Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về xã hội hóa dịch vụ môi trường

26/11/2013

     Dịch vụ môi trường (DVMT) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Sự phát triển của DVMT góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường Xanh - Sạch - Đẹp cho xã hội. Đồng thời, là một trong những điều kiện phát triển kinh tế bền vững, xã hội lành mạnh.

     DVMT là một phân ngành của khu vực kinh tế dịch vụ, bao gồm các hoạt động kinh tế không thuộc khu vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp. Mặt khác, DVMT có quan hệ chặt chẽ với môi trường, nhằm mục đích bảo vệ, giữ gìn, cung cấp điều kiện môi trường thuận lợi cho các hoạt động của xã hội. Do đó, “DVMT là các hoạt động dịch vụ nhằm mang lại lợi ích về môi trường”. Như vậy, DVMT có tính chất là dịch vụ công. Hiện nay ở nước ta, phần lớn DVMT ở các địa bàn bao gồm đô thị và nông thôn, chủ yếu là do khu vực kinh tế nhà nước và một số địa phương đã có kinh tế tập thể đảm nhiệm (Hợp tác xã DVMT). Nhằm khai thác, phát huy các nguồn lực cho phát triển DVMT ở nước ta trong thời gian tới, cần mở rộng ra các thành phần kinh tế và các lực lượng khác tham gia phát triển theo hướng xã hội hóa (XHH). XHH hoạt động DVMT là một trong những chủ trương hiện nay được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua đã xác định: “Đẩy mạnh XHH công tác BVMT, phát triển các DVMT, xử lý chất thải”1.

     Thời gian gần đây, thuật ngữ “xã hội hóa” trong cải cách DVMT không chỉ được đề cập trong các văn bản mang tính chất định hướng của Đảng, Nhà nước, mà còn được sự quan tâm khá đặc biệt từ phía các nhà nghiên cứu. Liên quan đến công việc quản lý nhà nước, thuật ngữ này được sử dụng như một “giải pháp” cho cải cách việc cung ứng các dịch vụ công ích gắn liền với BVMT… Theo đó, vai trò cung ứng dịch vụ của các đối tượng sẽ có sự thay đổi: Chuyển từ sự độc quyền của Nhà nước sang hướng mở rộng cung ứng các dịch vụ này ra ngoài khu vực Nhà nước, nhằm tập hợp nguồn lực của xã hội để cùng thực hiện mục tiêu cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công. Phá bỏ sự độc quyền, bao cấp của Nhà nước một mặt sẽ giảm tải được gánh nặng cho các cơ quan công quyền, mặt khác huy động được các nguồn lực trong xã hội. Không chỉ vậy, XHH DVMT còn được hiểu là quá trình để mọi người được tham gia bình đẳng vào môi trường lành mạnh, được thụ hưởng những lợi ích công bằng do DVMT đem lại. Tuy nhiên, XHH DVMT cần nhận thức đúng một số nội dung sau:

     Một là, xác định rõ mục tiêu mà công cuộc cải cách DVMT hướng tới là chất lượng dịch vụ chứ không phải là mức độ XHH. XHH loại hình dịch vụ này chỉ là phương thức để đạt được chất lượng dịch vụ công mong muốn. Ở nhiều nước phát triển, xu thế chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức khu vực tư nhân ngày càng được áp dụng nhiều dưới những hình thức khác nhau. Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm cung cấp những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không hoặc chưa tham gia. Hiện nay tại Việt Nam, cung ứng DVMT vẫn phụ thuộc phần lớn vào Nhà nước vì khu vực tư nhân chưa đủ năng lực để cung cấp tốt các dịch vụ này. Do vậy, cần phải xác định được lĩnh vực nào cần XHH và XHH ở cấp độ nào thì đem lại hiệu quả tốt nhất cho người dân, chứ không vì tiêu chí XHH mà thiếu quan tâm tới chất lượng dịch vụ. Nhằm đẩy mạnh XHH trong cung ứng DVMT, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, tuy nhiên trong quá trình hiện thực đã nảy sinh nhiều vấn đề về kiểm soát chất lượng dịch vụ. Thông thường, các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân chú trọng nhiều đến lợi nhuận, luôn có xu hướng đẩy giá dịch vụ lên cao, các loại phí dịch vụ bị điều chỉnh tùy tiện, chất lượng dịch vụ yếu, cơ chế tài chính không minh bạch. Vẫn còn nhiều cơ sở tư nhân được thành lập dưới dạng tự phát nên khó kiểm soát chất lượng. Tình trạng kém chất lượng trong cung ứng dịch vụ không bắt nguồn từ việc xã hội hóa, song mức độ XHH ồ ạt, thiếu kiểm soát rõ ràng đã tác động tiêu cực đến quyền lợi của người thụ hưởng dịch vụ.

