Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Bài học bảo vệ môi trường sông Rhine thành công nhờ sức mạnh hợp tác xuyên biên giới

03/07/2015

   Việc BVMT các con sông chỉ đạt được hiệu quả khi có sự đồng lòng và nỗ lực của tất cả địa phương, quốc gia nơi con sông chảy qua. Bài học về sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong lưu vực sông (LVS) Rhine để cải thiện và phục hồi chất lượng nước sông là một điển hình cho thấy sức mạnh đoàn kết của các quốc gia trong việc chung tay, góp sức BVMT, góp phần làm hồi sinh những dòng sông “chết”.

Nhờ sự tham gia đồng bộ, nhất quán của các quốc gia trong lưu vực, dòng sông Rhine đã được “hồi sinh”

   Thực trạng môi trường sông Rhine

   Sông Rhine là một trong những con sông lớn và quan trọng nhất châu Âu, là tuyến đường thủy huyết mạch của khu vực Tây Âu, góp phần phát triển kinh tế của những nước có dòng sông chảy qua. Con sông bắt nguồn từ dãy Alps ở Thụy Sĩ, rồi chảy qua Pháp, Đức và Hà Lan để đến Biển Bắc, với tổng chiều dài khoảng 1.320 km. LVS Rhine có diện tích khoảng 185.000 km², bao gồm 9 nước: Áo, Bỉ, Pháp, Đức, Italia, Liechtenstein, Luxembourg, Hà Lan và Thụy Sĩ.

   Do tầm quan trọng của sông Rhine trong giao thông, công nghiệp, cung cấp nước và du lịch, dòng sông đã bị khai thác nghiêm trọng trong quá khứ. Không chỉ vậy, trong những năm 1950 - 1970, với sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ của các nước trong LVS làm cho nguồn nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm hóa chất, kim loại và các hợp chất hữu cơ, làm suy giảm các loài thủy sinh, tác động lớn đến cuộc sống người dân các nước trong lưu vực. Tại các quốc gia hạ lưu, nhất là Hà Lan, nồng độ clorua trong nước sông cao do chất thải từ các mỏ khai thác kali ở các nước trong vùng thượng lưu thải xuống. Đặc biệt, vấn đề còn trầm trọng thêm khi thảm họa cháy Nhà máy hóa chất của Công ty Sandoz gần TP. Basel (Thụy Sĩ) vào tháng 11/1986, làm tràn 30 tấn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, thuốc nhuộm hóa học độc hại ra sông Rhine, ảnh hưởng tới hơn 400 km sông, khoảng 500.000 tấn thủy sản bị chết. Đây là một trong những sự cố môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử châu Âu.

   Chất lượng nước sông Rhine bị suy thoái do chất thải nông nghiệp và công nghiệp lần đầu tiên được Ủy ban Salmon lên tiếng cảnh báo. Ủy ban này được thành lập vào năm 1885 nhằm mục đích bảo vệ cá hồi trên sông Rhine, với sự tham gia của các nước Hà Lan, Thụy Sĩ và Đức. Trong các kỳ họp vào các năm 1922, 1928 và 1933, các thành viên của Ủy ban đã cùng nhau thảo luận về chất lượng nước và ô nhiễm clo trong nước, trong đó, Hà Lan là nước lên tiếng mạnh mẽ nhất.

   Tuy nhiên, vấn đề đó không được các nước thượng lưu quan tâm, đồng thời, đây cũng là thời gian châu Âu trải qua một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài. Chỉ từ sau năm 1950, vấn đề BVMT nước sông Rhine mới được quan tâm nhiều hơn khi có sự ra đời của Ủy ban Quốc tế Bảo vệ các sông Rhine (ICPR), bao gồm Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Luxembourg, Hà Lan và năm 1976, có thêm Cộng đồng Kinh tế châu Âu gia nhập.

