Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/11/2024

Ô nhiễm nước và sức khỏe cộng đồng

01/07/2014

     Ô nhiễm nước là sự biến đổi chất lượng nước, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng, các hệ sinh thái, hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Ô nhiễm nước có thể do nguồn gốc tự nhiên như mưa, tuyết tan, gió bão, lũ lụt hay do các chất độc hại có sẵn trong đất (ví dụ asen). Nước thải và rác thải làm thay đổi những đặc tính cơ bản của nguồn nước tự nhiên như: thay đổi tính chất cảm quan của nước, làm cho nước có màu, mùi, hoặc thay đổi thành phần hóa học của nước, tăng hàm lượng chất hữu cơ, muối khoáng, xuất hiện các hợp chất độc hại, thay đổi hệ sinh vật trong nước, xuất hiện các vi khuẩn, vi rút và đơn bào gây bệnh. Mặc dù, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã quan tâm tới vấn đề BVMT nước, mối liên quan giữa chất lượng môi trường nước và sức khỏe con người đã được hiểu rõ hơn, những tổn thất về sức khỏe và kinh tế do ô nhiễm nước cũng bắt đầu được đánh giá, nhằm cung cấp bằng chứng thúc đẩy việc ban hành các quy định luật pháp và áp dụng các giải pháp nhằm kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN).

     Các nguồn ô nhiễm nước nhân tạo

     Các nguồn ô nhiễm nước nhân tạo chính là nước thải, chất thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, làng nghề, giao thông… Nước thải sinh hoạt chiếm tỷ lệ lớn trên tổng lưu lượng thải tại các lưu vực sông (LVS) lớn ở Việt Nam như LVS Cầu, LVS Nhuệ - sông Đáy, sông Hồng, hệ thống LVS Đồng Nai, cũng như các dòng sông, kênh, mương, ao hồ nhỏ trên cả nước. Nước thải sinh hoạt có tải lượng các chất ô nhiễm hữu cơ cao, làm cho chất lượng nước tại các nguồn tiếp nhận bị ô nhiễm chất hữu cơ nghiêm trọng. Ngoài ra, nước thải sinh hoạt cũng chứa nhiều coliform, các virút, vi khuẩn và các đơn bào gây bệnh. Ở Việt Nam, hầu hết nước thải sinh hoạt đều không được xử lý mà thải thẳng vào các nguồn tiếp nhận làm mức độ ô nhiễm nước trên toàn quốc ngày càng trầm trọng.

 

Các dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng phần lớn do nước thải và chất thải các loại

 

     Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp đã thải ra lượng lớn nước thải và rác thải, gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm. Tại một số LVS lớn, nước thải công nghiệp hiện có lượng thải đứng thứ 2 sau nước thải sinh hoạt. Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2012, tại LVS Cầu có nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), các cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp nặng như sản xuất luyện cán thép, giấy, hóa chất, khai khoáng... Do đó, nước thải thường có hàm lượng TSS, kim loại nặng và dầu mỡ khá cao, chứa nhiều các chất hữu cơ (BOD5, COD). Năm 2012, Ủy ban BVMT LVS Cầu phối hợp với các địa phương xác định trên LVS Cầu có 47 nguồn thải công nghiệp trọng điểm, trong đó, Thái Nguyên với 9 nguồn thải. Tại lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đóng góp tỷ lệ lớn nhất, với tải lượng các chất gây ô nhiễm cao nhất. Lượng nước thải phát sinh từ các KCN trong lưu vực này lớn nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước (chiếm khoảng 50%). Ngoài ra, trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai còn có trên 57.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô và ngành nghề khác nhau nằm phân tán rộng khắp các địa phương trên lưu vực (tuy nhiên vẫn tập trung chủ yếu ở 4 tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam). Đây là nhóm nguồn thải công nghiệp chính gây ô nhiễm nguồn nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vì phần lớn đều xả thẳng nước thải ô nhiễm ra môi trường. Nước thải công nghiệp hình thành do quá trình sử dụng nước trong sản xuất và điều kiện hình thành nước thải, lưu lượng, thành phần nước thải rất khác nhau.

 

Rác thải gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh kế của người dân

 

     Thành phần và tính chất của nước thải từ các ngành sản xuất cũng có tác động khác nhau tới chất lượng nước. Ví dụ, nước thải của ngành cơ khí - chế tạo máy chứa nhiều dầu mỡ và chất rắn lơ lửng, nước thải của ngành chế biến thực phẩm chứa nhiều chất hữu cơ, nước thải của ngành sản xuất dệt nhuộm chứa nhiều loại hóa chất như xút, thuốc tẩy, phèn, nhựa thông, phẩm màu... Ngoài ra, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, người dân thường sử dụng nhiều loại phân bón để tăng năng suất cây trồng cũng như nhiều loại hóa chất trừ sâu, diệt cỏ, đây là một trong những nguồn nghiêm trọng gây ô nhiễm nước. Ngoài ra, nước còn bị ô nhiễm bởi nước thải y tế và các nguồn ô nhiễm khác. Theo Luật BVMT (2005), nước thải y tế là loại nước thải nguy hại cần phải xử lý triệt để trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết các cơ sở y tế trên cả nước chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc nếu có thì cũng ở quy mô nhỏ, công suất chưa đáp ứng với lượng nước thải thải ra hàng ngày. Một số bệnh viện và trung tâm y tế đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa triệt để, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Như vậy, có thể thấy, cùng với quá trình phát triển và gia tăng dân số, các nguồn nước hiện nay ở Việt Nam ô nhiễm bởi nhiều nguồn khác nhau, là nguy cơ lớn tác động tới sức khỏe cộng đồng, gây ra các thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.

