Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Hướng tới phát triển công cụ chi trả dịch vụ hệ sinh thái biển ở Việt Nam

15/09/2015

     1. Mở đầu      Chi trả dịch vụ hệ sinh thái (HST) hay còn gọi là chi trả dịch vụ môi trường (PES) là công cụ kinh tế, được áp dụng để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của HST. Chi trả dịch vụ HST biển (PES biển) được xem là cơ chế thúc đẩy việc tạo ra và sử dụng các dịch vụ sinh thái bằng cách kết nối người cung cấp dị ch vụ và người sử dụng dịch vụ HST.      Việt Nam có khoảng 20 HST biển và ven bờ phân bố trên 1 triệu km2 diện tích ở Biển Đông cùng với đó là các dịch vụ HST kèm theo đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội quốc gia. Đặc biệt các hoạt động kinh tế biển có gắn kết chặt chẽ với việc khai thác và sử dụng các dịch vụ HST. Tuy nhiên khái niệm PES biển đối với Việt Nam còn khá mới, cần có những nghiên cứu để có thể áp dụng vào thực tiễn công tác quản lý TN&MT biển.      2. Chi trả dịch vụ hệ sinh thái      Dịch vụ HST bao gồm những lợi ích mà con người khai thác hoặc hưởng lợi (trực tiếp hoặc gián tiếp) từ các HST. Các dịch vụ cơ bản nhất mà con người có thể khai thác bao gồm: Dịch vụ cung cấp (thức ăn, nước uống, gỗ, vật liệu xây dựng, nguồn gen, nguyên liệu thô, cây thuốc dược phẩm, phân bón); Dịch vụ điều hòa (khí hậu, chống xói lở bờ biển, làm sạch nước, bẫy trầm tích); Dịch vụ văn hóa (giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ ngơi…); Dịch vụ hỗ trợ (hình thành đất, hình thành đảo, năng suất sơ cấp, duy trì đa dạng sinh học).      Mặc dù các dịch vụ HST đem lại cho con người rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên đối với việc áp dụng PES biển, trên thế giới chỉ có một số dịch vụ HST biển chủ đạo với các chức năng:      Duy trì và ổn định đường bờ, bãi biển: Các đầm lầy và các vùng đất ngập nước ven biển tự nhiên đóng vai trò là các vùng đệm ven biển chống lại các trận bão và ngăn chặn xói mòn bờ biển, đặc biệt giảm thiểu các thảm họa tự nhiên đang diễn ra với tần suất và cường độ cao (sóng thần). Ngoài ra, duy trì các HST ven biển trong tình trạng tốt cũng góp phần ổn định các bãi biển thông qua việc tạo ra các bẫy trầm tích và loại bỏ sụt lún đất bởi quá trình xói mòn tự nhiên. Xét về khía cạnh lợi ích kinh tế thì chủ sở hữu đất và khu du lịch ven biển, ngành bảo hiểm đều cùng hưởng lợi thông qua việc đầu tư và BVMT sống ven biển nhằm giảm tiếp xúc với rủi ro.      Các bãi giống, bãi đẻ thủy hải sản ven biển: Cộng đồng quản lý nghề cá từ lâu đã công nhận giá trị của các bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy hải sản ven bờ. Nghề khai thác hải sản muốn phát triển bền vững phải duy trì nguồn giống bổ sung cho quần, đàn đồng thời đáp ứng những yêu cầu về BVMT. Tuy nhiên, các bãi giống, bãi đẻ thường không nằm cùng với các ngư trường đánh bắt (trừ một số loài cá cụ thể) cho nên rất khó kêu gọi sự tham gia của những người hoạt động đánh bắt thủy sản tham gia vào công tác bảo tồn. Cơ hội còn bỏ ngỏ cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia trong lĩnh vực bảo vệ các bãi giống, bãi đẻ ở các nước đang phát triển và đang phát triển ở những nơi mà lĩnh vực thương mại thủy sản đóng vai trò quan trọng.      Hấp thụ các bon: Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm và đánh giá cao về vai trò của các HST biển ven bờ như rừng ngập mặn, cỏ biển, đầm lầy trong việc hấp thụ các bon nhờ đó làm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ví dụ rừng ngập mặn trong môi trường nhất định có thể hấp thụ các bon trong đất nhiều hơn gấp sáu lần so với các khu rừng nhiệt đới trên cạn. Do đó có thể thành lập thị trường các bon với các ưu đãi được đưa ra nhằm bảo vệ các dịch vụ HST trong môi trường biển ven bờ.       Chất lượng nước: Chất lượng nước có vai trò quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Sự phát triển của thị trường chất lượng nước như kinh doanh thị trường nước ngọt trong thời gian qua đã nhận được ngồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân.      