   ICPR được thành lập nhằm thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới và kiểm soát lượng ô nhiễm thải ra sông Rhine. Tuy nhiên, lúc ban đầu, hoạt động của ICPR chỉ tập trung vào nghiên cứu các nội dung trên, sau đó, vào năm 1963, ICPR đã bổ sung một số nội dung theo Hiệp ước Berne, trong đó có đề xuất giải pháp ngăn ngừa, BVMT sông Rhine và chuẩn bị các hiệp định tương lai liên quan đến kiểm soát ô nhiễm sông Rhine. Sau đó, ICPR đã tiến hành một nghiên cứu cho thấy, các mỏ kali tại Pháp, Đức đóng góp 1/3 lượng clorua làm ô nhiễm sông, ảnh hưởng đến chất lượng nước ở Hà Lan, quốc gia nằm ở hạ lưu con sông. Tại Hội nghị Bộ trưởng Rhine đầu tiên vào năm 1972, một thỏa thuận về ô nhiễm clorua giữa các nước Pháp, Đức và Hà Lan đã được thông qua và tất cả các nước đều phải đóng góp chi phí để khắc phục tình trạng ô nhiễm clorua trong nước sông Rhine. Sau 4 năm, Công ước về kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm clorua trên sông Rhine đã được ký kết vào năm 1976. Theo Công ước này, đến tháng 1/1980, Pháp phải giảm 60% lượng khí thải clorua.

   Hợp tác xuyên biên giới trong quản lý môi trường nước sông Rhine

   Từ năm 1976 - 1986, tất cả các quốc gia thành viên ICPR đều đã triển khai nhiều biện pháp BVMT, nhưng sông Rhine vẫn ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ đến năm 1986, khi xảy ra thảm họa của Nhà máy Sandoz, trước áp lực của dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông buộc ICPR tổ chức cuộc họp khẩn cấp để giải quyết bồi thường thiệt hại cho người dân trong lưu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm hóa chất của nhà máy. Kết thúc cuộc họp, Bộ Giao thông, Công trình công cộng và quản lý nước của Hà Lan đã thuê một nhóm tư vấn để giúp ICPR xây dựng kế hoạch hành động, với yêu cầu phải xác định được các chất gây ô nhiễm nhiều nhất và nghiêm trọng nhất để ưu tiên xử lý trong quá trình làm sạch sông Rhine. Các chất trong danh sách này sẽ bị cấm sử dụng và đến năm 2000, phải cải thiện chất lượng nước sông Rhine để cá hồi có thể “hồi sinh”, cá hồi là một loài cực kỳ nhạy cảm với ô nhiễm nguồn nước.

   Vào năm 1987, Kế hoạch đã được thông qua với tên gọi là Chương trình hành động Rhine, có sự cam kết mạnh mẽ của các quốc gia trên toàn LVS nhằm hợp tác ngăn ngừa, kiểm soát, cải tạo và phục hồi môi trường nước sông. Mục tiêu tổng thể của Chương trình là cải thiện chất lượng nước với các nội dung sau: Đến năm 2000, làm hồi sinh những loài thủy sinh có giá trị dinh dưỡng cao, điển hình là cá hồi; Đảm bảo môi trường nước sông Rhine như một nguồn nước uống; Giảm ô nhiễm trầm tích, chất lơ lửng và các hợp chất độc hại; Đáp ứng những tiêu chuẩn về chất lượng nước được quy định trong Kế hoạch hành động Biển Bắc; Thực hiện Quy hoạch tổng thể sinh thái của sông Rhine.

   Xét trên góc độ bảo tồn hệ sinh thái, Kế hoạch này có 2 mục tiêu chính: Khôi phục các nhánh sông chính để đảm bảo môi trường sống cho cá di cư; Cải thiện và bảo vệ các vùng sinh thái quan trọng của sông Rhine cũng như các thung lũng Rhine, tập trung vào việc tăng cường đa dạng sinh học của hệ thực vật bản địa và động vật.

