Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Canađa tiếp tục tìm cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam

15/09/2015

Bà Deborah Chatsis - Đại sứ Canađa tại Việt Nam Tại Hội nghị Tổng kết Dự án “Quản lý nhà nước về môi trường cấp tỉnh tại Việt Nam” (VPEG), Đại sứ Canađa tại Việt Nam bà Deborah Chatsis cho biết, VPEG đánh dấu 40 năm quan hệ giữa hai nước, đồng thời hoàn thiện “nỗ lực trong 18 năm của Việt Nam - Canađa về quản lý ô nhiễm công nghiệp”. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn bà Đại sứ về mối quan hệ hợp tác song phương giữa Canađa và Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường. PV: Năm 2013 đánh dấu 40 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Canađa, vậy Đại sứ có thể cho biết những thành tựu nổi bật trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là kết quả 18 năm hợp tác trong lĩnh môi trường? Bà Deborah Chatsis: Việt Nam - Canađa chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/8/1973. Quan hệ chính trị của hai nước đang trên đà phát triển tốt, với những mối hợp tác tích cực trên nhiều diễn dàn chính trị kinh tế quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN, WTO... Chuyến thăm Việt Nam của ngài David Johnston -Toàn Quyền Canađa, tháng 11/2011 đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Canađa. Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Canađa trong thập kỷ qua phát triển theo chiều hướng gia tăng, từ 121 triệu USD năm 1998 lên thành 1,4 tỷ USD năm 2010, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Canađa đã tăng trưởng nhanh chóng, từ 1 tỷ USD năm 2007 lên gần 2 tỷ USD năm 2012. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với kỳ vọng của cả hai nước. Trong lĩnh vực đầu tư, Canađa là nhà đầu tư nước ngoài xếp ở vị trí thứ 13 với 4,63 tỷ USD tại Việt Nam. Về lĩnh vực môi trường, VPEG vừa kết thúc là kết quả tiếp nối của Dự án môi trường Việt Nam - Canađa (VCEP) được thực hiện trong 11 năm, trải qua hai giai đoạn, từ 1995 - 2006. VCEP hỗ trợ nâng cao năng lực cơ bản trong công tác quản lý môi trường ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Dự án đã được Chính phủ Việt Nam, cộng đồng các nhà tài trợ và các chuyên gia độc lập đánh giá cao về tính hiệu quả. VCEP cũng được coi là một trong những dự án môi trường thành công nhất của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Canađa (CIDA) tại Đông Nam Á trong giai đoạn này. Trọng tâm kỹ thuật của VCEP và VPEG là quản lý ô nhiễm công nghiệp phù hợp với mục tiêu của Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa và hiện đại hóa đến năm 2020, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững. Sự hỗ trợ lâu dài của Canađa và phương pháp tiếp cận xây dựng năng lực chia theo giai đoạn đã tạo cơ sở vững chắc cho các đối tác Việt Nam tiếp tục phát huy trong tương lai. Cả hai dự án đã góp phần hỗ trợ kỹ thuật cho việc sửa đổi Luật BVMT. Các Sở TN&MT ở các tỉnh tham gia Dự án VPEG đã xây dựng được kế hoạch quản lý ô nhiễm công nghiệp 5 năm và hàng năm mang tính chiến lược và thực tế được chính quyền địa phương phân bổ ngân sách thực hiện. Điều này cho thấy, năng lực tư duy chiến lược và tác động chính sách của họ đã được nâng cao. Các Sở TN&MT đã làm tốt việc thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn. Dự án đã cung cấp gần 340 giải pháp cho 15 doanh nghiệp, giúp họ tiết kiệm tổng cộng 1,4 triệu đô la nhờ tiết kiệm nguyên vật liệu, nước, năng lượng và hóa chất. PV: Là một nước có hệ thống pháp luật BVMT tương đối hoàn chỉnh, Đại sứ có những gợi ý gì nhân dịp Bộ TN&MT đang lấy ý kiến về Luật BVMT 2005 (sửa đổi)? Bà Deborah Chatsis: Chúng tôi hân hạnh được đóng góp về nội dung kỹ thuật liên quan đến vấn đề quản lý ô nhiễm công nghiệp cho Luật BVMT 2005 (sửa đổi), thông qua Dự án VCEP và VPEG. Dự án VPEG cũng gợi ý đưa vào Luật BVMT 2005 (sửa đổi)  một số vấn đề mới như cấp giấy