Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Bảo vệ môi trường tự nhiên - Giải pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quân sự

15/09/2015

     Ngày nay, môi trường tự nhiên luôn gắn liền với duy trì và phát triển các hoạt động quân sự. Giải quyết tốt vấn đề phát triển kinh tế với BVMT không chỉ là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mà còn có vai trò sống còn trong hoạt động quân sự hiện nay. Phạm vi hoạt động của quân đội rộng lớn: đất liền, trên không, biển, sông, biên giới, hải đảo với rất nhiều các quân, binh chủng khác nhau, nhưng tất cả đều không thể tách khỏi môi trường tự nhiên. Ví dụ, hoạt động đào hầm hào công sự, người chiến sĩ cần phải dựa vào đặc điểm của địa hình, của chất đất tại nơi đó để quyết định về chiều sâu, chiều dài, phương hướng của công sự. Hay như người lính hải quân phải nắm rõ những nét riêng của vùng nước, từng đợt thủy triều lên xuống, khu vực nước nông sâu... để thuận tiện trong quá trình chiến đấu, tránh nguy hiểm tới tính mạng. Một người chiến sĩ đặc công với nghệ thuận hóa trang tài tình, lẫn vào trong nước, trong đám lá, đám cỏ khô... khi đó chính môi trường (đất, nước) giống như tấm áo bảo vệ, che chở các anh…       Tuy nhiên, hiện tình trạng suy thoái về môi trường tự nhiên đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Khai thác, chặt phá rừng một cách bừa bãi, đặc biệt là khu vực rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh đã làm cho mật độ che phủ rừng giảm sút; sự thờ ơ của các cơ quan chức năng, thiếu trách nhiệm của những người sản xuất kinh doanh làm cho chất thải nguy hại của các nhà máy, xí nghiệp chưa qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường; chất thải sinh hoạt của người dân; khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế không đi cùng với bảo vệ và phát triển bền vững…      Bên cạnh đó, hậu quả của chiến tranh để lại trên đất nước ta nặng nề. Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ năm 1961 -1971 quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít hóa chất hóa học xuống các làng, thôn, bản Việt Nam. Dẫn tới môi trường sinh thái bị mất cân bằng, lượng nước ngọt dự trữ trong lòng đất bị suy giảm; biến đổi khí hậu diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó lường. Môi trường tự nhiên bị tàn phá, hủy hoại làm hiện tượng lũ lụt, hạn hán, xói mòn đất… không ngừng gia tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhân dân mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hành chiến đấu.       Từ thực trạng đó, hơn lúc nào hết, BVMT tự nhiên là đòi hỏi tất yếu khách quan, vừa có tính thời sự cấp thiết và tính chiến lược lâu dài. BVMT tự nhiên không phải là trách nhiệm riêng của một tổ chức hay cá nhân, mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, của toàn xã hội. Quân đội nhân dân Việt Nam với chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” sẽ là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ, phát triển môi trường tự nhiên. Để làm được điều đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:      Nâng cao nhận thức cho cán bộ chiến sĩ về vai trò quan trọng của môi trường tự nhiên      Hiện nay, một số đơn vị, cá nhân vẫn còn tồn tại quan niệm xem vấn đề BVMT là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của các cơ quan chuyên trách chứ không phải là trách nhiệm của bản thân mình. Từ đó thờ ơ, vô cảm với những hành vi hủy hoại môi trường đang diễn ra xung quanh chúng ta hàng ngày, hàng giờ.      Do vậy, thông qua giáo dục chính trị, sinh hoạt, học tập và các hoạt động của đơn vị (như tọa đàm, hội thi, phim ảnh...) cần giáo dục cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ thấy rõ vai trò quan trọng của môi trường tự nhiên đối với đời sống xã hội nói chung và hoạt động quân sự nói riêng. Phải xem việc BVMT là quyền lợi thiết thân của mình và toàn xã hội. Từ đó, giúp cho quân nhân có những việc làm, hành động thiết thực trong BVMT.      Đẩy mạnh xây dựng môi trường Xanh - Sạch - Đẹp trong và ngoài đơn vị      BVMT không phải chỉ quan tâm đến những vấn đề ở phạm vi vĩ mô: Biến đổi khí hậu toàn cầu, hiệu ứng nhà kính, cạn kiệt nguồn tài nguyên quốc gia… mà còn bao hàm những vấn đề như: BVMT sống xung quanh chúng ta.        