Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên: Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường

14/10/2013

     Với đặc thù sản xuất gang thép phát sinh nước thải chứa nhiều chất ô nhiễm độc hại như dầu mỡ, phenol và coliform, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) từng bị đưa vào Danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 64). Để khắc phục tình trạng này, nhiều năm qua, Công ty đã thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm như đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng các dự án BVMT, áp dụng sản xuất sạch hơn, trồng cây xanh… Nhờ những nỗ lực trên, đến nay, TISCO và các đơn vị thành viên đã hoàn thành kế hoạch xử lý ô nhiễm triệt để, đặc biệt trong đó có Nhà máy Cán thép Lưu Xá.

 

 

     Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thành lập vào năm 1959, có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến sản xuất gang, phôi thép và cán thép. Công suất sản xuất thép cán của Công ty hiện đạt 600.000 tấn/năm với mạng lưới các nhà phân phối sản phẩm tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Sản phẩm thép TISCO được sử dụng vào hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia và đã có mặt trên thị trường quốc tế như Canađa, Lào, Campuchia…

     Đằng sau những thành công trong sản xuất, kinh doanh, từ năm 2003, Công ty đã bị đưa vào “Danh sách đen” các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trước thực trạng đó, bên cạnh việc triển khai dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn II nhằm nâng cao năng lực sản xuất lên 750.000 tấn phôi thép/năm, Công ty còn tập trung xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường. Công ty đã xây dựng hệ thống xử lý môi trường riêng cho từng đơn vị, từng bước đưa công tác BVMT đi vào nề nếp.

    Cùng với việc phát động phong trào trồng cây xanh, thực hiện quét dọn, vệ sinh môi trường nhà xưởng, hàng năm, Công ty đã dành nhiều tỷ đồng đầu tư các dự án BVMT, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thực hiện quản lý chất thải nguy hại (CTNH) đúng quy định và từng bước áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn ở một số đơn vị thành viên. Đồng thời, Công ty chủ động phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện công tác giám sát môi trường thường xuyên, kiểm soát hệ thống nước thải, chất thải trước khi thải ra môi trường và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác bảo hộ lao động, BVMT trong lãnh đạo các cấp và toàn bộ công nhân viên. Nhờ đó, môi trường của các nhà máy trong Công ty với những dây chuyền sản xuất khép kín từ luyện cốc, luyện fero đến nấu gang, luyện thép, cán thép được cải thiện đáng kể.

     Là một trong những đơn vị của Công ty, Nhà máy Cán thép Lưu Xá trước đây được xem là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường của Thái Nguyên, gây bức xúc cho người dân trong vùng. Với công suất từ 180.000 - 200.00 tấn thép cán/năm, Nhà máy có 3 dây chuyền sản xuất ra các loại sản phẩm thép cán như: thép dây; thép thanh tròn trơn; thép vằn; thép chữ (C): thép góc (chữ L)…

     Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề BVMT gắn với sản xuất, từ năm 1996, Nhà máy đã đầu tư một lò nung phôi liên tục, giúp tăng hiệu quả sản xuất, giảm phần lớn tiêu hao năng lượng dầu FO và cải thiện vệ sinh môi trường. Đến nay, Nhà máy tiếp tục nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường với kinh phí hàng chục tỷ đồng như lắp đặt hệ thống lọc bụi; xây dựng hệ thống vận hành nước tuần hoàn làm nguội thiết bị, bảo đảm nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn cho phép. Đối với nước thải sinh hoạt, Nhà máy sử dụng hóa chất cho chảy nhỏ giọt để khử các chất ô nhiễm (coliform), hiện các chất ô nhiễm đều thấp hơn ngưỡng cho phép theo Quy chuẩn QCVN 14:2008/BTNMT của Bộ TN&MT về nước thải sinh hoạt (loại B). Ngoài ra, Nhà máy còn thực hiện nghiêm công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và cam kết BVMT, đồng thời, tăng cường hoạt động giám sát môi trường định kỳ (4 lần/ năm) và nộp phí BVMT đối với nước thải đầy đủ theo đúng quy định. Năm 2010, Nhà máy đã lập Đề án BVMT và được cấp Giấy xác nhận hoàn thành các biện pháp BVMT theo Đề án.

