Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Cây sa mộc dầu ở Hà Giang - Những điều còn ít biết đến

06/08/2015

   Năm 1964, kỹ sư Chu Thuyền và nhóm cán bộ điều tra thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng là những người đầu tiên phát hiện được sa mộc dầu tại Facatun (Quỳ Châu, Nghệ An). Sa mộc dầu là cây hạt trần có tên khoa học là Cunninghamia konishii Hayata. Đến thập niên 90 của thế kỷ XX, Sa mộc dầu còn được phát hiện ở Pù Mát, Pù Nhông (huyện Con Cuông), Pù Loong, Pù Xai Leng, Pù Mo (huyện Kỳ Sơn), Pù Hoạt (huyện Quế Phong) thuộc tỉnh Nghệ An và khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (tỉnh Thanh Hóa).

Cây sa mộc dầu tại xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang

   Ngoài tên sa mộc dầu, cây này còn có một số tên tiếng Việt khác như sa mộc quế phong, sa mu dầu hay một số tên tiếng Thái (Thanh Hóa) như Mạy lâng lênh, Mạy lung linh.

   Sa mộc dầu đã được biết đến từ rất lâu ở Hà Giang, đặc biệt là khu vực Tây Côn Lĩnh với tên gọi ngọc am. Người dân địa phương giải thích xuất xứ của tên Ngọc am như sau: gỗ của cây sa mộc dầu sau khi chôn xuống dưới đất (càng lâu càng tốt), phần gỗ bên ngoài tan rã, tinh dầu tụ vào lõi sẽ cho ra ngọc am. Ngọc là quý, am là dưới lòng đất, từ đó có tên là ngọc am.

   Tại Hà Giang, sa mộc dầu có ở ba huyện: Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Quản Bạ gồm các xã: Lao Chải, Xín Chải, Tả Sử Choóng, Túng Sán, Nậm Dịch, Hồ Thầu và Sơn Nam.

   Sa mộc dầu phân bố trong hệ sinh thái rừng trung bình có độ cao từ 1.200m trở lên, thường hỗn giao với pơ mu, re, giổi, chẹo, giẻ, táu mật, kim giao, chò chỉ, sến mật... Sa mộc dầu là cây ưa sáng, trong rừng thường vượt lên tầng cao nhất (tầng nhô) của tán rừng, thân thẳng, không có bạnh vè, phân cành cao, lá tập trung ở đỉnh thành hình tháp rất đẹp mắt.

   Sa mộc dầu thích hợp với đất phong hóa từ đá mẹ granít hoặc silicát, nhiệt độ trung bình năm từ 15 - 20oC, lượng mưa từ 1.500 - 2.000 mm/năm.

   Trong số các địa danh đã nêu, dọc theo dãy Tây Côn Lĩnh, 2 xã Túng Sán và Tả Sử Choóng trước đây có nhiều sa mộc dầu nhất.

   Thông tin từ người dân ở Hoàng Su Phì cho biết, cách đây hàng trăm năm, người Hán, thậm chí cả quân đội nhà Thanh đã sang Tây Côn Lĩnh khai thác sa mộc dầu. Địa danh Tả Sử Choóng có nghĩa là “gốc cây to”, khi người Hán sang khai thác Sa mộc dầu ở Tả Sử Choóng, họ gọi địa phương này là Chúng Quá Sử nghĩa là “rừng ngọc am”.

   Một số người già ở xã Tả Sử Choóng vẫn còn nhớ hình ảnh những người Hán cao lớn, da trắng, sống mũi cao dắt từng đàn trâu, bò sang kéo gỗ Ngọc am về Trung Quốc. Đến năm 1951, người Hán vẫn còn được người Pháp lúc đó chiếm đóng ở Hà Giang cho phép khai thác ngọc am.

   Có thông tin cho rằng người Hán khi khai thác Ngọc am do không thể mang về được hết, đã chôn ở trong rừng, đánh dấu, chờ có dịp sẽ quay trở lại đào lên mang về nước.

   Cho đến nay, thỉnh thoảng người dân các xã ở Túng Sán, Tả Sử Choóng, bản Nhùng, bản May... khi phá núi làm ruộng bậc thang vẫn còn đào được những cỗ quan tài bằng gỗ ngọc am trong đựng thi thể còn nguyên xác hoặc chỉ còn hài cốt. Nhìn đồ tùy táng, những bộ xương to biết ngay là người Hán đã chết ở đây trong quá trình khai thác ngọc am hàng trăm năm về trước. Những người này có thể đã chết vì bệnh tật, bị rắn độc cắn hoặc bị tai nạn khi khai thác gỗ ngọc am.

   Có lẽ do bị khai thác từ lâu nên tại Tả Sử Choóng, mặc dù được người Hán gọi là rừng ngọc am, nhưng cây lớn nhất được biết vào năm 2013 cũng chỉ khoảng 3 người ôm, trong khi đó tại thượng nguồn Khe Bu thuộc xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, có cây sa mộc dầu cao tới 70m, đường kính thân tới 5,5m. Vừa qua cây này đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là Cây Di sản của Quốc gia và có thể là 1 trong số 10 loài cây có tuổi thọ và kích thước lớn nhất thế giới.

   Sa mộc dầu không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có giá trị kinh tế cao. Gỗ sa mộc dầu từ xưa rất được ưa chuộng, thường làm quan tài cho vua chúa do khả năng chôn dưới đất hàng trăm năm không bị mục nát lại có tinh dầu giữ được mùi thơm. Gỗ sa mộc dầu có hoa vân, màu sắc đẹp nên cũng được sử dụng làm đồ mỹ nghệ, thủ công, vật dụng trong gia đình. Tinh dầu sa mộc có mùi thơm được chiết xuất làm mỹ phẩm, dược phẩm do có tính sát trùng cao. Ngoài ra, còn dùng làm thuốc xoa bóp, chữa bệnh ngoài da, đặc biệt dùng để ướp xác.

   Cây sa mộc dầu ở Hà Giang ngoài việc bị người Hán khai thác hàng trăm năm nay, những năm gần đây do cơn sốt gỗ ngọc am dẫn đến nguy cơ loài cây này có thể bị tuyệt chủng.

   Được sự đồng ý của Tỉnh ủy Hà Giang, UBND huyện Hoàng Su Phì, Sở TN&MT tỉnh phối hợp với các nhà khoa học thuộc Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ đã tiến hành điều tra, khảo sát hiện trạng cây sa mộc dầu tại xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang).

   Kết quả, đã phát hiện được tại xã này có 2 cây sa mộc dầu ở tọa độ địa lý: N: 22o45’42’’5; E: 104o44’29’’5; độ cao so với mực nước biển là 1.212 m. Một cây có đường kính thân 90 cm, chiều cao 30 m. Cây thứ hai có đường kính 70 cm, chiều cao 25 m. Đây là những cây mẹ sẽ cung cấp nguồn giống bằng phương pháp giâm cành hoặc gieo hạt nhằm bảo tồn và phát triển loài cây quý hiếm của dãy núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7 - 2015)

Ý kiến của bạn