Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Bảo vệ “lá phổi xanh” cho thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai

25/02/2016

 

     TP.Biên Hòa hiện có trên 1,2 triệu dân sinh sống tại 30 phường, xã. Trong những năm qua, Biên Hòa phát triển mạnh mọi mặt, nhất là về lĩnh vực công nghiệp với 6 khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Tuy nhiên, Biên Hòa cũng phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi.  Đó là tình trạng khói bụi, khí thải trong các khu công nghiệp và xe cộ đông đúc đi lại hàng ngày. Vì thế, rừng Biên Hòa có thể được xem là “phao cứu sinh” cho vấn đề môi sinh, môi trường.

 

Công nhân Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa đang chăm sóc vườn cây giống

 

     Phải nói rằng, mặt bằng chung của TP.Biên Hòa đang thiếu nhiều mảng xanh. Chính vì vậy, khi đầu tư phát triển các dự án, khu công nghiệp, UBND tỉnh Đồng Nai đều chỉ đạo nhà đầu tư dành một diện tích nhất định để trồng cây xanh nhằm hạn chế bớt lượng khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất; đồng thời xây dựng thêm công viên cây xanh tại một số địa phương nhằm giảm mức độ ô nhiễm do khí thải của các phương tiện giao thông thải ra mỗi ngày. Điều này cho thấy, vốn rừng ở Biên Hòa là tài sản quý cần được bảo vệ. Lợi thế Biên Hòa hiện nay là đang lập quy hoạch chung đến năm 2030 tầm nhìn 2050, trong đó có gắn với quy hoạch không gian sinh thái xanh.

     Không được đánh giá cao về mảng cây xanh trong nội ô nhưng bù lại, TP.Biên Hòa lại có một khu vực xanh rất quan trọng, đó là rừng thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa quản lý. Đây được xem là “lá phổi xanh” của thành phố công nghiệp Biên Hòa.

     Khu rừng ở Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa nằm cách nội ô TP.Biên Hòa chừng 10km về hướng Bắc. Đây là khu rừng trồng rộng hơn 250 hécta hình thành cách nay hơn 30 năm. Cánh rừng này nằm giáp ranh với các phường, xã: Tân Biên, Tân Hòa, Trảng Dài, Long Bình (TP.Biên Hòa), Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Sau năm 1975, khu vực này hầu hết là đất trống đồi núi trọc. Năm 1982, UBND tỉnh chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc nên đã thành lập Trạm trồng rừng Biên Hòa, sau này đổi thành Lâm trường Biên Hòa với chức năng trồng và kinh doanh gỗ, chủ yếu là cây tràm bông vàng. Từ đây Trung tâm Lâm nghiệp Biên Hòa được hình thành với chức năng, nhiệm vụ nặng nề hơn khi từng bước thay thế dần các khu rừng tràm bằng các loại cây gỗ quý. Qua hàng chục năm trồng và chăm sóc, đến nay rừng Biên Hòa rất phong phú về các loại cây với hướng phát triển mô phỏng của rừng tự nhiên nhiều tầng tán với trên 200 loài cây khác nhau cùng 1 vườn sưu tập hơn 300 loài cây đại diện cho các miền của đất nước...

     Chủ trương của lãnh đạo tỉnh và thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện các dự án đầu tư để tạo nơi đây thành rừng phòng hộ môi trường cảnh quan cho thành phố, đồng thời còn phát triển thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, sắp xếp, ổn định lại các khu vực dân cư đang sinh sống rải rác trong rừng. Ngoài ra, từng bước sẽ tiến hành khai thác hiệu quả nhiều mặt từ vốn rừng để góp phần làm cho đô thị loại I Biên Hòa càng thêm khởi sắc.

 

Trần Hương

Ý kiến của bạn