc đẩy các doanh nghiệp dịch vụ môi trường, phát triển kinh tế môi trường.

   Ứng dụng có hiệu quả và tạo ra công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam để xử lý ô nhiễm môi trường, kết hợp với xử lý và tận dụng nguồn thải (nguồn thải của chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ; rác thải sinh hoạt đô thị loại nhỏ, nguồn thải nông nghiệp, nông thôn, làng nghề...).

   Các mục tiêu và nội dung nghiên cứu giai đoạn này được thực hiện trong khuôn khổ các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước “Phòng tránh thiên tai, BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên”, mã số KC.08/11-15” (giai đoạn 2011 - 2015) với tổng số nhiệm vụ là 34 Đề tài KH&CN, 2 Dự án SXTN và 5 đề tài tiềm năng với tổng kinh phí là 205 tỷ đồng, trong đó có 15 tỷ là nguồn ngoài ngân sách. Chương trình KH&CN cấp Bộ TN&MT “Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ quản lý và BVMT ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015”, mã số TNMT.04.10-15 với tổng số trên 60 nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, tổng kinh phí khoảng 90 tỷ đồng và một số đề tài KH&CN độc lập cấp nhà nước; các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, ngành và các dự án nghiên cứu, áp dụng công nghệ của một số doanh nghiệp (trong lĩnh vực công nghệ môi trường). Các giải pháp về KH&CN cũng được tiến hành nghiên cứu trong “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009 với 58 nhiệm vụ với tổng kinh phí là 138 tỷ đồng.

   Những đóng góp của KH&CN môi trường trong phát triển KT-XH giai đoạn vừa qua tập trung vào 2 nội dung: Hoạch định chính sách BVMT, phục vụ quy hoạch phát triển vùng lãnh thổ; Áp dụng và phát triển công nghệ môi trường thích hợp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực trọng điểm.

   KH&CN môi trường phục vụ hoạch định chính sách BVMT, quy hoạch phát triển vùng, lãnh thổ

   Trong lĩnh vực môi trường, các đề tài đã tập trung giải quyết các vấn đề môi trường mang tính vĩ mô như quy hoạch môi trường các vùng trọng điểm (đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung); Tính cấp thiết của việc BVMT nông thôn, làng nghề, trang trại. Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu đã lồng ghép các vấn đề môi trường vào sử dụng tài nguyên, phát triển KT-XH nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho phát triển bền vững các vùng lãnh thổ (Tây Nguyên, vùng sinh thái đặc thù Quảng Bình - Quảng Trị, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), các lưu vực sông (sông Đà, Sông Ba và sông Côn, Sông Lô và sông Chảy...).

   Về quy hoạch môi trường, các đề tài đã đi sâu, làm rõ những tồn tại và đề xuất phương pháp luận, quy trình xây dựng quy hoạch môi trường vùng lãnh thổ và sử dụng các phương pháp: Phân vùng chức năng môi trường; ma trận (đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động phát triển KT-XH đến môi trường); tính toán tải lượng ô nhiễm; phân tích khả năng chịu tải của môi trường; mô hình toán - dự báo chất lượng môi trường; phân tích lợi ích - chi phí mở rộng; điều tra xã hội học; lập bộ bản đồ chuyên đề và tổng hợp; đánh giá tác động môi trường chiến lược vào quy hoạch môi trường; phân tích viễn thám và công nghệ GIS vào lập bản đồ quy hoạch môi trường... Kết quả tổng hợp của các đề tài này là các bản đồ quy hoạch môi trường và xu thế diễn biến theo không gian và thời gian đã được xây dựng cho vùng nghiên cứu. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch lãnh thổ phục vụ phát triển KT-XH và BVMT.

   Về môi trường nông thôn, làng nghề và trang trại, lần đầu tiên các đối tượng này được nghiên cứu một cách tổng hợp, chi tiết trên một phần hay toàn bộ lãnh thổ Việt Nam theo các vùng sinh thái, địa hình và từ đó đưa ra bức tranh tổng hợp về môi trường nông thôn, môi trường làng nghề và trang trại của Việt Nam trong mối quan hệ đa chiều một cách có hệ thống. Các đề tài đã phát hiện ra các vấn đề môi trường đặc trưng hiện tại và những vấn đề bức xúc nhất hiện nay theo các vùng sinh thái đặc trưng, theo các loại làng nghề và dự báo xu thế phát triển trong giai đoạn tới. Một kết quả quan trọng khác là các đề tài đã đánh giá được tác động của một số chính sách phát triển KT-XH đến TN&MT. Trên cơ sở đó, đề xuất được tổ hợp các chính sách và giải pháp cụ thể để quản lý môi trường bền vững.

   Trong lĩnh vực kinh tế môi trường, kết quả nghiên cứu của các đề tài đã đóng góp về phương pháp luận trong các nghiên cứu liên quan đến ứng dụng kinh tế môi trường ở Việt Nam, đặc biệt là các phương pháp và kỹ thuật đánh giá hàng hóa và dịch vụ phi thị trường (các dạng TN&MT chưa được đánh giá); phương pháp hạch toán kinh tế mở rộng (hạch toán TN&MT); phương pháp đánh giá và dự báo tương quan giữa tăng trưởng kinh tế và lượng chất thải ra môi trường; phương pháp mô phỏng và dự báo xu thế biến đổi môi trường tự nhiên bằng các mô hình toán; phương pháp phân tích chi phí - lợi ích xã hội đối với các dự án đầu tư. Đề tài đã cung cấp những luận cứ khoa học với một số trường hợp minh họa cụ thể để các nhà làm chính sách có những điều chỉnh phù hợp về chiến lược phát triển KT-XH của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ CNH - HĐH hướng tới phát triển bền vững.

   Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần làm sáng tỏ những điều còn chưa rõ về bản chất kinh tế môi trường - một lĩnh vực khoa học còn khá mới ở Việt Nam; Đánh giá tầm quan trọng về kinh tế của sự suy thoái TN&MT, chỉ ra những nguyên nhân kinh tế sâu xa của sự suy thoái môi trường, mối quan hệ giữa các hoạt động kinh tế chính trong quá trình phát triển, giải quyết từng bước các mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế, chất lượng môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT. Trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp quản lý tổng hợp nhằm BVMT, phát triển bền vững khu vực nghiên cứu.

   Các đề tài của Chương trình đã nghiên cứu lồng ghép nội dung BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên với các vấn đề phát triển KT-XH theo hướng bền vững. Đây là các lĩnh vực nghiên cứu tổng hợp mang tính liên ngành cao được chú trọng trong các chương trình ở giai đoạn này.

   Áp dụng và phát triển công nghệ môi trường thích hợp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu vực trọng điểm

   Ngành công nghệ môi trường Việt Nam đã hình hành và có những bước đi ban đầu thông qua việc phát triển nội lực và du nhập công nghệ nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế cấp bách phục vụ phát triển KT-XH bền vững tại Việt Nam, đặc biệt sau khi thực thi Luật BVMT. Trong thời gian qua, các tổ chức KH&CN trong nước đã giữ vai trò chủ đạo và đóng góp tích cực cho sự phát triển công nghệ môi trường tại Việt Nam. Trong số các công nghệ đã được nghiên cứu, áp dụng, có nhiều công nghệ được sử dụng ổn định như: Công nghệ xử lý nước thải (Các phương pháp cơ học, hóa học, hóa lý, hóa sinh, sinh học); Công nghệ xử lý khí thải với các phương pháp khô (buồng lắng, xyclon, lọc tay áo, lọc tĩnh điện...) và phương pháp ướt (hấp thu, ô xy hóa-khử ...); Công nghệ xử lý chất thải rắn (Chôn lấp hợp vệ sinh, đóng rắn, hóa học, sinh học, tái sử dụng...).

   Trong giai đoạn vừa qua, các nghiên cứu đã xây dựng và phát triển một số quy trình công nghệ có hiệu quả, dễ triển khai ứng dụng, thân thiện với môi trường trong xử lý ô nhiễm nước, đất và không khí; Xây dựng thành công một số quy trình công nghệ xử lý ô nhiễm nước sau lũ, ô nhiễm đất và nước bởi dòng thải axit và kim loại nặng do khai thác khoáng sản và ô nhiễm không khí trong các thành phố lớn bằng các công nghệ đơn giản, dễ làm hoặc với sự ứng dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu nano có triển vọng ứng dụng thực tiễn và làm tiền đề phát triển hướng nghiên cứu các công nghệ mới trong xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước hiện đang là mối đe dọa lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Trong giai đoạn vừa qua, nhiều nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong xử lý ô nhiễm môi trường đạt kết quả cao

   2. Định hướng hoạt động KH&CN phục vụ BVMT

   Hoạt động KH&CN phục vụ BVMT được xác định là một trong 5 nhóm công nghệ ưu tiên trong định hướng phát triển KH&CN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 với nội dung: Phát triển công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải với tính năng, giá thành phù hợp với điều kiện Việt Nam; Ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện môi trường trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; Phát triển công nghệ tái chế chất thải.

   Nội dung phát triển KH&CN phục vụ BVMT tiếp tục được khẳng định là một trong các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI “về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XI “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT”: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT; Thúc đẩy đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và các-bon thấp; nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT.

   Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 27, Luật KH&CN năm 2013 đã nêu rõ “Căn cứ vào chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH và chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, Bộ KH&CN phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN 5 năm và nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia hàng năm”. Theo đó, Bộ KH&CN đã xây dựng phương hướng mục tiêu nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 5/6/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&CN). Trong đó đã nêu rõ các giải pháp tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu liên quan đến lĩnh vực môi trường như: Ưu tiên nguồn lực để phát triển một số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ liên ngành thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ khí - tự động hóa và công nghệ môi trường; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ trong các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, y-dược, giao thông, xây dựng, năng lượng, KH&CN biển, KH&CN quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ vũ trụ”.

   Đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng các nhiệm vụ KH&CN cần thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 trong lĩnh vực BVMT và để tập trung phát triển KT-XH và KH&CN theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Tài liệu tham khảo

Báo cáo của Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước “KH&CN phục vụ phòng tránh thiên tai, BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên”, mã số: KC.08/11-15. 

Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 25/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ).

   Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 (Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

   Phương hướng mục tiêu nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 05/6/2015 của Bộ trưởng Bộ KH&CN).

TS. Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Vụ trưởng
Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, 
Bộ KH&CN

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9-2015)

Ý kiến của bạn