Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Hệ lụy từ nguồn nước bị ô nhiễm

28/08/2015

      Hiện nay, ô nhiễm trên sông Sài Gòn, Đồng Nai đã ở mức báo động cao, nhiều đoạn được đánh giá là không còn khả năng “cứu chữa”. Kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường cho thấy, các chỉ tiêu ô nhiễm như COD, BOD, TSS (chất rắn lơ lửng) trên sông Sài Gòn đã vượt tiêu chuẩn cho phép, tăng dần về phía hạ lưu và tăng đều qua các năm. Vì thế, giải pháp thường thấy ở các nhà máy nước là chuyển dần những điểm lấy nước lên phía thượng nguồn hoặc chuyển từ nước sông Sài Gòn qua sông Đồng Nai vì chất lượng nước của sông Đồng Nai tốt hơn. Tuy vậy, trên thực tế, ô nhiễm hữu cơ trên sông Đồng Nai cũng đang tăng nhanh, hầu hết các điểm quan trắc, chỉ tiêu ô nhiễm đã vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép. Đặc biệt, gần đây, các nhà máy nước đã sử dụng chất chlorine để khử trùng, biện pháp này tương đối tốt, nhưng nếu nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ sẽ sản sinh ra một số chất sản phẩm phụ khử trùng và một trong những chất đó là THMs (trihalomethanes), có khả năng gây ung thư. Điều này đã xảy ra với các sông Sài Gòn và Đồng Nai, gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống người dân TP. Hồ Chí Minh.

     Kết quả phân tích mẫu nước thô từ sông Sài Gòn và nước đã qua xử lý tại Nhà máy Nước Tân Hiệp do nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh tiến hành cho thấy, nước sông Sài Gòn bị ô nhiễm hữu cơ với nồng độ amoni và hữu cơ trong nguồn nước thô tăng nghiêm trọng, vượt giới hạn cho phép: nồng độ COD từ 8 -14 g/lít và amoni từ 0,1 - 1 mgN/lít (quy chuẩn cho phép đối với COD trong nước là 10 mg/lít và amoni là 0,1 mgN/lít); Lượng chlorine được sử dụng tiền xử lý tại Trạm bơm Hòa Phú là 1 - 2 g/lít và tại Nhà máy Nước Tân Hiệp là 2 - 4 g/lít. Nước sau khử trùng giảm ô nhiễm vi sinh nhưng xuất hiện THMs với nồng độ từ 50 - 200 µg/lít. Tuy vẫn nằm dưới ngưỡng Quy chuẩn 01/2009 của Bộ Y tế cho phép (hàm lượng THMs trong nước uống là 460 µg/lít), nhưng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Bên cạnh đó, nếu so với quy chuẩn của các nước trên thế giới như Mỹ, nồng độ THMs trong nước sau xử lý bắt buộc từ 80 µg/lít trở xuống thì quy chuẩn của Việt Nam khá “rộng rãi”.

 

Nước sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm hữu cơ rất cao

 

     GS.TS Lê Huy Bá, Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, THMs là chất gây ngộ độc mạn tính chứ không gây ngộ độc cấp nên khó phát hiện. THMs tích tụ lâu trong gan, thận sẽ gây ung thư. Tuy nhiên, nếu giao các nhà máy nước nghiên cứu và cảnh báo về vấn đề THMs trong nước cũng khó, bởi Việt Nam còn thiếu đội ngũ chuyên môn cũng như cơ sở vật chất bài bản để thí nghiệm độc học. Quy chuẩn hiện tại là suy đoán có lý và chấp nhận được tại Việt Nam, nói cách khác, phải lùi tiêu chuẩn để phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam”. Đồng thời, khuyến cáo người dân về chất lượng nước cấp để họ lưu ý, sử dụng cẩn thận hơn và THMs là chất bay hơi nên người dân có thể xử lý tại nhà bằng cách phơi nắng hoặc sử dụng hệ thống lắng lọc”, GS.TS Lê Huy Bá chia sẻ.

     Theo PGS.TS Bùi Xuân Thành, Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, biện pháp căn cơ, lâu dài là TP. Hồ Chí Minh cần nhanh chóng xây dựng đủ 12 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các lưu vực chính. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải kiểm soát nguồn xả thải công nghiệp, không để các cơ sở sản xuất xả lén nước thải chưa qua xử lý ra nguồn nước. Bên cạnh đó, người dân cần có các biện pháp tự bảo vệ mình như sử dụng các thiệt bị lọc nước RO, NF… Đặc biệt, không uống nước lạnh nhưng nếu đun sôi thì sau đó phải mở nắp để các độc chất bay hơi.

 

Gia Linh

Ý kiến của bạn