Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Bến Tre

02/09/2013

Bến Tre là một trong những tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nổi tiếng phì nhiêu màu mỡ, khí hậu nhiệt đới ôn hòa, với trên 90% diện tích tự nhiên là đất ngập nước đã hình thành nên các hệ sinh thái (HST) tự nhiên rất đa dạng và năng suất sinh học cao; cùng tồn tại ba vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn: vùng sinh thái ngọt được chi phối chủ yếu bởi hệ thống kênh rạch dẫn nước ngọt từ sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và sông Cổ Chiên vào; vùng sinh thái mặn được chi phối bởi bán nhật triều biển Đông; Trung gian giữa mặn và ngọt là vùng sinh thái lợ.

Giá trị ĐDSH ở Bến Tre

Tài nguyên sinh thái ở Bến Tre rất phong phú và đa dạng nhờ được phát triển trên 3 hệ sinh thái điển hình đó là HST biển, rừng ngập mặn - cửa sông - bãi bồi và HST ngọt và ngập nước theo mùa. Mỗi HST đều có các giá trị và chức năng riêng; là nơi lưu giữ nguồn gen dồi dào, nơi sinh sống, phát triển của nhiều loài động - thực vật có giá trị về sinh thái, lương thực, thực phẩm, dược liệu và sinh cảnh.

HST rừng ngập mặn ở Bến Tre có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) rất cao, phân bố khắp 3 huyện ven biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú với tổng diện tích khoảng 4.200 ha, là môi trường sống cho nhiều giống loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Về tiềm năng thực vật có 145 loài; Trong đó, có 30 loài thuộc cây rừng ngập mặn, 76 loài tham gia vào rừng ngập mặn và 39 loài du nhập từ nơi khác. Các loài đặc trưng cho rừng ngập mặn ven biển ở Bến Tre là: Mấm biển, mấm trắng, bần chua, bần đắng, giá và su ổi.

Bảng : So sánh tính ĐDSH của khu hệ động, thực vật ở tỉnh Bến Tre với ĐBSCL & Việt Nam

NHÓM

BẾN TRE

ĐBSCL

VIỆT NAM (1)

Thực vật bậc cao

933

792

11.373

Thú

30

36

310

Chim

174

194

840

Bò sát

40

34

260

Lưỡng cư

12

6

158

80

260

2.738

Côn trùng

330

Chưa có dữ liệu

7.750

 

(Nguồn : (1) Dự thảo Việt Nam BAP đến năm 2015 và định hướng đến 2020.)

Động vật lưỡng cư có 5 loài thuộc 3 họ và 1 bộ; bò sát có 15 loài thuộc 10 họ và 1 bộ; Trong đó, có 4 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Lớp thú có 12 loài thuộc 4 bộ và 5 họ; Chim có 80 loài thuộc 11 bộ, 35 họ; Trong đó, có 2 loài quý hiếm đặc trưng cho vùng ĐBSCL đang có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Các công trình nghiên cứu, khảo sát ở sông và ven biển tỉnh Bến Tre đã phát hiện được 120 loài cá thuộc 43 họ, nằm trong 15 bộ cá. Bộ cá vược chiếm ưu thế cả về họ (21 họ) lẫn về loài (54 loài), bộ cá trích chiếm 2 họ gồm 15 loài, bộ cá bơn có 3 loài. Có 7 loài cá thuộc 6 họ 4 bộ có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, tình trạng đe dọa ở mức độ VU (sẽ nguy cấp). Những loài cá này có ý nghĩa về mặt khoa học, cần phải được bảo vệ để bảo tồn tính đa dạng không chỉ cho tỉnh Bến Tre mà cho cả khu hệ cá Việt Nam.

Vùng bãi bồi có nhiều loài thủy sản có giá trị cao về kinh tế và sinh thái như: Tôm, cua, nghêu và sò huyết. Trong đó, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ là nhóm loài được khai thác lớn nhất.

Hình 1: Một số loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giwois tại khu ốc gạo cồn Phú Đa sẽ bị ảnh hưởng bởi BĐKH.

