Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Hiện trạng và giải pháp cải thiện chất lượng môi trường làng nghề tỉnh Bắc Ninh

17/10/2014

     Làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở Bắc Ninh có lịch sử tồn tại và phát triển từ lâu đời, phân bố ở hầu hết các ngành kinh tế. Toàn tỉnh hiện có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làng nghề tái chế giấy Phong Khê, đúc nhôm chì Văn Môn, sản xuất sắt thép tái chế Đa Hội, đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, đúc đồng Đại Bái, làm bún Khắc Niệm... Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề đã góp phần quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đa số các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ mang tính thủ công, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất trực tiếp trong các làng nghề chưa đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, không có các hạng mục, công trình BVMT theo quy định, gây ô nhiễm môi trường. Kết quả kiểm tra, giám sát môi trường hàng năm cho thấy, môi trường tại một số làng nghề đã ô nhiễm nghiêm trọng; Chất lượng nước, không khí tại một số nơi vượt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cho phép nhiều lần.

     Môi trường không khí tại một số làng nghề bị ô nhiễm nặng do nồng độ bụi, khí thải, tiếng ồn từ các xưởng sản xuất và các hoạt động vận tải. Số liệu quan trắc môi trường trong các làng nghề sản xuất sắt thép và giấy cho thấy, nồng độ bụi, khí độc (khí thải, hơi hóa chất…) cao hơn mức cho phép; Nhiệt độ không khí trong làng cao hơn mức tự nhiên từ 2 - 5oC. Tại các xưởng đúc và cán thép, nhiệt độ khu vực làm việc cao hơn nhiệt độ tự nhiên từ 8 - 10oC, nồng độ khí độc rất đậm đặc. Tại các khu dân cư, tiếng ồn thường xuyên ở mức 90 ÷ 110 dBA.

     Nguồn nước tại các làng nghề Phong Khê, bún bánh Khắc Niệm, giấy Phú Lâm đều có biểu hiện ô nhiễm BOD5, COD, Amoni... có những mẫu vượt QCVN cho phép hàng chục lần. Điển hình, tại làng nghề Phong Khê, hàm lượng BOD5 vượt QCVN (QCVN 08:2008/BTNMT) 23,7 lần; Làng nghề Đa Hội, hàm lượng Amoni cao hơn 4 lần; Làng nghề Đại Bái, hàm lượng BOD5 cao hơn 18,6 lần, COD cao hơn QCVN 18 lần; Làng nghề Văn Môn, hàm lượng Amoni cao hơn QCVN 51,4 lần... Nguyên nhân là do nước thải của các cơ sở sản xuất không được xử lý mà xả thải trực tiếp vào hệ thống thủy nông. Chất lượng nước ngầm cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể, tại làng nghề Phong Khê cũng đã bị ô nhiễm và có chiều hướng gia tăng, hàm lượng Mn cao hơn QCVN 5,9 lần, hàm lượng Amoni cao hơn QCVN 6,1 lần; Làng nghề Đồng Kỵ, hàm lượng sắt cao hơn QCVN 3,5 lần, hàm lượng Amoni cao hơn QCVN 7,6 lần...

     Về chất thải rắn, toàn bộ lượng chất thải rắn được thu gom, xử lý tại khu vực trũng như ao, hồ, ven sông bằng phương pháp đốt thông thường, gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, việc đốt chất thải công nghiệp trong điều kiện nhiệt độ thường có thể phát sinh khí dioxin/furan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, diện tích nước mặt (ao, hồ, kênh mương…) và đất canh tác đang bị lấp dần bởi chất thải, một số ao nuôi cá có hiện tượng cá bị chết hàng loạt do nước thải sản xuất.