Đối với quân đội, đó là việc xây dựng cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp cả trong và ngoài đơn vị bằng các việc làm cụ thể như: Chăm sóc cảnh quan môi trường, tu bổ vườn hoa, cây cảnh; Thường xuyên tổng dọn vệ sinh trong và ngoài đơn vị, phòng chống các loại dịch bệnh theo mùa; Đẩy mạnh việc tăng gia sản xuất, một mặt cung cấp rau xanh, thịt, cá để nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội, mặt khác, tận dụng và xử lý được lượng chất thải trong sinh hoạt và chăn nuôi góp phần làm cho môi trường sạch hơn; Phát huy hiệu quả khu vực "vườn hoa thanh niên" để làm nơi vui chơi…      Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân trong BVMT và tài nguyên thiên nhiên      Cùng với các lực lượng chức năng, phối hớp với chính quyền và nhân dân địa phương phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý có hiệu quả các hiện tượng: Khai thác, chặt phá rừng một cách bừa bãi; săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, động vật quý hiếm; canh tác du canh, du cư; khai thác tài nguyên khoáng sản bất hợp pháp (khai thác vàng, kim loại đen, than, cát ở ven sông…); các tổ chức sản xuất kinh doanh xả chất thải gây ô nhiễm môi trường.      Tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”; Tuyên truyền vận động và cùng nhân dân tham gia các dự án phát triển kinh tế, BVMT: Xây dựng giao thông nông thôn, các dự án cung cấp nước sạch, xử lý chất thải ở khu dân cư…      Phát huy vai trò xung kích của Đoàn viên thanh niên quân đội trong BVMT sống của chúng ta      Thanh niên quân đội là lực lượng hùng hậu của thanh niên Việt Nam. Do đó, không chỉ xung kích trên các mặt học tập công tác gắn với đặc thù của môi trường quân sự, mà còn phải xung kích trên tất cả các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong đó có vấn đề BVMT.      Trước hết, thanh niên quân đội cần nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong BVMT - vấn đề chung của cả nhân loại. Từ nhận thức đi đến việc làm cụ thể là bảo vệ cảnh quan môi trường, nơi ăn, nghỉ học tập, huấn luyện hàng ngày. Mặt khác, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, viết bài tuyên truyền vận động nhân dân cùng thực hiện tốt BVMT; tham gia vệ sinh môi trường, làm sạch, phát quang đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trước tiên và thiết thực nhất là Phong trào “Mùa xuân là tết trồng cây” của Bác.      Phối hợp với các cơ quan chức năng khắc phục hậu quả của chiến tranh để lại đối với vấn đề môi trường      Để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, Bộ Quốc Phòng là lực lượng nòng cốt trong đó lực lượng công binh đóng vai trò chủ đạo, đã tích cực tham gia triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong chương trình rà phá bom mìn nhân đạo. Hiện nay, trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh) phối hợp cùng Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam thực hiện Dự án “Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh tại sáu tỉnh miền trung gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi đạt hiệu quả cao”. Thông qua thực hiện dự án, đã tiến hành rà phá bom mìn, vật nổ trên 1.385 ha phục vụ phát triển kinh tế, dân sinh ở các địa phương; thực hiện thành công hai dự án rà phá bom mìn, vật nổ trên 42 ha phục vụ an sinh, phát triển kinh tế - xã hội của hai xã: Hải Lệ (Quảng Trị) và Nghi Ân (Nghệ An). Hiện tại, các đơn vị công binh Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... đã và đang phối hợp các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, triển khai dự án rà phá bom mìn, vật nổ nhân đạo tại địa phương.      Đồng thời, cùng với nhân dân cả nước bằng các việc làm cụ thể như: thành lập Quỹ khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại, Quỹ vì nạn nhân chất độc da cam, thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ phát triển kinh tế… góp phần giảm bớt gánh nặng về gia đình với các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã bị nhiễm chất độc dam cam, mà hiện nay đang bị ảnh hưởng đến thế hệ thứ ba của họ.      Chiến tranh để lại hậu quả với đời sống xã hội và môi trường sinh thái. Do đó, mỗi quân nhân cần phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong học tập công tác, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm chắc tính năng kỹ chiến thuật của các loại vũ khí trang bị, cũng như âm mưu thủ đoạn của kẻ thù góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong tình hình mới. Đó là biện pháp “cách mạng” và “khoa học” nhất để ngăn ngừa, đẩy lùi chiến tranh, bảo vệ đất nước.   Th.S Hoàng Thị Kim Ngọc, Lê Sỹ Cương Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014  
Ý kiến của bạn