Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Hội Liên hiệp Phụ nữ Vĩnh Phúc triển khai hiệu quả các phong trào bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới

22/02/2016

   Trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động các cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào BVMT gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

   Xác định việc xây dựng thói quen cho người dân, nhất là người phụ nữ trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường là việc làm hết sức cần thiết, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành, thị phối hợp với phòng TN&MT trên địa bàn cùng các cấp hướng dẫn cơ sở hội thực hiện có hiệu quả các hoạt động BVMT. Trong đó, chú trọng tuyên truyền đến 100% cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trong việc thực hiện các cam kết BVMT. Đồng thời, Hội đã xây dựng 26 Tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải tại địa phương, thu hút trên 2.000 hội viên tham gia. Các tổ được trang bị dụng cụ như xe chở, thùng đựng rác, cuốc, xẻng, quần áo, găng tay, ủng…Hàng ngày, các tổ phân công từng hội viên đến từng nhà thu gom rác. Cuối tuần, vào các sáng thứ bảy, từng tổ tự quản cùng nhân dân tổng vệ sinh và duy trì liên tục việc này thành nền nếp, tạo thành thói quen, nâng cao nhận thức nhân dân đối với việc BVMT. Kết quả, đến nay các tổ tự quản đã thu gom được 430,9 tấn rác thải; khơi thông 25,895 km cống rãnh tiêu thoát nước; vệ sinh 85,7 km đường làng, ngõ xóm, trồng 35.645 cây các loại từ đó làm thay đổi nhận thức, hành vi, phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng xấu đến môi trường sống; nâng cao ý thức sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên....

Các hội viên tham gia tổng vệ sinh, góp phần giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp

   Với phong trào vận động phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông, từ năm 2010, Hội LHPN tỉnh chọn xã Đạo Tú, huyện Tam Dương làm mô hình điểm Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”. Tính đến nay, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã nhân rộng được 25 CLB, với trên 1.000 hội viên. Hàng ngày, mỗi gia đình đi chợ đều phải sử dụng ít nhất 4 - 5 túi ni lông dùng đựng thức ăn, quà bánh… Hầu hết các túi ni lông đều sử dụng 1 lần rồi bỏ đi. Túi ni lông rất khó phân hủy, nhiều gia đình thiếu ý thức, vứt bừa bãi ra đường, ao hồ, cống rãnh gây ách tắc, mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Khi CLB được thành lập, các thành viên được phát làn đi chợ và trở thành tuyên truyền viên tích cực về việc hạn hế sử dụng túi ni nông. Các hội viên được tìm hiểu về tác hại của túi ni lông, kinh nghiệm sử dụng các vật dụng thay thế túi ni lông như làn nhựa, hộp nhựa mỗi khi đi chợ. Qua đó, nhận thức của chị em được nâng lên. Dù chưa thực sự triệt để không dùng túi ni lông nhưng đã hạn chế được rất nhiều. Đến nay, tình trạng vứt túi ni lông ra môi trường gần như không còn, đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp hơn.

   Hưởng ứng phong trào “Vĩnh Phúc chung tay BVMT gắn với xây dựng nông thôn mới”, Hội phụ nữ các cấp đã triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Có 138/138 cơ sở Hội đã tổ chức tuyên truyền nội dung của tiêu chí thứ 17 về môi trường và vận động cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện. Hội LHPN tỉnh đã in 190.000 phiếu đánh giá các tiêu chí và 200 poster các nội dung thực hiện cuộc vận động. Hàng tuần, Hội LHPN tỉnh phân công hội viên xuống các xã, phường phổ biến cho các hộ dân mô hình sản xuất rau sạch, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức về kỹ thuật trồng rau, thay đổi thói quen canh tác độc canh theo phương pháp truyền thống sang phương pháp hữu cơ. Hơn thế, việc triển khai mô hình đã có tác dụng cải thiện môi trường, hạn chế việc sử dụng hóa chất trong sản xuất; cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, nâng cao sức khỏe của người dân.

   Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức các buổi tập huấn về công tác BVMT, vận động các hội viên, đoàn viên, thanh niên cùng gia đình và nhân dân đóng góp, tham gia tu sửa đường làng, ngõ xóm, nâng cấp, sửa chữa, làm mới các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm, ra quân làm thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng; Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ nữ về công tác bảo vệ nước sạch vệ sinh môi trường; Tuyên truyền các hội viên tổ chức tốt việc dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống đường điện chiếu sáng tại các thôn, xã nghèo trên địa bàn, góp phần thay đổi diện mạo các vùng quê trong tỉnh. Nhờ đó, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều đổi thay, cơ sở hạ tầng được cải tạo, nâng cấp; đời sống vật chất được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn tăng từ 17,28 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 27,5 triệu đồng/người/năm (năm 2014). Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, tu sửa, nâng cấp và xây mới. Đến nay, 100% đường giao thông liên xã, hơn 86% đường trục xã, 40% đường giao thông nội đồng đạt chuẩn; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 85%; Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định … Năm 2014, Vĩnh Phúc đã có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới (35,7%), bình quân đạt 14,16 tiêu chí/xã.

   Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh thường xuyên phối hợp với Sở TN&MT, Quỹ BVMT tổ chức nhiều hoạt động tại cơ sở như Hội thi “Phụ nữ với công tác BVMT”; Tiếp tục thực hiện các mô hình: Tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải, BVMT, không nhiện liệu, không tiếng ồn; Đoạn đường phụ nữ tự quản; Xây dựng mô hình biogas, mô hình hợp tác xã BVMT… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trong việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên.

   Trong thời gian tới, để góp phần BVMT bền vững, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ nguồn nước sạch và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; Khuyến khích nhân rộng các mô hình cộng đồng tham gia BVMT; Giám sát và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm các quy định của Luật BVMT, đồng thời rút kinh nghiệm tìm ra các giải pháp, biện pháp hữu hiệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác BVMT của các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn.

                Minh Nguyệt

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2016)

Ý kiến của bạn