   Những năm đầu, Chương trình tập trung hoàn toàn vào việc cải thiện chất lượng nước sông. Các nước trong lưu vực đã nhất trí về việc giảm 50% hóa chất độc hại trong nước sông gồm cadmium, thủy ngân, chì và dioxin… Bên cạnh đó, Chương trình đã triển khai nhiều hoạt động như thắt chặt các chỉ tiêu an toàn tại những nhà máy công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải trong LVS; giảm thải tại nguồn điểm; gia cố đê bao ven sông bằng đá lớn; trồng thực vật; áp dụng công nghệ sinh học; triển khai các dự án phục hồi từng đoạn sông, khu vực cụ thể dọc sông Rhinem. Tại các nước Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Áo, Liechtenstein, Luxembourg và Hà Lan đều thiết lập dự án quản lý và phục hồi chức năng địa phương với sự cam kết của các nhóm lợi ích ở cấp quốc tế, quốc gia và khu vực. Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ 40 tỷ Euro để giúp các nhà máy xử lý nước thải trong vùng nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Đến năm 1992, một số khảo sát cho thấy, các chỉ tiêu về tổng phốt pho, nitơ, cadmium và nhiều chất khác đã giảm gần 50%.

   Với những nỗ lực phục hồi chức năng sinh thái dòng sông của các nước trong LVS Rhine, chất lượng nước đã được cải thiện rõ rệt qua sự phát triển của một số loài thực vật phù du, cây ngập nước, các loài động vật thân mềm như đỉa, giun dẹp và một số loài giáp xác khác. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về nitơ, kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật không đạt được mục tiêu đề ra của ICPR, nhưng các hợp chất này sẽ tiếp tục được theo dõi thông qua các hiệp ước mới cho đến năm 2020.

   Sau khi Chương trình kết thúc, vào năm 2000, Hiệp định "Rhine năm 2020" và Chỉ thị về nước của Liên minh châu Âu (EU) đã được thông qua để tiếp tục kiểm soát chất lượng nước và phục hồi hệ sinh thái sông Rhine. Chỉ thị về nước của EU đã được đưa vào Kế hoạch quản lý nguồn nước LVS Rhine, trong đó củng cố cam kết của các quốc gia thành viên để bảo vệ và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên: đất, nước mặt, vùng nước ven biển và các cửa sông, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nước trong 15 năm tới. Bên cạnh đó, Công ước về Bảo vệ sông Rhine ra đời vào năm 1999, tạo cơ sở cho việc hình thành Chương trình "Phát triển bền vững sông Rhine” được gọi là Rhine 2020. Các nước Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Luxembourg và Hà Lan đã nhất trí về sáng kiến này và sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác để BVMT sông Rhine trong tương lai.

   Tương tự như Chương trình hành động Rhine, Rhine 2020 cũng tập trung vào việc cải thiện chất lượng nước và phục hồi hệ sinh thái của dòng sông, đồng thời mở rộng thêm nội dung phòng ngừa và bảo vệ nước ngầm. Đặc biệt, cả 2 Chương trình đều huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan vào công tác xây dựng các chính sách làm sạch sông Rhine, bao gồm các nước thành viên, chính quyền khu vực, địa phương, cơ quan thực thi pháp luật, tổ chức phi chính phủ (NGO), nhóm môi trường, người sử dụng nước và đưa ra những khuyến nghị để quản lý hệ sinh thái toàn diện hơn.

   Nhờ sự tham gia đồng bộ, nhất quán của các quốc gia liên quan dưới một ngọn cờ chung là ICPR, dòng sông Rhine đã được “hồi sinh”, cá hồi đã xuất hiện trở lại. Hiện nay, chất lượng nước sông được theo dõi và kiểm tra thường xuyên, để đảm bảo không có nguy cơ nào có thể gây ô nhiễm nước sông. Rõ ràng, sự thành công trong công tác cải tạo và phục hồi môi trường nước LVS Rhine là một minh chứng cho thấy hiệu quả của việc hợp tác xuyên biên giới để bảo vệ nguồn nước LVS.

Phương Tâm
(Theo waterdiplomacy)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 6/2015)

Ý kiến của bạn