Hiện nay, các tiêu chuẩn về chất lượng nước đã có ở nhiều quốc gia ven biển, vì vậy các điều kiện để thực hiện là mở rộng vùng thượng nguồn của các con sông và vùng ven bờ biển thể hiện cho quyền lợi phát triển thượng nguồn và dọc theo bờ biển để giảm thiểu và thương lượng, trao đổi trong các vấn đề có liên quan đến duy trì chất lượng nước.   Nha Trang đang áp dụng phí bảo tồn HST cho các du khách tham gia các hoạt động như lặn có bình khí, mặt nạ snorkeling để ngắm san hô        Đa dạng sinh học (ĐDSH) biển: Mỗi một dịch vụ HST có giá trị riêng của nó, ĐDSH biển có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc hỗ trợ cung cấp năng suất sinh học biển trong đó rất nhiều cộng đồng dân cư ven biển ở nhiều quốc gia sống phụ thuộc vào việc khai thác các giá trị của ĐDSH. “Ngân hàng loài” và bù đắp sự thiếu hụt ĐDSH là hai công cụ được thiết lập và phát triển ở cùng một địa điểm cụ thể nhằm bảo vệ cùng một loài hoặc quần xã trong sinh cảnh tương ứng khác. Các quy định mới về phát triển vùng bờ hoặc biển xa bờ sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển cơ chế bù đắp ĐDSH như là một công cụ bảo tồn hữu hiệu.      3. Hiện trạng áp dụng PES biển ở Việt Nam      Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể về việc áp dụng PES ở môi trường trên cạn thông qua các mô hình, điểm trình diễn đạt kết quả khả quan. Việc áp dụng PES biển ở Việt Nam còn hạn chế về phạm vi và đối tượng áp dụng. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:      Thu phí từ dịch vụ thăm quan du lịch tại Khu bảo tồn vịnh Nha Trang: Hiện nay, Nha Trang đang áp dụng hai loại phí thăm quan áp dụng cho khách du lịch gồm: phí thắng cảnh được áp dụng cho toàn bộ du khách thăm quan bằng tàu; phí bảo tồn là loại phí được áp dụng cho các du khách tham gia các hoạt động tại vùng lõi của Khu bảo tồn như lặn có bình khí, mặt nạ snorkeling để ngắm san hô. Theo Hoàng Minh Hà và nnk (2008), chỉ tính riêng năm 2006 đã thu được 150.000 USD từ phí bảo tồn trong đó 115.000 USD được giữ lại cho các hoạt động bảo tồn của Ban quản lý. Số tiền còn lại được trích nộp vào ngân sách hoạt động của tỉnh.      Thu phí từ hoạt động thăm quan du lịch tại vịnh Hạ Long: Trung bình một năm vịnh Hạ Long thu được 5,3 triệu USD từ các loại phí tham quan vịnh, phí thăm các hang động trong vịnh và được giữ lại 45% cho các hoạt động quản lý vịnh. Tuy nhiên chưa có sự rõ ràng và minh bạch trong việc sử dụng phí tham quan đối với việc đầu tư cho các dự án bảo tồn các HST biển. Các hoạt động này dựa vào nguồn kinh phí cấp tỉnh, nhà nước hoặc từ các nguồn khác (Bernard OC, 2008).      Thu phí từ hoạt động thăm quan du lịch tại VQG Côn Đảo: Sự khác biệt rõ nhất của VQG Côn Đảo với các khu bảo tồn khác là bãi đẻ trứng tập trung của rùa biển cho nên có lợi thế đón một lượng khách tham quan hàng năm. Kinh phí phục vụ cho công tác bảo tồn được thu từ rất nhiều nguồn như phí lưu trú, phí danh thắng, phí nghiên cứu khoa học... Bên cạnh đó, VQG đã thí điểm thành lập Quỹ Bảo tồn rùa biển. Đây là Quỹ được thành lập từ nguồn ủng hộ, đóng góp tự nguyện của du khách và chỉ sử dụng cho mục đích bảo vệ các bãi đẻ trứng của rùa biển thuộc phạm vi VQG Côn Đảo.      Xây dựng các thương hiệu thủy sản xanh: Hiện nay, một số địa phương đang xây dựng các thương hiệu thủy sản xanh nhằm tôn vinh những sản phẩm áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi trồng thân thiện với môi trường như nghêu Bến Tre, ngao Nam Định. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà cũng đang xây dựng các sản phẩm mang danh hiệu và biểu tượng gắn với các tiêu chí BVMT biển như nước mắm, tu hài, bào ngư. Giá bán trên thị trường của các sản phẩm này đã bao gồm một phần phí để chi trả cho công tác bảo tồn tài nguyên sinh vật biển. Mặt khác, trên thị trường các sản phẩm này đang được người tiêu dùng ủng hộ do nhận thức người dân được nâng cao đối với các sản phẩm từ biển sạch, an toàn và thân thiện với môi trường.      