Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Hà Nội nhân rộng ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm môi trường

15/09/2015

   Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực BVMT đã và đang được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm, trong đó có TP. Hà Nội. Những năm qua, nhờ ứng dụng CNSH mà chất lượng nước các sông, hồ trên địa bàn thành phố đã được cải thiện, đem lại môi trường sống trong lành cho hệ sinh thái ở các sông, hồ nội đô.    Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đối với việc phát triển CNSH, thể hiện trong Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 20/1/1981 của Bộ Chính trị về Chính sách phát triển khoa học kỹ thuật; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/3/1991 của Bộ Chính trị về Khoa học và Công nghệ trong sự nghiệp đổi mới; Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển CNSH Việt Nam đến 2010 và đặc biệt là Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Chỉ thị số 50-CT/TW).    Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cùng với việc triển khai Nghị quyết số 03/2009/NQ-HĐND ngày 17/7/2009 của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội khóa XIII, kỳ họp thứ 18 về “Nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn TP. Hà Nội đến 2010”, Sở TN&MT Hà Nội đã nỗ lực triển khai ứng dụng CNSH trong công tác BVMT trên địa bàn thành phố (TP) trên các lĩnh vực: xử lý nước thải, rác thải… và đã đạt được những kết quả nhất định. Theo đó, Sở TN&MT Hà Nội đã tổ chức thực hiện chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, hồ nội thành từ năm 2009 - 2012.    Để thực hiện Chương trình, Sở TN&MT đã phối hợp với Tổ công tác Liên ngành, các nhà khoa học, các đơn vị tham gia thử nghiệm tiến hành xử lý ô nhiễm nước tại một số hồ, mương bằng CNSH theo Quy chế thử nghiệm ban hành tại Quyết định số 1919/QĐ-UBND ngày 23/4/2009 của UBND TP.    Trên cơ sở đó, Sở TN&MT Hà Nội đã trình UBND TP lựa chọn 4 đơn vị tham gia thử nghiệm, với các công nghệ gồm: “Xử lý giảm thiểu ô nhiễm nước mặt bằng công nghệ quản lý tổng hợp các thủy vực” của Công ty Cổ phần Xanh; “Phục hồi cảnh quan hồ bằng giải pháp tổ hợp sinh học kết hợp phương pháp kết tủa" của Viện Hóa học; “Dùng tổ hợp giải pháp cơ - sinh - hóa học” của Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ môi trường và phát triển bền vững (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên); "Vi sinh IDRABEL - Vương quốc Bỉ" của Viện Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, Mỹ La tinh phối hợp với Trung tâm Tư vấn và công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường). Trong 2 năm 2009 - 2010, áp dụng các CNSH này, việc xử lý ô nhiễm nước đã được 4 đơn vị thực hiện tại 7 hồ gồm: hồ Quỳnh, Ngọc Khánh, Xã Đàn, Hai Bà Trưng, Ngọc Hà, hồ Dài, Kim Liên và trong năm 2010 - 2012, tiếp tục được triển khai nhân rộng tại 5 hồ: Thanh Nhàn 1, Thanh Nhàn 2B, Đền Lừ, Văn Quán, hồ Võ.    Kết quả của quá trình xử lý ô nhiễm nước bằng CNSH cho thấy, chất lượng nước tại các hồ được cải thiện đáng kể, hầu hết các chỉ tiêu đã đạt QCVN 08:2008 cột B2. Về cảm quan, nước hồ trong, không còn mùi hôi, cảnh quan môi trường các hồ sạch - đẹp. Hiện tại, Sở TN&MT đã bàn giao 10/10 hồ đã thử nghiệm xử lý ô nhiễm thành công cho các đơn vị đang quản lý để tiếp tục duy trì chất lượng nước.    Bên cạnh việc ứng dụng CNSH để xử lý ô nhiễm nước tại các hồ trên địa bàn TP, từ năm 2010 - 2015, Sở đã triển khai một số hoạt động nhằm cải thiện nước sông Tô Lịch. Cụ thể, năm 2010, Sở đã tổ chức tuyên truyền và sử dụng thí điểm chế phẩm sinh học Bio - Catalys để làm sạch nước thải cho hơn 10.000 hộ gia đình tại 4 phường đầu nguồn sông Tô Lịch: Nghĩa Đô, Quan Hoa, Vĩnh Phúc, Cống Vị. Sau khi sử dụng chế phẩm để xử lý tại nguồn, chất lượng nước sông đã được cải thiện đáng kể. Tiếp nối thành công đó, năm 2014, Sở đã phối hợp với đơn vị cung cấp chế phẩm sinh học Bio - Catalys, UBND các quận, phường, các tổ dân phố trên lưu vực sông Tô Lịch để thực hiện tuyên truyền sử dụng chế phẩm làm sạch nước tại hơn 8.000 hộ gia đình trên lưu vực sông Tô Lịch tại 4 phường: Quan Hoa, Cống Vị, Láng Thượng, Kim Giang. Đồng thời, Sở phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội triển khai thả 88 bè thủy sinh trên sông Tô Lịch, nhằm tạo cảnh quan và góp phần cải thiện chất lượng nước sông.    Với chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước bằng CNSH đã làm “hồi sinh” các sông, hồ nội đô trên địa bàn TP. Tuy nhiên, hầu hết các sông, hồ trong nội thành Hà Nội đều là hồ điều hòa có đa chức năng như: chứa nước, thoát nước, điều hòa khí hậu, nên công tác xử lý ô nhiễm gặp nhiều khó khăn và tốn kém kinh phí. Đặc biệt, ý thức của người dân sống gần lưu vực các sông, hồ chưa cao, vẫn còn tình trạng xả rác thải, nước thải xuống các sông, hồ.    Để ứng dụng CNSH trong lĩnh vực BVMT phát triển mạnh mẽ, rộng rãi và có hiệu quả, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tích cực tìm kiếm các CNSH mới và triển khai áp dụng cải thiện môi trường của TP; Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về các CNSH mới để các cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân biết và tiếp cận; Tận dụng các nguồn vốn từ các dự án trong và ngoài nước cho việc phát triển CNSH; đồng thời, bổ sung kinh phí, ngân sách cho công tác ứng dụng CNSH trong lĩnh vực BVMT trên địa bàn TP.   Phạm Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8 - 2015)
Ý kiến của bạn