     Trước thực trạng trên, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 156/2010/NQ-HĐND ngày 6/5/2010 và Quyết định số 50/2010/QĐ-UBND ngày 20/5/2010 về việc quy định chế độ hỗ trợ xây dựng điểm tập kết, vận chuyển rác thải khu vực nông thôn; Quyết định số 70/2011/QĐ-UBND ngày 1/6/2011 về việc phê duyệt Chương trình triển khai Đề án BVMT lưu vực sông Cầu giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 249/2014/QĐ-UBND ngày 13/6/2014 về việc ban hành quy chế BVMT làng nghề, khu dân cư, cụm công nghiệp; Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 10/4/2014 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

 

Nguồn nước tại làng nghề bún Khắc Niệm có biểu hiện ô nhiễm BOD5, COD...

 

     Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã tổ chức xây dựng và triển khai một số đề án nhằm đánh giá hiện trạng, xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường đối với một số làng nghề như: Đề án Đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất các giải pháp BVMT sông Ngũ Huyện Khê và xã Văn Môn; Điều tra, đánh giá hiện trạng thực hiện quy hoạch, sản xuất và BVMT tại các cụm công nghiệp; Chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn.

     Ngoài ra, phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi triển khai các mô hình, dự án: Xử lý nước thải làng nghề sản xuất rượu Đại Lâm bằng công nghệ yếm khí; Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất giấy thôn Đào Xá, xã Phong Khê, TP. Bắc Ninh bằng công nghệ tuyển nổi do tổ chức phi chính phủ Cộng hòa Séc - Canađa tài trợ; Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải đối với 6 hợp tác xã luyện kim loại màu do Chính phủ Nhật Bản tài trợ; Dự án Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề giấy Phong Khê (được phê duyệt tại Quyết định số 726/QĐ-UBND ngày 7/6/2012 của UBND tỉnh) với công suất 10.000 m3/ngày, đêm, tổng mức đầu tư hơn 390 tỷ đồng (đến nay, Dự án đã hoàn thành cơ bản phần thô các hạng mục xây lắp); Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Bắc Ninh, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1334/QĐ-CT ngày 13/11/2003 và phê duyệt điều chỉnh bổ sung tại Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 27/01/2006, với nội dung: Cải tạo và xây dựng mới hệ thống thoát nước, xây dựng nhà máy xử lý nước thải TP. Bắc Ninh, công suất 28.000 m3/ngày, đêm. Hiện Nhà máy đã đi vào hoạt động.

     Theo kế hoạch hàng năm, Sở TN&MT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên các tổ chức hội, đoàn viên, thanh niên và cán bộ các Sở, ban, ngành làm công tác môi trường cấp huyện, cấp xã...

     Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về BVMT làng nghề; Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật BVMT năm 2014; Tạo điều kiện, hỗ trợ các làng nghề nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các làng nghề truyền thống theo quy định tại Khoản 3, Điều 2, Nghị quyết số 19/2011/QH13 của Quốc hội. Đồng thời, cụ thể hóa trách nhiệm của các Sở, ngành và UBND các cấp trong công tác quản lý làng nghề, quản lý các đối tượng sản xuất trong làng nghề và BVMT làng nghề; Tăng cường công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực BVMT làng nghề cho cán bộ các cấp làm công tác quản lý môi trường. Từ đó, đề ra kế hoạch, biện pháp xử lý ô nhiễm, vận động các làng nghề áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường.

     Bên cạnh đó, triển khai xây dựng, thực hiện quy hoạch ngành nghề sản xuất theo cụm công nghiệp - làng nghề; Lập danh mục các làng nghề cần có lộ trình chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời (trước mắt tập trung vào các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng). Ngoài ra, tỉnh sẽ lồng ghép chương trình BVMT làng nghề vào các chương trình, đề án, quy hoạch có liên quan như: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... nhằm hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sản xuất và xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng BVMT làng nghề như hệ thống tiêu thoát nước, các điểm thu gom, xử lý chất thải.

 

Hà Minh Họa - Chi cục trưởng

Chi cục BVMT Bắc Ninh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 9/2014

 

Ý kiến của bạn