     Trao đổi về những biện pháp khắc phục các vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng được đưa ra tại Quyết định 64, ông Trần Tuấn - Phó Giám đốc Nhà máy Cán thép Lưu Xá cho biết, để đảm bảo yêu cầu về môi trường, trong quá trình vận hành hệ thống xử lý môi trường, Nhà máy đã áp dụng các biện pháp như: Thay thế túi lọc bụi có độ chịu nhiệt thấp bằng túi lọc chịu nhiệt cao hơn; Đầu tư xây dựng bể nước tuần hoàn đối với các khu vực cán, nhằm đảm bảo không xả nước thải ra môi trường; Lắp bộ trao đổi nhiệt đặt trên đường ra của kênh khói nhằm tận dụng nhiệt của lò nung, kết hợp với sấy dầu FO, không chỉ tiết kiệm được nhiên liệu, mà còn không gây ô nhiễm môi trường.

     Đối với chất thải sinh hoạt, Nhà máy có hợp đồng thu gom, vận chuyển với Công ty Công trình đô thị Thái Nguyên, đồng thời, tận thu và tái sử dụng 100% vẩy thép để làm nguyên liệu sản xuất hợp kim fêro. Về CTNH, Nhà máy được Sở TN&MT Thái Nguyên cấp phép chủ nguồn thải và đã thực hiện việc quản lý theo đúng quy định như chất lỏng thủy lực chống cháy, các loại dầu thải và giẻ lau, găng tay nhiễm dầu được phân loại, thu gom và lưu giữ tại kho vật tư có biển cảnh báo là CTNH; Các loại dầu mỡ thải được thu gom vào các thùng phuy để ở các vị trí quy định, một phần dùng để bôi trơn cho các máy móc thiết bị, một phần trộn với dầu FO để dùng cho việc đốt lò nung cán thép.

      Ngoài ra, Nhà máy còn tăng cường công tác quản lý, định mức chi phí nhiên liệu, giảm tiêu hao vật tư, thường xuyên sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, nhằm giảm thiểu chất thải ra môi trường. Cùng với đó, Nhà máy còn duy trì tổ vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, trồng nhiều cây xanh để tạo bóng mát và giảm phát tán tiếng ồn, thường xuyên tổ chức tuyên truyền về an toàn lao động và BVMT, đưa vấn đề quản lý, xử lý môi trường vào bài kiểm tra định kỳ cho các cán bộ, công nhân viên của Nhà máy. Riêng các cán bộ phụ trách môi trường của Nhà máy được đào tạo, tập huấn đầy đủ các quy định pháp luật về môi trường, khuyến khích nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường phù hợp với quy mô hoạt động của Nhà máy.

     Theo ông Trần Tuấn, mặc dù, việc triển khai các hoạt động khắc phục ô nhiễm của Nhà máy gặp không ít khó khăn do công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu, tình hình kinh doanh tiêu thụ sản phẩm chậm, trong bối cảnh suy thoái kinh tế chung, nhưng Nhà máy đã nỗ lực giải quyết các vấn đề môi trường, từng bước hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm.

     Nhà máy Cán thép Lưu Xá ra khỏi “Danh sách đen” của Quyết định 64 một phần là nhờ vào những cố gắng của toàn thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên trong Nhà máy, nhưng quan trọng hơn cả là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, Sở TN&MT, Chi cục BVMT Thái Nguyên, cùng sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương đã rất quan tâm đôn đốc, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác BVMT của Nhà máy cũng như các đơn vị thành viên trong TISCO, vì một môi trường xanh cho thế hệ mai sau.

 

An Nguyên

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2013

 

 

Ý kiến của bạn