Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Hội vào cuộc làm kinh tế “xanh”

15/05/2014

     Thực hiện chiến lược của Tỉnh ủy Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, chuyển từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã và đang đầu tư cho các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường. Vừa qua, đoàn công tác của T.Ư Hội NDVN do Phó Chủ tịch Lại Xuân Môn làm trưởng đoàn đã về làm việc với Hội ND Quảng Ninh, thăm một số mô hình do Quỹ HTND T.Ư đầu tư.

     Sáng kiến nhỏ, thu nhập cao

     Đoàn công tác đã đến thăm “công trình” nuôi hà sáng tạo đến đơn giản mà hiệu quả của nông dân (ND) xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên. Anh Vũ Mạnh Cường (tham gia dự án vay vốn Quỹ HTND nuôi hà tại Hoàng Tân) cho biết, đây là sáng kiến của ND áp dụng gần 3 năm nay, tận dụng đất bãi ngang không bờ vùng bờ thửa, sử dụng lao động chính, phụ… 

     Tiềm năng mô hình còn rất lớn, hiện bà con trong xã đang khai thác vài trăm ha, bình quân mỗi hộ 1 - 2ha. Mỗi ha chi phí mua cọc, dây, nhân công khoảng 150 - 200 triệu đồng, cắm xuống bãi triều và sau 6-7 tháng cho thu hoạch, doanh thu 300 - 400 triệu đồng, trừ chi phí lãi 150 - 200 triệu đồng/năm. 

 

Phó Chủ tịch Lại Xuân Môn (trái) thăm trang trại của ông Đoàn Quang Ngọc

 

     Ông Bùi Minh Thanh - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh kiêm Trưởng Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh Quảng Ninh cho biết, chủ trương của Tỉnh ủy là phát triển mỗi xã một sản phẩm từ khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương. Hoàng Tân là một trong các xã tạo ra sản phẩm mới, có giá trị cao đó là nuôi hà. Hà dễ nuôi, là thực phẩm sạch, hàm lượng dinh dưỡng cao, được du khách rất ưa chuộng. Hiện, sản phẩm này chưa đủ tiêu thụ nội tỉnh.
     Vốn quỹ ưu tiên phát triển nông nghiệp “xanh”

     Với mô hình vay vốn Quỹ HTND nuôi trồng thủy sản tại phường Yên Thanh, TP. Uông Bí, ông Vũ Văn Việt - trưởng nhóm 20 hộ vay vốn cho biết, gia đình ông thuê 2ha đất bỏ hoang trong thời hạn 20 năm, cải tạo thành các vuông ao nuôi trồng thủy sản. Trước kia ông nuôi cá rô phi, nay chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, thu hoạch 25 tấn/năm, trừ chi phí lãi trên 1 tỷ đồng.

     Bí quyết thành công của ông Việt là môi trường nuôi thật sạch. Với 2ha, ông đầu tư tường bao kiên cố, cứng hóa bờ kè, lót đáy ao nuôi, dành ra mấy nghìn m2 làm hồ chứa, xử lý nước; mời 2 kỹ thuật viên của Trung tâm Nuôi trồng thủy sản địa phương về áp dụng kỹ thuật mới... Nhờ đó, khu nuôi trồng của ông chưa khi nào xảy ra dịch bệnh. Ông Việt còn là đầu mối cung cấp giống và tiêu thụ sản phẩm của nhóm. 

     Trang trại tổng hợp nuôi lợn rừng, nuôi hươu, trồng thanh long ruột đỏ của hộ ông Đoàn Quang Ngọc ở phường Phương Đông, TP.Uông Bí thành công với việc khai thác tiềm năng đồi rừng. Hơn 4ha trang trại nằm biệt lập, tách xa khu dân cư.

     Khởi sự từ mấy đôi lợn rừng giống, ông cho sinh sản, đến nay có hơn 300 lợn thịt, gần chục nái, thu bạc tỷ mỗi năm. Tiếp đó, ông vào Hà Tĩnh học nuôi hươu lấy nhung, mời “thầy” ra tận nơi trợ giúp. Đến nay đàn hươu có hơn 20 con, trong đó 10 con cho nhung. Sẵn đất, ông trồng hơn 3 ha thanh long ruột đỏ. Nhờ áp dụng kỹ thuật, chăm sóc tốt, 8 tháng thanh long đã cho quả (thay vì hơn 1 năm trồng theo kỹ thuật truyền thống).

     Bà Vi Thị Bích - Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết, Hội tham gia các ban chỉ đạo và thực hiện đề án thành phần trong chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Tỉnh ủy. Hội ND tỉnh vừa tổ chức đối thoại với hơn 70 chủ trang trại để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của họ, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời”…

 

Theo Danviet.vn

Ý kiến của bạn