Banner trang chủ
Thứ Hai, ngày 25/11/2024

Ứng dụng công nghệ xử lý môi trường trong khai thác mỏ của CHLB Ðức vào Việt Nam

15/09/2015

     Dự án nghiên cứu chung về khai thác mỏ và môi trường Việt Nam (RAME) là một trong những dự án nằm trong Chương trình hợp tác quốc tế về công nghệ và dịch vụ bền vững nhằm bảo vệ khí hậu, môi trường năm 2014 của Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Giáo dục - Nghiên cứu CHLB Đức (BMBF). Dự án RAME do BMBF tài trợ, được triển khai thí điểm tại Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) từ tháng 9/2005 - tháng 8/2014 và chuyển giao công nghệ vào tháng 6/2015, bước đầu đã có hiệu quả trong công tác BVMT mỏ. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Katrin Broemme - chuyên gia điều phối Dự án về vấn đề này.   TS. Katrin Broemme - chuyên gia điều phối Dự án RAME         Xin bà cho biết, những tác động về môi trường từ ngành khai thác mỏ ở Việt Nam?      TS. Katrin Broemme: Hoạt động khai thác mỏ ở Việt Nam đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh. Biểu hiện rõ nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên, tác động đến cảnh quan và sinh thái môi trường, tích tụ hoặc phát tán chất thải, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ gây ô nhiễm môi trường.      Nguyên nhân gây ô nhiễm chính là các nguồn nước thải từ mỏ khai thác lộ thiên và hầm lò; Nước thải từ những cụm sàng và nhà máy tuyển; Nước thải từ những khu sinh hoạt; Nước chảy trên bề mặt trong mỏ và trên bề mặt bãi thải. Các nguồn nước thải này sẽ ngấm vào môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, làm thay đổi chất lượng nước (nồng độ sắt và mangan, chỉ tiêu BOD5 và COD cao).      Tiếp theo, các nguồn phát thải bụi từ hoạt động khai thác mỏ (khoan, nổ mìn, bốc dỡ, vận chuyển đất, đá thải, quá trình sàng lọc) cũng gây tác động đến môi trường.      Thêm nữa, do hoạt động khai thác mỏ lộ thiên chiếm diện tích đất lớn nên gây ảnh hưởng đến tài nguyên đất và tài nguyên thiên nhiên, hệ thực vật và hệ động vật. Trong biên giới mỏ lộ thiên môi trường sống bị mất hoàn toàn. Môi trường sống xung quanh mỏ cũng bị ảnh hưởng do tiếng ồn, độ rung. Ngoài ra, các bãi đá thải còn gây nguy cơ sạt lở, xói mòn...      Bà có thể đánh giá một số kết quả đạt được của Dự án RAME?      TS. Katrin Broemme: Dự án RAME được triển khai tại Việt Nam từ năm 2005 đến 2014 và được gia hạn thêm thời gian đến tháng 6/2015, nhằm áp dụng kinh nghiệm BVMT trong lĩnh vực khai thác mỏ của CHLB Đức vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, nâng cao trình độ về quản lý môi trường, kiến thức về xử lý ô nhiễm môi trường trong khai thác mỏ. Dự án đã đạt được kết quả về xây dựng hệ thống thông tin quản lý môi trường; ổn định bãi thải; xử lý nước thải mỏ; giảm thiểu bụi; phủ thảm thực vật trên bãi thải; ứng dụng công nghệ đầm lầy nhân tạo để xử lý nước thải mỏ và quy hoạch sử dụng đất sau khai thác.      Dự án đã cung cấp hệ thông tin về môi trường cho đối tác của Dự án là Tập đoàn VINACOMIN, lập báo cáo mẫu về môi trường cho 1 năm thực hiện làm cơ sở cho những năm tiếp theo; Tổ chức 20 khóa đào tạo nâng cao năng lực quản lý môi trường cho khoảng 180 cán bộ VINACOMIN. Chương trình đào tạo được VINACOMIN đánh giá rất cao về hiệu quả cho việc nâng cao năng lực về quản lý môi trường.      