UBND các huyện ven biển đã ký hợp đồng giao rừng ngập mặn ven biển: Người dân tham gia vào việc bảo vệ rừng ngập mặn được trả kinh phí bảo vệ rừng với mức chi trả của ngành nông nghiệp là 100.000 đồng/ha/năm. Trên thực tế, định mức chi trả này là quá thấp. Do vậy, người dân thường kết hợp các hoạt động kinh tế khác như nuôi trồng, khai thác hải sản trong rừng ngập mặn và phát triển du lịch sinh thái.      4. Một số đề xuất phát triển công cụ PES biển ở Việt Nam      Việc áp dụng PES mang tính liên ngành cao cho nên cần xây dựng khung quốc gia về PES cũng như các hướng dẫn chi tiết để đảm bảo điều phối và tránh các xung đột: Việt Nam mới chỉ áp dụng PES cho HST rừng, chưa áp dụng cho các HST biển và ven bờ như san hô, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển…      Các địa phương trong cả nước cần sớm có quy hoạch bảo tồn tổng thể ĐDSH (trong đó có ĐDSH biển) theo những quy định chung của Luật ĐDSH. Trong quy hoạch tổng thể phải xác định được các vùng sinh thái có tiềm năng PES biển, lượng hóa giá trị kinh tế của các HST biển. Đồng thời tạo thị trường trao đổi PES biển với việc xác định các đối tác cung cấp và sử dụng dịch vụ của các HST biển.      Cần thúc đẩy việc xây dựng các mô hình quản lý tổng hợp đới bờ do vùng bờ biển là khu vực có các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra năng động. Các công cụ quản lý tổng hợp đới bờ sẽ giúp dung hòa các lợi ích đa ngành; Góp phần sử dụng có hiệu quả tài nguyên, các HST biển... BVMT và các dịch vụ HST biển; Góp phần phát triển bền vững sinh kế vùng bờ, từng bước tiếp cận nền Kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.      Đối với những khu vực không xác định được chủ sở hữu tài nguyên hoặc có sự khai thác tài nguyên ở mức độ liên ngành phức tạp, Nhà nước phải là người chịu trách nhiệm chi trả PES biển cho các cộng đồng sống quanh khu vực thông qua việc điều chỉnh các chính sách về thuế, tạo sinh kế thay thế nâng cao lợi tức cho người dân ở các khu vực bị thiệt hại.      Cần có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước trong việc thực hiện các đề án, nghiên cứu và triển khai áp dụng PES biển. Giúp cho các tổ chức dân sự nâng cao năng lực, đa dạng hóa nguồn kinh phí và kỹ thuật hỗ trợ từ trong và ngoài nước.      Ưu tiên nguồn kinh phí thu được từ PES biển cho các hoạt động phát triển cộng đồng bởi họ là nhóm người chịu tác động mạnh nhất từ các chính sách bảo tồn ĐDSH biển. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu về PES biển, đưa người dân tham gia vào các hoạt động của PES biển. Sự tham gia của người dân địa phương chính là mấu chốt của thành công trong bất kỳ các hoạt động bảo tồn nào.      Để thực hiện có hiệu quả PES biển đòi hỏi phải luật hóa phạm vi mà PES biển có thể được áp dụng. Sự tiếp cận quản lý liên ngành mà mô hình quản lý tổng hợp đới bờ đã được đánh giá có tính khả thi cao trong điều kiện Việt Nam.      Cần phân biệt rõ ràng về quyền sở hữu công/tư đối với việc sử dụng không gian biển từ đó tạo cơ sở hành lang pháp lý cho việc xây dựng thị trường trao đổi PES biển lành mạnh.      Xây dựng chính sách về PES biển trên nguyên tắc bảo đảm bù đắp được các chi phí cơ hội và mang lại lợi ích cho toàn cộng đồng tạo được lòng tin để họ cung cấp các dịch vụ lâu dài.      Khuyến khích xã hội hóa công tác bảo tồn tự nhiên đối với những lĩnh vực bảo tồn mà cấp địa phương có thể thực hiện nhằm đưa cộng đồng dân cư tham gia vào PES biển. Từng bước nâng cao lợi tức của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.   Nguyễn Thị Hương Liên1, Nguyễn Văn Quân2 1 Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội 2 Viện Tài nguyên và Môi trường Biển Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014  
Ý kiến của bạn