Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Châu Á với cuộc chiến chống ô nhiễm không khí

12/08/2014

     Ô nhiễm không khí (ONKK) đang là vấn đề "thảm họa" của nhân loại khi mỗi năm có hàng triệu người chết vì nguyên nhân này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2012, số người tử vong do ONKK lên đến 7 triệu người. Trung bình cứ 8 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp liên quan đến ONKK. Nạn nhân của ONKK phần lớn ở châu Á và Tây Thái Bình Dương.

     Thực trạng ô nhiễm môi trường không khí ở châu Á

     Ở châu Á, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, cùng với sự phát triển các khu công nghiệp và hệ thống giao thông vận tải, trong khi quy hoạch đô thị thiếu kiểm soát đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Nguồn khí thải độc hại với nồng độ các chất trong không khí như SO2; benzen; NO2; CO; các hạt bụi PM 10; PM 2.5 khá cao tại nhiều thành phố châu Á làm cho hàng triệu người mắc các bệnh hô hấp, hen, phổi, bệnh về mắt, dị ứng về da và thậm chí là ung thư. Đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất của ONKK là trẻ em và phụ nữ. Tỷ lệ các trường hợp tử vong có liên quan đến ONKK được đưa ra trong báo cáo của WHO như sau: 40% - bệnh tim; 40% - đột quỵ; 11% - bệnh phổi; 6% - ung thư phổi; 3% - nhiễm khuẩn hô hấp dưới cấp tính ở trẻ em.

     Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, ONKK ở châu Á thậm chí còn gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình bão Thái Bình Dương và có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thời tiết bất thường tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

     Tại Trung Quốc, thời gian qua, ONKK ở nhiều TP lớn của đất nước đã ở mức báo động, tác động lớn đến đời sống và sức khỏe người dân. Theo Báo cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, mật độ hạt bụi PM2.5 trong 6 năm từ 2008 - 2013 tại TP. Bắc Kinh đều trên 100 mg/m³, gấp 3 lần tiêu chuẩn an toàn của WHO là 25 mg/m³. Tình trạng ONKK ở các TP của Trung Quốc chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động của các nhà máy điện chạy bằng than đá, cùng với lượng lớn khí thải từ xe máy, ô tô lưu thông trên các đường phố.

     Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí

     Trung Quốc

     Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ONKK nói riêng tại Trung Quốc trong thời gian qua là hậu quả của hàng thập kỷ chỉ lo phát triển kinh tế mà không quan tâm đến BVMT. Vì thế, trước vấn nạn ONKK nghiêm trọng tại các TP lớn, Chính phủ Trung Quốc buộc phải khẩn trương tìm các biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân. Cụ thể, Trung Quốc đã tiến hành sửa đổi Luật BVMT 1989 và dự kiến sẽ được thông qua trong thời gian tới, trong đó giảm thiểu ONKK được xem là một nội dung quan trọng của bộ luật. Luật BVMT sửa đổi sẽ tăng thêm quyền hạn cho Cơ quan BVMT Trung Quốc để xử lý mạnh tay hơn đối với các doanh nghiệp, công ty công nghiệp phát thải quá mức ra môi trường… Trước đây, Cơ quan BVMT chỉ có thể xử phạt hành chính doanh nghiệp vì xả thải trái phép thì bây giờ, họ được phép đóng cửa những doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về giảm khí thải tại nhà máy. Thêm nữa, hình phạt được quy định nghiêm khắc hơn, cụ thể, nếu doanh nghiệp cố tình tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, họ sẽ phải trả một khoản phí phạt gấp nhiều lần so với phí phạt ban đầu, thậm chí là bị xử phạt hình sự đối với những cá nhân, doanh nghiệp cố tình vi phạm, không tuân thủ hệ thống giám sát ô nhiễm.

 

ÔNKK và khói bụi dày đặc ở nhiều TP của Trung Quốc đã ở mức báo động

 

     Ngoài ra, trong tháng 9/2013, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống và kiểm soát ONKK (Kế hoạch hành động), tập trung vào việc kiểm soát ô nhiễm tại 3 vùng trọng điểm là khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, sông Dương Tử và Đồng bằng sông Châu Giang. Mục tiêu của Kế hoạch là cải thiện chất lượng không khí và giảm nồng độ các chất ô nhiễm ở 3 khu vực trên và nhân rộng trên toàn quốc trong thời gian từ nay đến năm 2017. Theo Kế hoạch, phải giảm ít nhất 10% nồng độ PM 10 trung bình hàng năm trong các ngành công nghiệp. Tại 3 vùng trọng điểm, nồng độ PM 2.5 trung bình hàng năm phải giảm tương ứng là 25%, 20%, 15%. Riêng đối với Bắc Kinh, nồng độ trung bình hàng năm PM 2.5 phải xuống mức 60 mg/m³.

     Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể sau:

     Kiểm soát việc tiêu thụ than: Đến năm 2017, tỷ lệ than trong tổng tiêu thụ năng lượng tại Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 65%, trong khi tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tái tạo sẽ tăng lên 13%. Ba vùng trọng điểm phải nỗ lực để đạt được chỉ tiêu đặt ra về lượng than đá tiêu thụ mỗi năm, đồng thời, thay thế than đá bằng khí đốt sinh học cho nồi hơi đốt than, lò công nghiệp và các nhà máy điện đốt than.

     Loại bỏ dần các loại xe gây ô nhiễm nặng: Năm 2015, tất cả các xe dán nhãn màu vàng (loại nhãn để nhận biết xe không đáp ứng tiêu chuẩn về khí thái) đăng ký trước khi hết năm 2005 sẽ được loại bỏ tại 3 vùng trọng điểm. Đến năm 2017, tất cả các xe nhãn vàng sẽ được loại bỏ trên toàn quốc; từng bước thay thế xăng và dầu diesel bằng các loại nhiên liệu sạch như xăng sinh học. Việc giảm thiểu nồng độ PM 2.5 và PM 10 sẽ được xem là mục tiêu bắt buộc trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương và là một tiêu chí đánh giá năng lực quản lý của lãnh đạo địa phương.

     Bên cạnh các biện pháp Chính phủ Trung Quốc đề ra để cải thiện chất lượng môi trường không khí thì nhiều TP cũng có những chính sách kiểm soát ONKK khá hiệu quả như: Bắc Kinh đã ban hành Kế hoạch hành động về không khí sạch (2013 -2 017), trong đó tập trung vào việc giảm lượng khí thải từ giao thông vận tải; hay hạn chế xe tư nhân lưu thông và lắp đặt hệ thống báo động tình trạng ONKK theo 4 cấp: màu xanh, vàng, cam và đỏ…; Hà Bắc thực hiện Đề án Chương trình hành động về phòng chống và kiểm soát ONKK.

     Philipin

     Cũng như Trung Quốc, Philipin cũng phải đối mặt với những thách thức từ ô nhiễm môi trường không khí tại các TP lớn, trong đó có Thủ đô Manila. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ONKK tại Philipin là do khí thải, khói bụi từ các phương tiện giao thông; chiếm 80% nguồn thải gây ONKK. Cuộc sống của hàng triệu người dân Philipin bị ảnh hưởng bởi ONKK. Để cải thiện chất lượng môi trường không khí, Chính phủ Philipin cũng đưa ra nhiều giải pháp như ban hành Luật Không khí sạch vào năm 1999; áp dụng các chương trình thay thế các loại xe có động cơ bằng các loại xe không có động cơ, xe sử dụng nhiên liệu sạch. Trong đó, việc ban hành Luật Không khí sạch được xem là giải pháp tương đối hữu hiệu để hạn chế sự gia tăng ONKK ở Philipin. Đạo Luật này tập trung chủ yếu vào công tác phòng chống ô nhiễm chứ không phải kiểm soát ô nhiễm như bộ luật của các nước thông qua việc khuyến khích hợp tác và kêu gọi sự tự nguyện tham gia BVMT của các công dân và các ngành công nghiệp. Đồng thời, Luật cũng thực thi một hệ thống trách nhiệm giải trình đối với Chính phủ về các tác động xấu đến môi trường, thúc đẩy việc tuân thủ nghiêm minh các quy định môi trường. Luật nhấn mạnh đến việc cần thiết phải tăng cường quan hệ đối tác và phối hợp hành động phòng chống ONKK giữa các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực giao thông vận tải và công nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự.

 

Xe 3 bánh chạy bằng điện thay thế cho xe ba bánh chạy bằng xăng tại Philipin

 

     Bên cạnh đó, để hạn chế ONKK từ xe có động cơ, Đạo luật Không khí sạch yêu cầu các xe phải được kiểm tra khói thải trước khi gia hạn đăng ký. Văn phòng Giao thông vận tải Philipin, các trung tâm kiểm tra xe cơ giới, trung tâm thử nghiệm khí thải tư nhân đã được thành lập ở khắp đất nước để cung cấp dịch vụ thử nghiệm khí thải đối với các phương tiện giao thông công cộng và xe ô tô cá nhân. Ngoài ra, Chính phủ còn phát động nhiều chương trình như: Phòng chống ONKK do khí thải xe cộ; Sử dụng LGU (một loại gas) như một loại nhiên liệu thay thế cho xăng, sử dụng xe điện, xe 3 bánh chạy bằng pin, chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG; Chương trình quản lý đội xe sạch… Nhờ những giải pháp đó, tình trạng ONKK tại Philipin đã được cải thiện rất nhiều, môi trường tại các TP ngày càng trở nên Xanh - Sạch - Đẹp hơn và cuộc sống người dân được an toàn hơn.

 

            Hương Trần
(Theo CAI -Asia)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 7/2014

 

 

 

Ý kiến của bạn