Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Báo động môi trường sống ô nhiễm

15/09/2015

     Việc bùng phát dịch tả tại huyện Bình Chánh, TPHCM không phải là câu chuyện mới. Trước đây, tại khu vực các quận 5, 6 và 8 đã nhiều lần bùng phát các loại bệnh dịch như tả, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tay chân miệng… Điều đáng nói là giữa các quận, huyện này lại có chung một nguyên nhân là hệ thống kênh rạch chằng chịt và đang bị ô nhiễm nặng.   Đống rác đủ loại nằm bên đường Nguyễn Văn Linh, đoạn qua huyện Bình Chánh        Dịch bệnh từ nguồn nước ô nhiễm      Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân bày tỏ bức xúc khi cho rằng môi trường sống của họ đang bị ô nhiễm, kéo theo hệ quả là hàng loạt người dân tại đây bị mắc nhiều chứng bệnh, trong đó có dịch tả.      Bác Trần Thanh Hoàng, ngụ quốc lộ 50, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh cho biết, từ nhiều năm nay, địa bàn xã đã biến thành nơi tập trung đủ thứ ô nhiễm. Trước tiên là bùn thải. Không biết là loại bùn gì nhưng cứ thấy xe chở vào đổ tràn những bãi đất trống. Gần đây, khi người dân lo ngại chất thải có thể gây ô nhiễm môi trường sống nên tự tổ chức canh gác thì họ lại đổ tràn hai bên vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh.      Khảo sát thực tế tại xã Đa Phước huyện Bình Chánh, dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh không chỉ phát sinh những núi bùn thải mà còn có vô số đống rác thải, bốc mùi hôi thối kinh khủng. Thời gian qua trên địa bàn TP xuất hiện mưa nhiều dẫn đến tình trạng nước rỉ phát sinh từ những bãi rác này tràn xuống hệ thống ao tù, kênh rạch khu vực lân cận.      Chưa hết, trên bề mặt ao tù và kênh rạch quanh khu vực này cũng bị lấp đầy rác. Người dân cho biết, đã từ lâu, khu vực này bị biến thành nơi tập kết rác tự phát. Mỗi ngày có rất nhiều xe chở rác từ nơi khác đổ bừa tại đây. Họ thường chọn thời điểm đêm khuya, vắng người để đổ rác. Người dân cũng đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng tình trạng này không thuyên giảm.      Điều đáng nói là tại khu vực này phần lớn hộ gia đình không được cung cấp nước sạch. Họ sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt. Nguồn nước bẩn từ kênh rạch, ao hồ và nước rỉ rác thẩm thấu vào nguồn nước ngầm - dẫn đến ô nhiễm nguồn nước giếng khoan, cũng là nước sinh hoạt của người dân. Hệ quả là hàng loạt dịch bệnh phát sinh. Trong đó, điển hình nhất là dịch bệnh tả đang hoành hành tại đây.      Giáo sư Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, lý giải thêm, có đến 88% trường hợp tiêu chảy là do thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường kém. Bởi ô nhiễm nước làm thay đổi thành phần và chất lượng nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép và có ảnh hưởng xấu đến đời sống con người và sinh vật. Ngoài dịch bệnh tiêu chảy đang bùng phát tại huyện Bình Chánh, ô nhiễm nguồn nước còn gây nhiều bệnh khác như thương hàn, viêm gan A, giun sán, bệnh nhiễm độc chì, arsen, thủy ngân… do tiếp xúc trực tiếp các chất hóa học, phóng xạ có từ nước thải công nghiệp. Các bệnh này gây suy dinh dưỡng, làm thiếu máu, thiếu sắt, cơ thể kém phát triển, có thể dẫn tới tử vong, nhất là ở trẻ em.      Thiếu tiền xử lý rác kênh rạch?      Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân khiến cho môi trường sống của người dân huyện Bình Chánh bị ô nhiễm, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, việc để rác đổ tràn theo hệ thống vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của người dân, thì lỗi trước hết là chính quyền địa phương. Hiện UBND TP đã có công văn phân quyền quản lý chất lượng vệ sinh môi trường trong đó có việc thu gom, vận chuyển rác cho quận huyện.      Vậy nên, để nhiều núi rác phát sinh trên địa bàn quận huyện nào, quận huyện đó phải chịu trách nhiệm. Còn về việc xử lý rác trên kênh rạch thì đã lâu TP không cấp kinh phí để duy trì hoạt động này, ngoại trừ một số tuyến kênh đặc biệt như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm và Tàu Hủ - Bến Nghé.      Tiếp tục tìm đến Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị TPHCM để tìm hiểu về hoạt động xử lý rác kênh rạch, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc công ty, cho biết, công ty chỉ làm những tuyến kênh rạch nào TP giao. Hiện công ty đang chịu trách nhiệm vớt rác tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé. Hơn nữa, tần suất vớt cũng chỉ thực hiện 2 ngày/lần và trên đoạn kênh nhất định. Còn những tuyến kênh rạch khác thì gần như không được trục vớt rác.      Gần đây, nhiều tuyến kênh rạch TP bị đặc rác, nhất là tuyến kênh rạch khu vực quận 6. Lãnh đạo quận đã liên hệ để công ty hỗ trợ vớt. Tuy nhiên, do cơ chế chi trả cho hoạt động này không rõ nên dù công ty đã hỗ trợ cải tạo 1/2 tuyến kênh nhưng cho đến nay vẫn không được nghiệm thu và thanh toán cho hạng mục công trình thi công. Do vậy, công ty đành phải ngưng hoạt động hỗ trợ vớt rác trên kênh rạch cho các quận, huyện.      Còn với vấn nạn ô nhiễm rác khu vực vỉa hè thì do nhiều quận, huyện chỉ khoán cho các công ty công ích quét và thu gom rác trên diện tích mặt đường chứ không quét và gom rác trên hệ thống vỉa hè. Hệ quả là rác vẫn tràn ngập các tuyến đường của TP dù công nhân vệ sinh đã thực hiện quét và dọn vệ sinh.      Xem ra, với những bất cập và cách làm thiếu đồng bộ như hiện nay, người dân các quận, huyện vùng ven sẽ còn phải đối mặt với hàng loạt dịch bệnh khác.   Theo sggp.org.vn  
Ý kiến của bạn