     Ô nhiễm nước và sức khỏe cộng đồng

     Nước chiếm khoảng 60 - 70% thể trọng cơ thể và nước tham gia vào việc hình thành các dịch tiêu hóa, giúp con người hấp thu chất dinh dưỡng, cũng như tạo thành các chất lỏng trong cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Nước giúp cho các phế nang luôn ẩm ướt, có lợi cho việc hô hấp, là dầu bôi trơn của toàn bộ khớp xương trong cơ thể và là một chất hoãn xung của hệ thống thần kinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguồn nước tại nhiều địa phương bị ô nhiễm trầm trọng và nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn nước còn hạn chế. Đây là những nguyên nhân chính làm gia tăng nhiều loại bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường (Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 2011). Trong số 5 nhóm bệnh có liên quan đến nước (bệnh lây lan qua nước ăn uống, nhóm bệnh do thiếu nước trong tắm giặt, nhóm bệnh do muỗi truyền, nhóm bệnh do vi yếu tố, hóa chất độc hại trong nước và nhóm bệnh do tiếp xúc với nước) thì ô nhiễm nước đóng vai trò quan trọng trong việc lây lan các bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm.

     Ngoài các bệnh do vi sinh vật tồn tại trong nước thì thực trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón hóa học trong nông nghiệp, rác thải và nước thải công nghiệp không được thu gom và xử lý hợp vệ sinh trước khi thải ra môi trường, hóa chất sử dụng trong y tế, trong sản xuất các sản phẩm gia dụng… dẫn đến nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm như ung thư (ung thư gan, dạ dày, bàng quang…), bệnh Minimata (tương tự bệnh Tê tê say say) do phơi nhiễm thủy ngân, Itai Itai do phơi nhiễm với cadmium, ảnh hưởng tới hệ sinh sản và các bệnh về thần kinh do phơi nhiễm thuốc bảo vệ thực vật.

     Theo WHO, khoảng 80% bệnh tật là có liên quan tới chất lượng nước và tình trạng vệ sinh môi trường. Mỗi năm, trên thế giới, có khoảng 4 tỷ trường hợp bị tiêu chảy, 88% các bệnh về đường tiêu hóa, chiếm 4,1% gánh nặng bệnh tật toàn cầu và khoảng 2,5 triệu người tử vong, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Ở Việt Nam, bệnh tiêu chảy là một trong 10 bệnh có số ca mắc và tử vong cao nhất với khoảng từ 725.000 đến 930.000 ca mắc mỗi năm.

     Nhìn chung, thiệt hại của ô nhiễm nước có thể tính đến gánh nặng bệnh tật (bao gồm chi phí điều trị, nghỉ làm, chăm sóc…), thiệt hại về mùa màng, nuôi trồng thủy sản, thiệt hại do phá hủy công trình, thiết bị, chi phí mua nước đóng chai, chi phí xử lý nước ăn uống, thiệt hại về du lịch… Tuy nhiên, tác động sức khỏe do ô nhiễm nước thường khó đánh giá một cách toàn diện do hiện nay, trên thế giới cũng như tại Việt Nam có rất ít nghiên cứu về mối quan hệ giữa phơi nhiễm với ô nhiễm nước và hậu quả sức khỏe, thiếu hệ thống quan trắc dữ liệu về các yếu tố nguy cơ ô nhiễm nước và bệnh tật liên quan đến ô nhiễm nước. Ngoài ra, đánh giá phơi nhiễm với các chất ô nhiễm trong nước cũng rất phức tạp, do các hộ gia đình thường áp dụng nhiều cách xử lý nước khác nhau trước khi sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt nên ngay khi sử dụng chung một nguồn nước với cùng mức ô nhiễm thì mức phơi nhiễm của các cá nhân trong cộng đồng là khác nhau.

     Trong thời gian tới, để góp phần giảm thiểu tác hại của ô nhiễm nước tới sức khỏe cộng đồng, kinh tế và môi trường thì Việt Nam cần có các chính sách và thực thi tốt công tác KSONN. Tuy nhiên, để xây dựng chính sách và văn bản pháp luật liên quan đến KSONN thì cần có các bằng chứng khoa học đánh giá toàn diện tác động của ô nhiễm nước tới sức khỏe, kinh tế và môi trường để làm cơ sở cho quá trình xây dựng các quy định pháp luật về bảo vệ và KSONN.

 

ThS. Trần Thị Tuyết Hạnh

Trường Đại học Y tế công cộng

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề kiểm soát ô nhiễm nước

tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

Ý kiến của bạn