Đồng thời, các chuyên gia của Dự án đã tiến hành khảo sát thực địa, thu thập dữ liệu và tiến hành phủ thảm thực vật trên bãi thải, san bằng sườn dốc, quản lý hệ thống thoát nước hiệu quả và tăng cường đổ thải các bãi thải mới theo lớp và sử dụng thêm các vật liệu như vôi hoặc tro trong quá trình đổ thải, giúp giảm đáng kể nước chảy tràn bề mặt và nước ngấm vào bãi thải gây ô nhiễm lâu dài.      Ngoài ra, Dự án đã thiết lập một khu vực trồng thử nghiệm trên bãi thải Chính Bắc (mỏ Núi Béo) để thử những phương pháp trồng cây và loài cây phù hợp.      Để xử lý nước thải (XLNT) mỏ, Dự án đã thiết kế một trạm XLNT tại mỏ hầm lò Vàng Danh với công suất 800 m³/h. Trạm được VINACOMIN đầu tư và xây dựng và lắp đặt, đưa vào vận hành từ năm 2012, đến nay Trạm hoạt động rất ổn định và đạt được các tiêu chuẩn môi trường.      Về giảm thiểu bụi, các chuyên gia của Dự án đã áp dụng những biện pháp giảm bụi (Tối ưu hóa hệ thống phun nước trên đường; Tăng cường xây dựng đường vận chuyển; Phun nước tại các khu sàng than; làm rào chắn gió và mái che tại các khu sàng than; Trồng cây, phủ thảm thực vật trên các vùng đất không sử dụng) lượng bụi đã giảm từ 56 tấn/ngày còn 28 tấn/ngày.        Hội nghị hợp tác về môi trường của VINACOMIN và RAME tại Quảng Ninh        Dự án đã xây dựng 1 đầm lầy nhân tạo tại khu vực Tràng Khê (huyện Đông Triều, Quảng Ninh), được thiết kế như một trạm xử lý sinh học thụ động với hai bước xử lý trong hai bể, bể nọ nối tiếp bể kia. Bể thứ nhất có hành lang nước chảy qua có chứa đá vôi được trải một lớp phân bón hỗn hợp lên trên. Bể thứ hai chứa sỏi lọc và trồng cây lên trên. Đầm lầy có quy mô thử nghiệm bán công nghiệp được thiết kế với lưu lượng 4,4 m3/h và được vận hành thành công từ năm 2011.      Dự kiến trong thời gian gia hạn từ tháng 8/2014 - 6/2015, nhiệm vụ của Dự án là phát triển phương án quy hoạch và khái niệm quy hoạch kết hợp về sử dụng đất sau khai thác cho khu mỏ Hòn Gai, đồng thời chuyển giao công nghệ cho VINACOMIN.      Qua kinh nghiệm thực hiện các dự án phục hồi môi trường mỏ, bà có đề xuất gì đối với công tác BVMT tại các khu mỏ của Việt Nam hiện nay?      TS. Katrin Broemme: Theo tôi, công tác BVMT tại các khu vực khai thác mỏ phải được thực hiện thường xuyên và đưa chi phí phục hồi môi trường vào chi phí vận hành của Công ty. Qua kinh nghiệm cho thấy, công tác phòng ngừa luôn đạt hiệu quả cao so với những biện pháp phục hồi môi trường khi sự cố môi trường xảy ra.      Công tác phục hồi môi trường phải được đưa vào quy hoạch. Ngay từ khâu thiết kế mỏ chi tiết phải đưa ra những biện pháp bảo vệ, phục hồi môi trường. Khi khu mỏ bắt đầu vận hành thì đồng thời những biện pháp xử lý nước thải mỏ cũng phải đưa vào thực hiện.      Đức là một trong những nước dẫn đầu thế giới về công nghệ môi trường nên các công ty khai thác mỏ của Việt Nam nên thuê những chuyên gia tư vấn của chúng tôi để học hỏi kinh nghiệm trong công tác BVMT mỏ. Các chuyên gia của Dự án RAME sẵn sàng tư vấn, chuyển giao công nghệ cho những khu mỏ khác ở Việt Nam.      Xin cảm ơn bà!             Trần Loan (Thực hiện) Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2014  
Ý kiến của bạn