Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 26/11/2024

Đẩy mạnh công tác xử lý rác thải y tế, đảm bảo vệ sinh môi trường

15/09/2015

     Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trung bình mỗi năm, tổng lượng rác thải y tế thải ra từ 41 bệnh viện công lập, 52 phòng khám đa khoa, 4 nhà hộ sinh, gần 600 trạm y tế ước tính khoảng 600.000 kg chất thải y tế nguy hại; 3 triệu kg chất thải thông thường và khoảng 1,8 triệu m3 nước thải. Trong đó, hơn 90% bệnh viện thực hiện phân loại chất thải rắn (CTR) y tế ngay tại nơi phát sinh, nhưng chỉ 50% trong số này thực hiện phân loại đúng từng loại chất thải theo quy định của Bộ Y tế. Nguyên nhân là do nguồn kinh phí đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải nguy hại còn nhiều hạn chế; Đa số hệ thống xử lý chất thải xuống cấp, quá tải cần sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới, song giá thành chi phí cho công tác này rất cao; Các phương tiện chứa chất thải còn thiếu, chưa đồng bộ và đạt chuẩn. Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển chất thải nguy hại, chỉ có 53% số bệnh viện sử dụng xe có nắp đậy… là những kẽ hở phát inh vi khuẩn có hại và phát tán ô nhiễm, lây lan mầm bệnh ra môi trường. Mặt khác, nhân viên y tế chưa được huấn luyện tốt, nên việc thực hiện phân loại chất thải y tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu… Việc quản lý chất thải y tế nguy hại không đúng với quy định pháp luật về BVMT cũng như không bố trí nơi lưu giữ riêng biệt chất thải y tế nguy hại, không phân loại triệt để chất thải y tế nguy hại tại nguồn, để lẫn chất thải y tế nguy hại với chất thải y tế khác... dẫn tới hiện tượng chuyển giao chất thải tái chế, chất thải sinh hoạt có lẫn chất thải y tế nguy hại cho các tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.      Từ năm 2012, ngành y tế đã đầu tư gần 214 tỷ đồng cho 5 dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế của các đơn vị trong ngành, bao gồm dự án mua sắm và lắp đặt hệ thống xử lý chất thải rắn y tế tại 16 bệnh viện; Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế tại 12 bệnh viện thành phố; Xây dựng trạm xử lý nước thải Bệnh viện Tim Hà Nội; Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Thanh Nhàn; Hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế độc hại cho phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh ở 25 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.   Chất thải y tế là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường        Riêng trên địa bàn Hà Nội, hiện có 41 bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế, 37/41 bệnh viện đã được phê duyệt dự án đầu tư và xây dựng hệ thống nước thải theo công nghệ hiện đại. Các trạm y tế sử dụng phương pháp xử lý hóa chất khử trùng trước khi thải vào hệ thống cống chung. Đối với chất thải rắn, các đơn vị y tế đã thực hiện phân loại chất thải ngay từ khoa, phòng và thu gom ít nhất 1 lần/ngày, bảo đảm an toàn trong vận chuyển và xử lý. Hầu hết các đơn vị đã ký hợp đồng vận chuyển, tiêu hủy chất thải với công ty môi trường.      Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho biết, hiện nay, Sở đã yêu cầu các đơn vị y tế công lập và ngoài công lập xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện nghiêm túc quản lý rác thải y tế. Đồng thời, rà soát toàn bộ các trang thiết bị y tế, thiết bị chuyên môn, phương tiện vận tải nhằm bảo đảm an toàn cho cán bộ, người lao động cũng như bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong quá trình sử dụng. Đặc biệt, hệ thống xử lý chất thải tại các đơn vị sẽ được bảo dưỡng, sửa chữa đúng yêu cầu về ánh sáng, độ ồn, khí thải… Phó Giám đốc cho biết, muốn làm tốt công tác quản lý và BVMT trong lĩnh vực y tế, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, nhân viên y tế, tăng cường sự giám sát của xã hội và cộng đồng.   An Vi  
Ý kiến của bạn