Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 27/11/2024

Đắc Nông: Dân khốn khổ vì ô nhiễm từ nhà máy sản xuất gỗ

27/12/2014

     Hơn 2 năm qua, hàng trăm hộ dân ở xã Thuận Hạnh (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) phải hứng chịu khói bụi, nước thải chưa qua xử lý từ nhà máy sản xuất ván ép của Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục.

 

Bụi gỗ bay vào nhà các hộ dân xung quanh nhà máy

 

     Làm mất rừng, gây ô nhiễm

     Công ty CP Kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt (gọi tắt là Công ty Long Việt; trụ sở chính tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) được thành lập từ năm 2007 với ngành nghề kinh doanh chính: sản xuất, cung ứng ván MDF cho thị trường trong và ngoài nước; trồng, chăm sóc và khai thác cây nguyên liệu ván MDF; chế biến nông sản, mũ cao su. Năm 2009, công ty được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho quản lý, bảo vệ hơn 1.000 ha rừng tại huyện Đắk Song và được chuyển đổi một phần nhỏ diện tích để trồng keo nguyên liệu. Do quản lý, bảo vệ không tốt, gần 200ha rừng tự nhiên được UBND tỉnh giao cho công ty đã bị tàn phá. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Công ty Long Việt trong việc để mất diện tích rừng này.

     Không chỉ để mất rừng, hàng trăm hộ dân ở xã Thuận Hạnh còn phản ánh nhà máy sản xuất ván ép của Công ty Long Việt trên địa bàn xã gây ô nhiễm nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống của họ. Anh Nguyễn Anh Sơn (ở thôn Thuận Tân, xã Thuận Hạnh), bức xúc: “Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, gia đình tôi và hàng trăm hộ dân xung quanh phải sống trong cảnh ngột ngạt bởi bụi gỗ và mùi khét. Có những hôm nhà máy hoạt động hết công suất, cả bầu trời nhuộm màu khói đen, bụi gỗ phun ra như cám gạo, kết hợp với mùi hôi thối bay vào nhà chúng tôi. Mặc dù đã nảy ra “sáng kiến” dùng vải, nilon che chắn xung quanh nhà nhưng chỉ giảm được bụi gỗ, còn mùi hôi thối thì chúng tôi vẫn phải chịu đựng. Có nhiều hôm, họ sản xuất cả ban đêm, quá hôi thối nên chúng tôi buộc phải đeo khẩu trang để ngủ”.

     Bên cạnh đó, nhà máy còn xả nước thải chưa qua xử lý ngoài, gây ra việc thẩm thấu nước thải xuống các giếng nước, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt. Bà Võ Thị Dung (ở thôn Thuận Tân), bày tỏ: “Thời gian gần đây, nhiều giếng nước trong vùng đã chuyển màu vàng, có mùi hôi nên nhiều gia đình đã bỏ hẳn, không sài nước giếng nữa. Tuy nhiên, nhiều nhà không có điều kiện, vẫn phải “liều mình” sử dụng nguồn nước này. Cùng với nước sinh hoạt, nước sản xuất ở nhiều ao hồ cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, hàng trăm hộ dân chúng tôi đang lâm vào tình trạng “khát” nước sạch”.

 

 Nhà máy sản xuất gỗ của Công ty Long Việt xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ngoài

 

     Cần sớm khắc phục

     Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Sáu - Trưởng phòng Quản trị nhân sự Công ty Long Việt, thừa nhận nhà máy có gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính là nhà máy đang trong giai đoạn chạy thử, hệ thống xử lý khói, bụi và nước thải của nhà máy vẫn chưa được hoàn thành. “Chúng tôi đã đầu tư 28 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải và bụi, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay. Trong thời gian chờ hệ thống này hoàn thiện, chúng tôi đã lắp hệ thống nước phun mưa tại nhà máy để giảm khói, bụi” - ông Sáu cho hay.

     Theo bà Đoàn Thị Tốt - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh, nhà máy sản xuất gỗ của Công ty Long Việt đã gây ô nhiễm trong thời gian dài. Bụi và nước thải từ nhà máy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân các thôn Thuận Tân, Thuận Thành, Thuận Tiến… của xã. Bà Tốt cho biết: “Thời gian gần đây, xã tiếp nhận rất nhiều đơn thư của bà con trong xã phản ánh tình trạng ô nhiễm từ nhà máy sản xuất gỗ của Công ty Long Việt. Nhiều bà con vì quá bức xúc còn kéo nhau đến trước cổng nhà máy, căng lều bạt để phản đối, gây ra tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn. Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra nhà máy và nhiều lần nhắc nhở Công ty Long Việt nhưng tình trạng ô nhiễm tại đây vẫn chưa được khắc phục. UBND xã đã trình vấn đề này lên các cơ quan cấp trên để kiểm tra, xử lý”.

     Được biết, Phòng TN&MT huyện Đắk Song đã tiến hành kiểm tra thực tế về tình trạng ô nhiễm của nhà máy sản xuất gỗ và lấy mẫu nước giếng của một số nhà dân đưa đi kiểm tra. Mới đây, đoàn liên ngành của tỉnh Đắk Nông cũng tiến hành kiểm tra thực tế tại nhà máy của Công ty Long Việt. Theo kết luận kiểm tra, Công ty Long Việt chưa có báo cáo chất thải nguy hại theo định kỳ (6 tháng), không quản lý chứng từ chất thải nguy hại theo quy định… UBND tỉnh Đắk Nông đã ra thông báo yêu cầu Công ty Long Việt thực hiện đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường, tập trung xử lý các cửa xả nước thải và các vấn đề khác liên quan đến môi trường như bụi, khí thải phát sinh…; đồng thời chính quyền địa phương và công ty kịp thời thông tin về tình trạng gây rối, tụ tập trước công ty để các cơ quan chức năng xử lý, tránh những hậu quả đáng tiếc.


 Theo tainguyenmoitruong.com.vn

Ý kiến của bạn