Hình 2: Một số loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới tại KCN thiên nhiên đất ngập nước Thạch Phú sẽ bị ảnh hưởng bởi BĐKH

Trong HST rừng ngập mặn - cửa sông - bãi triều còn hiện diện 2 khu bảo tồn thiên nhiên, lưu giữ đa dạng về giống loài và nguồn gen tiêu biểu cho vùng ngập mặn cửa sông Cửu Long, đó là: Sân chim Vàm Hồ, diện tích 47 ha, có gần 90 loài thuộc 35 họ và 12 bộ với hàng trăm nghìn cá thể, chủ yếu là chim nước, chim bụi rậm, các loài bò sát và nhiều loài tôm, cá. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú, diện tích 2.043 ha, có hơn 178 loài thực vật bậc cao, thuộc 45 họ; hệ động vật có 27 loài bò sát, 8 loài lưỡng cư, 16 loài thú và 60 loài chim, thực vật nổi có 185 loài, động vật nổi có 93 loài… Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú có giá trị cao về sinh thái, sinh quyển và kinh tế. Ngoài ra, đây còn là khu bảo tồn về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa - lịch sử.

Từ lâu, rừng ngập mặn ở Bến Tre được coi là công trình đê bao tự nhiên khổng lồ, có vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ thiên tai như che chắn sóng gió, cát tràn, hạn chế xói lở, cố định và gia tăng diện tích đất bãi bồi cho các vùng lục địa. Ngoài chức năng BVMT, nhờ tính ĐDSH của các khu rừng ngập mặn ven biển đã đem lại những giá trị to lớn về kinh tế - xã hội, vừa là nơi tập trung sinh sống của dân cư biển, đồng thời, cung cấp nguồn nguyên nhiên vật liệu, dược liệu và các loài thủy hải sản, góp phần nuôi sống con người.

ĐDSH đóng vai trò điều chỉnh và cân bằng sinh thái, đồng thời, đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững của các quá trình sinh học tương tự. Mỗi một sinh vật đều có mối quan hệ mật thiết với nhau, sinh sống trong một môi trường tự nhiên nhất định và có khả năng kiểm soát lẫn nhau. Vì vậy, việc xuất hiện của các loài sinh vật lạ, do con người đưa vào môi trường hoặc do các biến cố thiên nhiên đều làm tổn hại đáng kể đến ĐDSH. Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, việc săn bắt các giống loài là thiên địch của chuột sẽ làm suy giảm ĐDSH, phá vỡ khả năng cân bằng sinh thái, tăng vọt số lượng quần thể đàn chuột, ảnh hưởng đến mùa màng và làm giảm năng suất sản xuất nông nghiệp, hoặc do việc du nhập các loài cây cảnh mang mầm bệnh bọ dừa, không được kiểm soát mà trong thời gian qua đã gây thiệt hại đến hàng trăm nghìn ha vườn dừa của tỉnh Bến Tre cũng như cả nước.

 

 

Ảnh hưởng của BĐKH đến ĐDSH

Mặc dù, ĐDSH có vai trò quan trọng đối với đời sống con người, tuy nhiên dưới tác động của BĐKH đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ĐDSH. Theo các dự báo, 2 vùng đồng bằng và khu vực ven biển - nơi giàu có về các loài sinh vật, là những hệ sinh thái rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương nhất. Mực nước biển dâng lên cùng với cường độ của bão sẽ làm thay đổi thành phần của trầm tích; độ mặn và mức độ ô nhiễm của nước làm suy thoái và đe dọa sự sống còn của rừng ngập mặn và các loài sinh vật trong đó.

Trong thiên nhiên, ĐDSH, nhất là hệ sinh thái rừng là nơi chủ yếu tích lũy trở lại nguồn khí CO2 phát thải, để tạo thành chất hữu cơ. Trong khi đó, con người lại chặt phá rừng để sản xuất nông nghiệp, phát triển đô thị. Sự tàn phá rừng, không những gây mất cân bằng sinh thái mà còn làm giảm khả năng hấp thụ CO2 và gián tiếp làm tăng thêm lượng khí CO2 phát thải vào khí quyển, góp phần làm cho BĐKH tăng nhanh. Như vậy, sự giảm sút ĐDSH, nhất là giảm sút diện tích rừng đã thúc đẩy sự gia tăng BĐKH. Ngược lại, sự nóng lên toàn cầu cũng đã ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của các loài sinh vật và ĐDSH.

Các hoạt động của con người như chặt phá rừng bừa bãi, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên không kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường, phá hủy cân bằng sinh thái đều tác động đến ĐDSH. Ngoài ra, các hoạt động quy hoạch thiếu hợp lý như: đắp đập, ngăn sông, chuyển đổi đất ngập nước, sản xuất gây ô nhiễm… càng tác động lớn đến ĐDSH. Bên cạnh đó, sự xâm nhập các loài ngoại lai còn đe dọa lớn nhất lên tính ổn định và đa dạng của các HST.

