Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững

01/07/2015

   Hiện nay, du lịch là một trong những ngành có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch đã gây ra những hệ lụy đến môi trường.

   Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 1995, tổng lượng chất thải rắn từ hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước ước khoảng 11.388 tấn; năm 2000 là 19.146 tấn thì đến năm 2008 con số đó đã tăng lên khoảng 32.273 tấn và dao động gần 50.000 tấn từ năm 2010 - 2012. Tổng lượng chất thải lỏng tương ứng qua các năm 1995, 2000, 2008 là 1.775.394 m3; 2.971.852 m3 và 4.817.000 m3. Như vậy, cùng với sự gia tăng về lưu lượng khách thì các chất thải từ hoạt động du lịch ngày một tăng nhanh trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở các trung tâm du lịch. Đối với một số đô thị du lịch như Hà Nội, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh… áp lực này càng lớn, cao điểm là vào mùa du lịch hoặc thời điểm tổ chức lễ hội; Các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

   Mặt khác, vào các kỳ nghỉ lễ kéo dài, sự quá tải của du khách đã ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái khu du lịch và làm tăng mức độ suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngầm, đặc biệt là khu ven biển. Do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của khách du lịch tăng nhanh đã góp phần làm giảm trữ lượng và tăng khả năng ô nhiễm các nguồn nước mặt. Năm 1995, nhu cầu nước sinh hoạt của khách du lịch là 2.219.243 m3, năm 2000 là 5.714.815 m3, đến năm 2008 nhu cầu này đã tăng lên trên 18.000.000 m3 và những năm gần đây đã lên tới trên 20.000.000 m3. Việc khai thác nước phục vụ nhu cầu du lịch được khai thác từ nguồn nước ngầm, tập trung chủ yếu ở vùng ven biển, nơi có tới trên 80% các điểm du lịch trong toàn quốc. Vì vậy, trong điều kiện chưa có khả năng điều tra mở rộng các nguồn nước ngầm mới, đồng thời tăng nhanh nhu cầu nước sinh hoạt cho hoạt động du lịch sẽ góp phần làm tăng mức độ suy thoái, ô nhiễm các nguồn nước ngầm hiện đang khai thác, nhất là ở vùng ven biển do khả năng xâm nhập mặn cao, áp lực các bể chứa giảm mạnh vì khai thác quá mức cho phép.

Môi trường là yếu tố quyết định sự tồn tại của ngành du lịch

   Không những thế, hoạt động du lịch làm tăng lượng khí thải, tăng nguy cơ ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các đô thị du lịch. Theo số liệu thống kê, năm 2008, cả nước có trên 207.000 phòng khách sạn (chưa kể số phòng nhà khách, nhà nghỉ), tăng gần gấp 3 lần so với năm 2000, tập trung tới trên 70% ở các đô thị du lịch. Nếu chỉ tính đến tác động của các thiết bị điều hòa nhiệt độ dùng trong hệ thống khách sạn du lịch thì lượng khí CFCs (loại khí thải chính ảnh hưởng đến tầng ôzôn của khí quyển) thải ra cũng có tác động không nhỏ đến môi trường. Đến năm 2010 đã có gần 10.000 phương tiện vận chuyển khách du lịch (chưa kể các phương tiện tư nhân). Vào mùa du lịch, nhất là các ngày lễ hội, cuối tuần, lượng xe du lịch tập trung chuyên chở khách đến các trung tâm đô thị du lịch gây ách tắc giao thông và làm tăng lượng khí thải CO2 vào môi trường.

   Nhiều cảnh quan đặc sắc, hệ sinh thái nhạy cảm ở vùng ven biển, hải đảo và các khu bảo tồn tự nhiên, vườn quốc gia (VQG) bị thay đổi hoặc suy giảm cùng với việc phát triển các khu du lịch mới như đảo Cát Bà, Tuần Châu, Hạ Long… Bên cạnh đó, một số loài sinh vật hoang dã quý, hiếm như san hô, đồi mồi… bị săn bắt để phục vụ nhu cầu ẩm thực, làm quà lưu niệm, buôn bán mẫu vật... đe dọa đến đa dạng sinh học. Không những thế, chu trình sống (di trú, kiếm ăn, mùa giao phối, sinh sản) của động vật hoang dã ở các khu bảo tồn thiên nhiên, VQG cũng bị tác động. Các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vốn rất nhạy cảm của cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực Sa Pa (Lào Cai), Bản Đôn (Tây Nguyên)… dễ bị biến đổi do xu hướng hội nhập và thị trường hóa hoặc sự tiếp thu thiếu chọn lọc những nét văn hóa mới khi tiếp xúc thường xuyên với khách du lịch. Một dạng áp lực đặc biệt của hoạt động du lịch đến môi trường là sự lây truyền dịch bệnh đến cộng đồng như dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS), cúm H5N1…

   Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do chưa có cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về môi trường ngành du lịch; Chưa có nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và hệ thống về môi trường du lịch Việt Nam làm căn cứ đề ra các giải pháp khai thác hợp lý tài nguyên, đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch bền vững nên công tác quản lý, khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường du lịch mới chỉ thực hiện ở mức độ nghiên cứu, đề xuất giải pháp chung; Chưa xây dựng, ban hành hướng dẫn về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch. Đặc biệt, mối quan hệ liên ngành trong công tác quản lý môi trường với Bộ TN&MT còn thiếu chặt chẽ.

   Trong thời gian tới, để hướng tới phát triển du lịch bền vững, mỗi người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương nơi có hoạt động du lịch cần tiếp tục nâng cao ý thức BVMT; Hoàn thiện công tác quy hoạch BVMT; Đầu tư, nâng cấp công cụ, thiết bị nhằm BVMT trong hoạt động du lịch thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân, du khách tham gia BVMT; Xây dựng mô hình Nhà nước và cộng đồng tham gia BVMT, điển hình như TP. Hạ Long, Đà Nẵng được công nhận danh hiệu Thành phố bền vững về môi trường. Bên cạnh đó, kiên quyết áp dụng các biện pháp đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động du lịch có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT như rút Giấy phép kinh doanh và phạt hành chính, yêu cầu khắc phục ô nhiễm môi trường; Thành lập cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về BVMT ngành du lịch; Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ BVMT du lịch…

   Bộ TN&MT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về công tác BVMT, cần tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nhất là thẩm định cam kết hoặc đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt, sớm xây dựng tiêu chuẩn xét tặng, công nhận các danh hiệu thân thiện môi trường, thương hiệu BVMT trong hoạt động du lịch bền vững và môi trường Xanh - Sạch - Đẹp 

Trương Văn Đạt - Phó Vụ trưởng

Phạm Ngọc Bách

Vụ Thi đua, khen thưởng, Bộ TN&MT

(Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 6/2015)

Ý kiến của bạn