Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Du lịch sinh thái: Biến thách thức thành cơ hội

13/03/2015

     Nằm ở phía Nam của Việt Nam, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 150 km về phía Bắc, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên là một trong những khu rừng mưa nhiệt đới vùng đất thấp và có giá trị sinh học phong phú nhất tại Việt Nam. Đây là nơi trú ngụ của khoảng 66% các loài thú lớn ở Việt Nam, bao gồm các loài quý hiếm như voi châu Á và tê giác. Với ý nghĩa quan trọng này, năm 2001, UNESCO đã chính thức công nhận VQG Cát Tiên là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và tiếp đó vào năm 2005, vùng đất ngập nước Bàu Sấu của VQG cũng được công nhận là khu Ramsar có tầm quan trọng quốc tế.

     Đồng thời, VQG Cát Tiên là nguồn sống quan trọng cho cộng đồng người dân tộc S’tiêng, Châu Mạ và Tày ở địa phương. Sinh kế của cộng đồng người dân nghèo trong vùng đệm VQG phụ thuộc rất nhiều vào rừng. Trải qua bao nhiêu thế hệ, việc đốt nương làm rẫy và các hoạt động khác của họ đã đe dọa các hệ sinh thái rừng như mất rừng, suy thoái rừng và một số loài động vật hoang dã đã bị tuyệt chủng, trong đó có loài tê giác một sừng.

     Trước thách thức đó, năm 2008, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp triển khai Dự án Phát triển du lịch sinh thái trong và xung quanh các khu bảo tồn ở Việt Nam, với sự tài trợ của DANIDA thông qua WWF Đan Mạch. Mục tiêu của Dự án nhằm mang lại lợi ích trực tiếp tới sinh kế của người dân địa phương và góp phần bảo tồn thiên nhiên thông qua các hoạt động du lịch sinh thái ở trong và xung quanh VQG Cát Tiên. Sau 6 năm thực hiện, Dự án đã xây dựng thành công một mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở xã Tà Lài, thuộc VQG Cát Tiên.

     Nhà dài - Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng

     Nhà dài Tà Lài được xây dựng theo kiến trúc của người Mạ, nằm bên hồ Vàm Hô, nép mình bên cánh rừng nguyên sinh của VQG Cát Tiên cung cấp dịch vụ lưu trú và là địa điểm tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, phục vụ du khách đến tham quan. Nhà dài có diện tích 125 m2, được xây dựng bằng những vật liệu thân thiện với môi trường như tre, gỗ, lá kè, mây. Công trình là kết quả lao động hăng say của cộng đồng người dân Mạ, S’tiêng và Tày - những người đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập kế hoạch và xây dựng Nhà dài. Đặc biệt, quá trình chọn địa điểm cho Nhà dài đã được các chuyên gia về du lịch sinh thái và các công ty du lịch tư vấn lựa chọn vị trí phù hợp nhất.

 

Nhà dài Tà Lài

 

     Đến với Tà Lài, du khách không những được đắm mình trong không gian yên tĩnh, thoáng mát của vùng đất lịch sử anh hùng mà còn được thưởng thức vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng tự nhiên khi đi xuyên rừng; thưởng thức những bài hát, điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc; thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc của địa phương như lá nhíp, rượu cần; mua các sản phẩm dệt thổ cẩm làm quà lưu niệm được đan từ những đôi tay khéo léo của bà con dân tộc. Những nét chân chất, giàu kiến thức bản địa của người dân địa phương giúp du khách dễ hòa mình với cộng đồng.

     Để cộng đồng có thể tổ chức, cung cấp các dịch vụ du lịch, Dự án đã hỗ trợ hình thành các nhóm dịch vụ bao gồm: hướng dẫn, nấu ăn, múa hát truyền thống và đón tiếp khách du lịch. Các nhóm được tập huấn các kỹ năng để tham gia các hoạt động và dịch vụ du lịch. Ngoài ra, Dự án cũng tổ chức các đợt tham quan học tập để giúp các thành viên có cơ hội tìm hiểu về thiết kế của Nhà dài truyền thống, đồng thời học hỏi các kỹ năng kinh doanh du lịch từ cộng đồng dân tộc. Quan trọng hơn, thông qua những chuyến tham quan khảo sát, cộng đồng đã tự tin tham gia vào các hoạt động du lịch.

     Ông K’Yếu, người dân tộc Mạ ở ấp 4 cho biết: “Khi nghe Dự án nói về du lịch dựa vào cộng đồng, bà con chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ có cơ hội để tăng thêm thu nhập, còn lo vì đã bao giờ làm du lịch đâu. Nhưng dần dần với sự giúp đỡ của cán bộ Dự án cùng lãnh đạo xã, chúng tôi được trực tiếp thảo luận và quyết định địa điểm cũng như kiểu dáng của Nhà dài. Bên cạnh đó, Dự án còn mời chuyên viên từ thành phố xuống mở các lớp nấu ăn, văn nghệ, lễ tân để bà con trong ấp làm quen với du lịch chuyên nghiệp”.