Tại Bến Tre, theo dự báo đến năm 2050, mực nước biển dâng thêm 30 cm thì xâm nhập mặn diễn biến càng nghiêm trọng hơn. Khi đó, ranh giới mặn 4% cách bờ biển khoảng 40 km, những vị trí mà hiện nay ranh giới mặn chỉ 4% sẽ lên đến 8 - 10 %. Đặc biệt, ảnh hưởng xâm nhập mặn từ khu vực cửa Đại, làm cho ĐDSH tại sân chim Vàm Hồ có thể bị biến mất. Khu bảo tồn ốc gạo cồn Phú Đa sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thay đổi môi trường nước.

Một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác ĐDSH

Trước những nguy cơ suy giảm ĐDSH, để bảo vệ nguồn tài nguyên ĐDSH, Bến Tre đã lập Quy hoạch bảo tồn ĐDSH, ban hành các văn bản pháp quy về quản lý ĐDSH, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp như: hoạt động đánh bắt, khai thác, nuôi trồng, kiểm dịch thủy sản, quản lý ngư cụ; phát triển rừng ngập mặn, cây xanh, kiểm dịch thú y và thực vật.

Cùng với việc ban hành các văn bản pháp luật, xây dựng các khu bảo tồn ĐDSH, Bến Tre đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường đào tạo tiềm lực, năng lực cán bộ, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trong các khu bảo tồn như đường giao thông, điện, thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, đời sống của cư dân được cải thiện, từ đó hạn chế tình trạng người dân xâm hại làm ảnh hưởng đến tính ĐDSH trong các khu bảo tồn.

Tuy nhiên, Bến Tre đang đứng trước những khó khăn lớn trong công tác bảo tồn ĐDSH, chủ yếu là thiếu nguồn cán bộ thực hiện từ cấp tỉnh đến cơ sở; nguồn ngân sách cho công tác bảo tồn còn hạn chế; các văn bản pháp luật về ĐDSH, các chính sách quản lý các khu bảo tồn thuộc địa phương quản lý chưa được cụ thể để xã hội hóa công tác bảo tồn; diễn biến phức tạp của thiên nhiên mà nguyên nhân là do BĐKH ngày càng ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên ĐDSH; trách nhiệm và sự phối hợp chưa cao trong việc kiểm soát, quản lý nghiêm ngặt hoạt động khai thác tài nguyên ĐDSH (chủ yếu là nguồn lợi thủy sản), công việc này lại liên quan trực tiếp đến các hộ nghèo, cuộc sống vốn gắn liền với nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Trong khi đó, tỉnh vẫn chưa có giải pháp, giúp những hộ dân này chuyển sang ngành nghề khác ổn định và bền vững hơn.

Từ những khó khăn trên, Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã yêu cầu các ngành, các cấp của địa phương xác định được hiện trạng và nhu cầu cấp thiết của đơn vị mình, để đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm giúp cho công tác quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh Bến Tre được hiệu quả hơn. Có 9 giải pháp thực hiện như sau: Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH; Xây dựng mô hình phát triển kinh tế xã hội bền vững; Bảo tồn ĐDSH ứng phó với BĐKH; Nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ ĐDSH; Hoàn thiện hệ thống pháp lý cho bảo tồn ĐDSH; Xây dựng chế tài, xử lý về mặt hình sự trong bảo tồn ĐDSH; Tăng cường nguồn lực tài chính trong bảo tồn ĐDSH; Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong bảo tồn ĐDSH; Tổ chức và phân công thực hiện quy hoạch.

 

Để bảo tồn và phát triển ĐDSH, một trong những biện pháp cấp bách hiện nay là tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng. Điều này không thể tách rời vai trò của chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo vệ các vùng đất ngập nước - nơi có hệ sinh thái ĐDSH rất phong phú. Cần khuyến khích người dân cùng tham gia xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ ĐDSH, tham gia và chia sẻ lợi ích từ các nguồn lợi về du lịch sinh thái, các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các ngành và địa phương, nhất là các địa phương có khu bảo tồn cần cam kết thực hiện bảo tồn và phát triển ĐDSH, tìm ra giải pháp cũng như định hướng phát triển.

Đoàn Văn Phúc

Sở TN&MT Bến Tre

Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013

 

Ý kiến của bạn