 

XHH công tác BVMT là huy động ở mức cao nhất sự tham gia

của toàn xã hội

 

     Hai là, muốn đảm bảo chất lượng DVMT, đồng thời mở rộng chuyển giao việc cung ứng dịch vụ cho khu vực tư nhân, Nhà nước cần phải có cơ chế thích hợp. Trước hết, hoàn thiện pháp luật đồng bộ về bộ máy Nhà nước, trao thẩm quyền cụ thể cho từng cơ quan thực hiện quản lý và cung ứng DVMT.

     Điều quan trọng là phải ban hành các chuẩn về chất lượng DVMT. Hiện nay, chúng ta mới chỉ cung ứng các DVMT một cách thụ động và ở mức độ cơ bản, thiết yếu so với nhu cầu của người dân và chưa có một hệ thống chuẩn mực nào để so sánh và hướng tới.

     Việc chuyển đổi các cơ sở công lập sang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp - tự chủ, tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm - cũng phải được quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi tự chịu trách nhiệm. Làm rõ cơ chế tài chính và mức độ vượt quá để Nhà nước có thể can thiệp. Những vấn đề này chủ yếu liên quan đến học phí, trợ giá, trợ cước và các loại phí dịch vụ khác. Quy định rõ Nhà nước sẽ can thiệp khi có những thay đổi khách quan như thay đổi mức phí, khi giá dịch vụ cao hơn mặt bằng chung hoặc khi thực hiện chính sách xã hội…

     Chế độ chịu trách nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên. Cùng với việc đặt ra hệ thống tiêu chuẩn chất lượng thì trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong cung ứng dịch vụ phải được nâng cao. Nên đề cao trách nhiệm cá nhân đồng thời đặt ra cơ chế giải trình hợp lý. Như vậy, công tác kiểm soát, giám sát sẽ có hiệu quả hơn.

     Ba là, với hoàn cảnh, điều kiện nước ta hiện nay, việc XHH DVMT mới chỉ được thực hiện ở cấp độ thấp. Lý do chủ yếu là chưa có cơ chế quản lý hiệu quả, thêm nữa khu vực tư chưa đủ lớn mạnh để tiếp nhận việc cung ứng một cách tốt nhất. Như vậy, Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ chốt trong cung ứng DVMT. Vấn đề đặt ra là đồng thời với việc thúc đẩy XHH DVMT, thì chính các cơ sở công lập phải tự nâng cao chất lượng phục vụ.

     Tóm lại, XHH công tác BVMT là huy động ở mức cao nhất sự tham gia của xã hội vào công tác BVMT, xác lập các cơ chế khuyến khích, các chế tài hành chính, hình sự và thực hiện một cách công bằng, hợp lý đối với tất cả các cơ sở Nhà nước, các lực lượng xã hội, trong đó bao gồm cả lực lượng vũ trang, quân đội tham gia hoạt động BVMT, phát triển DVMT. Tuy nhiên hiện nay, mức độ XHH DVMT ở Việt Nam còn hạn chế. Phần lớn các DVMT đều do Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và tham gia thực hiện là chủ yếu. Vai trò của cộng đồng trong việc giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật còn mờ nhạt. Như vậy, để đẩy nhanh tiến độ XHH DVMT, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về XHH BVMT, các chính sách khuyến khích cộng đồng tham gia BVMT; các quy định về quyền và trách nhiệm, về quản lý của Nhà nước, về vai trò phản biện và giám định xã hội của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, nên quy định và tạo điều kiện để các tổ chức này được thực sự tham gia đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách luật pháp của Nhà nước.

 

Vũ Văn Tự

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

Ý kiến của bạn