phép môi trường, kiểm toán môi trường và kiểm kê môi trường. Hội thảo Quản lý hiệu quả kinh phí sự nghiệp BVMT do Dự án VPEG tài trợ Được biết, Dự thảo Luật BVMT 2005 (sửa đổi) đã lồng ghép vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu vào công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Điều này sẽ giúp đạt được các kết quả phát triển bền vững song song với tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng, nên lồng ghép là đưa các vấn đề về biến đổi khí hậu vào đánh giá môi trường chiến lược. Về vấn đề tham vấn ý kiến cộng đồng trong công tác BVMT, hy vọng Luật BVMT 2005 (sửa đổi) sẽ quy định chặt chẽ và có các cơ chế hiệu quả thu hút cộng đồng tham gia tích cực quá trình lập và thực thi chính sách về môi trường. PV: Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, vậy Đại sứ có chia sẻ gì đối với Việt Nam? Bà Deborah Chatsis: Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ nhằm đạt được các kết quả phát triển bền vững. Để trở thành nước công nghiệp hóa và hiện đại hóa vào năm 2020, rõ ràng cần nỗ lực hơn nữa để đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển bền vững về môi trường. Điều quan trọng là người dân cần phải nhận thức tốt hơn về các thách thức môi trường và hành động thiết thực để thay đổi hành vi. Trong bối cảnh này, năng lực quản lý của Trung ương và địa phương cần được tăng cường. Canađa tự hào đã tham gia hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực quản lý ô nhiễm công nghiệp, trong đó có công tác lập kế hoạch, chiến lược, xác định ưu tiên, quan trắc môi trường và quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường. Được biết, tại một số tỉnh tham gia Dự án VPEG, chính quyền địa phương đang mạnh dạn đưa ra những quyết định không phê duyệt các dự án không đáp ứng các yêu cầu về môi trường dù có ý nghĩa lớn về kinh tế. PV: Xin Đại sứ cho biết kế hoạch hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường? Bà Deborah Chatsis: Canađa và Việt Nam đang mở rộng các cơ hội đầu tư nước ngoài cho cả hai nước và hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng của Canađa vượt qua các thách thức của thị trường Việt Nam. Ở góc độ đa phương, Canađa và Việt Nam cùng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định Thương mại tự do này sẽ tạo điều kiện cho các nước thành viên tham gia trong những khối giao thương quan trọng nhất của thế giới. Canađa và Việt Nam đang tích cực mở rộng các cơ hội đầu tư nước ngoài cho cả hai nước. Trong thời gian tới, Đại sứ quán Canađa sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước. Chúng tôi sẽ tìm cơ hội kết nối các nhà đầu tư Canađa với Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam theo hình thức hợp tác công tư (PPP) hiện hành. Một trong những dự án của chúng tôi là Tăng cường năng lực thanh tra, giám sát ngân hàng (BRASS) mới khởi động tháng 12/2012. Đây là dự án 5 năm với ngân sách 14 triệu đô la có mục tiêu tăng cường hệ thống, các công  cụ và phương pháp thanh tra, giám sát ngân hàng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Một dự án khác mới được phê duyệt là Dự án Kỹ năng nghề nghiệp Việt Nam (VSEP). Dự án VSEP sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề. Tất cả các dự án phát triển hiện nay đều lồng ghép vấn đề môi trường để đảm bảo tránh được các tác động tiêu cực về môi trường hoặc đề ra các biện pháp giảm thiểu các tác động đó. Dự án Xây dựng và Kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm hỗ trợ việc áp dụng biện pháp sản xuất tốt (GPP) có bao gồm các yêu cầu về môi trường như chất lượng đất, nước và kiểm soát sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất trong sản xuất nông nghiệp… Canađa là một trong những nước dẫn đầu thế giới về công nghệ môi trường, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. PV: Xin cảm ơn Đại sứ. Phạm Tuyên (Thực hiện) Nguồn: Tạp chí MT, số 7/2013
Ý kiến của bạn