Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Cùng khoác áo xanh

30/10/2014

     Hàng trăm ngàn cây xanh được trồng mới, nhiều con kênh được khơi thông dòng chảy và bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh đều ghi dấu ấn của sức trẻ thành phố. Những người khoác trên mình màu áo xanh thanh niên cùng chung tay với mong ước một thành phố cũng được khoác lên mình ngày càng nhiều những tấm áo xanh hơn, sạch hơn.

     Khi tuổi trẻ tiên phong

     Không chỉ là những đợt hoạt động cao điểm, những công trình cải thiện môi trường sống đã được lập thành đề án, chương trình dài hơi cùng với các chủ trương lớn của thành phố. Ước mong đánh động ý thức, thay đổi thói quen về việc cần thiết phải bảo vệ và giữ gìn môi trường sống xanh trong người dân thành phố khởi đi từ những bạn trẻ.

 

Các bạn trẻ ngâm mình dưới dòng kênh đen tham gia cải tạo,

khơi thông dòng chảy để giữ màu xanh cho môi trường thành phố

 

     Người dân TP. HCM vốn không xa lạ gì với hình ảnh những chiếc áo xanh trong các cuộc tổng vệ sinh, dọn dẹp nơi sinh sống và tạo không gian xanh cho cộng đồng xung quanh vào các ngày Chủ nhật xanh. Thói quen ấy đã nhân lên thành hoạt động thường xuyên tại một số khu phố khi cứ vào sáng chủ nhật hằng tuần, không chỉ có thanh niên mà các cựu chiến binh, phụ nữ, trẻ em cùng dành 15 phút dọn dẹp vệ sinh không gian sống chung.

     Tính đến cuối nhiệm kỳ của đại hội này, đề án trồng mới 500.000 cây xanh tại các quận vùng ven, huyện ngoại thành của thành phố đã hoàn thành. Trong đó, chú trọng trồng mới trên các tuyến đê bao để chống sói mòn, sạt lở đất. Các bạn cũng thường xuyên kiểm tra để kịp thời trồng lại, “giặm vá” những nơi cây xanh bị chết để đảm bảo số lượng và mật độ cây xanh như yêu cầu.

     Nét nổi bật nhất chính là các hoạt động về vệ sinh môi trường, cải tạo dòng chảy nhiều tuyến kênh, rạch của thành phố. Ngoài các hoạt động định kỳ, tháng thanh niên và các chiến dịch hè tình nguyện hằng năm là thời gian tập trung các nguồn lực thực hiện những công trình này. Rạch Lăng (Q.Bình Thạnh), Cả Bốn (Q.12), Đuôi Trâu (Q.Bình Tân), Cầu Cụt, Bà Miên (Q.Gò Vấp), Ông Đội (Q.7) hay rạch Môn (Q.Thủ Đức)... là những địa chỉ đã được những màu áo xanh khơi thông, để dòng chảy được nối liền với sông Sài Gòn.

     Hiện tại đã có nhiều đội nhóm, câu lạc bộ tình nguyện với các hoạt động vì cộng đồng cùng tham gia các hoạt động của Hội LHTN thời gian qua. Trong đó, nhiều đội nhóm mạnh về các hoạt động bảo vệ môi trường. Song song với các công việc riêng, các đội nhóm, câu lạc bộ này đã cùng làm trong các đợt hoạt động cao điểm do Hội LHTN tổ chức.

   Từ các mô hình này, mới đây một số đội hình tình nguyện giữ vệ sinh tại các công viên lớn, trung tâm của thành phố như: 23 - 9, Tao Đàn, 30 - 4, Hoàng Văn Thụ, Gia Định... đã ra đời. Không chỉ trực tiếp nhặt rác, các bạn còn vận động những người đến vui chơi tại công viên cùng tham gia. Ngoài ra, các bạn cũng thực hiện các tờ rơi tuyên truyền với nhiều hình ảnh, các lời kêu gọi ngắn gọn phát cho người dân, đánh động vào ý thức và hành động chung của cộng đồng trong việc cần thiết phải bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh không gian sống chung.

     Cần sự thay đổi đồng bộ

     Đã tham gia nhiều đợt tổng vệ sinh các tuyến kênh rạch, bạn Như Phú (Q.Gò Vấp) chia sẻ thật ra Phú và nhiều bạn bè khác của anh không ngại chuyện lội xuống dòng kênh hôi thối, nước đen ngòm để vớt rác, lục bình. “Vấn đề là làm sao duy trì được kết quả sau khi việc cải tạo hoàn thành để tụi mình không thấy phí công sức đã bỏ ra thực hiện công trình” - Như Phú đặt vấn đề.

     Đây cũng là điều được các bạn trẻ đã tham gia cải tạo môi trường mong mỏi. Chính vì vậy mà ngay khi hoàn thành việc cải tạo dòng chảy tại một con rạch ở quận 7, các bạn đã ký biên bản nghiệm thu và bàn giao công trình cho chính ban quản lý chung cư, đại diện các hộ dân sống ngay bên con rạch vừa hoàn thành. Hay tại Q.Gò Vấp, các bạn đề xuất với lãnh đạo quận chi kinh phí để thuê một người dân có nhà sống ngay sát con rạch và trang bị một xuồng nhỏ cho người này, để khi thấy lục bình trôi từ nơi khác về sẽ vớt ngay.

     Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Chưa kể có không ít kênh rạch ngoài lục bình sinh sôi tự nhiên thì phần lớn mặt nước bị phủ kín là do rác thải sinh hoạt mà chính những hộ dân sống ven kênh vô tư vứt xuống làm tắc nghẽn dòng chảy. “Tôi nghĩ song song với việc trực tiếp xuống kênh vớt rác, chúng ta phải làm quyết liệt hơn khâu tuyên truyền, làm sao để người dân nâng cao và ý thức hơn, bỏ thói quen vứt rác bất kể đâu chứ không chỉ là xuống kênh thì việc bảo vệ môi trường mới thật sự hiệu quả” - chị Hồng Phúc (Q.10) nêu ý kiến.

     Một trong những đặt hàng hiện nay chính là cần làm tốt việc tuyên truyền, cung cấp thông tin về tác động của sự thay đổi môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó bắt đầu từ lực lượng trẻ, để họ làm nòng cốt nắm bắt, nhân rộng kiến thức cơ bản nhất và có thể truyền đạt lại cho những người xung quanh về vấn đề này.

     “Tôi nghĩ không thể cứ thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường theo cách cũ mà nên có những kịch bản truyền thông đi sâu vào câu chuyện ứng phó biến đổi khí hậu. Bởi đã có những biểu hiện và sự tác động sẽ không còn xa nhưng dường như nhận thức chung của cộng đồng và ngay chính trong các bạn trẻ về điều này vẫn còn khiêm tốn lắm” - chị Kim Chi (Q.1) đặt hàng.

 

Đức Anh

Ý kiến của bạn