     Để đảm bảo tính bền vững của Dự án, WWF đã hỗ trợ xây dựng quan hệ đối tác giữa cộng đồng địa phương và một công ty du lịch tư nhân (Công ty Du lịch Vietadventure) để vận hành Nhà dài. Trong khi người dân địa phương chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ, điều phối các nhóm dịch vụ cộng đồng và hỗ trợ hậu cần, Công ty chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh các sản phẩm mới. Quan hệ đối tác giữa cộng đồng và tư nhân đã tạo nền tảng phát triển kinh doanh, qua đó góp phần thu hút sự quan tâm ngày càng nhiều đến thương hiệu du lịch này và tạo doanh thu ổn định, với tổng doanh thu đạt 875.800.0000 đồng trong quý I năm 2014.

     Một trong những thành công đáng kể trong quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và cộng đồng là việc xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích. Hai bên đã ký hợp đồng 5 năm với khoản kinh phí cố định tính theo khách du lịch đóng góp trực tiếp cho Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF), trong đó quy định: 150.000 đồng/người lớn và 75.000 đồng/trẻ em/đêm và nộp theo hàng tháng. Cộng đồng cũng đã nhất trí các quy tắc rõ ràng về phương thức tính toán và sử dụng quỹ cho các hoạt động của cộng đồng theo tỷ lệ đã được xác định, cụ thể hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn, người già ốm, trẻ em nghèo cần được đến trường...

 

Khách du lịch chuẩn bị tham quan VQG

 

     Bên cạnh đó, hoạt động của Nhà dài cũng giúp nâng cao nhận thức về môi trường trong cộng đồng. Trong năm 2013, với sự hỗ trợ tài chính từ Nhà dài, VQG Cát Tiên, Đoàn Thanh niên, khách du lịch và cộng đồng địa phương với tổng số tiền khoảng 8 triệu đồng đã trồng được 400 cây. Trong năm 2014, 100 trẻ em từ trường quốc tế đã tham gia sơn và sửa chữa một trường học với 20 triệu đồng do Nhà dài hỗ trợ.

     Ông Đặng Vũ Hiệp, Chủ tịch UBND xã Tà Lài chia sẻ: “Lần đầu tiên, trên địa bàn xã có một công trình vừa mang ý nghĩa văn hóa, nhưng lại có giá trị kinh tế như Nhà dài Tà Lài. Đây thực sự là một tin vui và cũng là mong đợi của bà con trong xã vì du lịch cộng đồng sẽ tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương, giúp giảm sức ép và phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giúp bà con nâng cao ý thức về BVMT cảnh quan, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng người Mạ, S’tiêng và Tày đang sinh sống tại đây”.

     Một số bài học kinh nghiệm

     Qua quá trình triển khai, Dự án đã đúc rút một số bài học quan trọng, hữu ích cho các bên liên quan:

     Doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng. Tính bền vững của mô hình du lịch dựa vào cộng đồng phụ thuộc phần lớn vào sự hỗ trợ và tham gia của công ty tư nhân để đảm bảo hoạt động hiệu quả mô hình liên danh.

     Kỹ năng ngôn ngữ là quan trọng. Trong Dự án Nhà dài, khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Điều này tạo ra thách thức đối với cộng đồng dân tộc trong việc học tiếng Anh.

     Đảm bảo các cơ chế chia sẻ lợi ích đơn giản, minh bạch, thường xuyên. Để đảm bảo mọi thành viên trong cộng đồng tin tưởng và ủng hộ Dự án, các cơ chế chia sẻ lợi ích phải dễ hiểu, minh bạch trong quản lý và sử dụng, thường xuyên rà soát và thống nhất với sự đồng thuận của cộng đồng.

     Phổ biến, chia sẻ thành công về du lịch sinh thái. Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở Tà Lài cho thấy, du lịch sinh thái có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đồng thời góp phần thúc đẩy bảo tồn và nâng cao nhận thức về môi trường. Mô hình này cần được phát huy và chia sẻ với các cộng đồng khác để thúc đẩy hơn nữa các nguyên tắc và lợi ích của du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, qua đó nhân rộng mô hình. Cuối cùng cần có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ để thúc đẩy và khuyến khích du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng sống trong và xung quanh các khu bảo tồn.         

    

                Nguyên Hằng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1+2/2015

 

 

 

Ý kiến của bạn